Việt dịch: Thích nữ Tịnh Quang
Tôi nghe như vầy, một hôm Đức Phật trụ vào ánh sáng vi diệu
tuyệt vời (với) bảy báu trang nghiêm, rồi phóng vừng hào quang chiếu
khắp tất cả thế giới vô biên, làm đẹp vô lượng cõi nước hoàn toàn không
giới hạn. Ánh sáng tuyệt vời kia vượt thoát chỗ sở hành của ba cõi, vượt
ngoài khởi (tưởng) của thiện căn thế gian, là tướng tịnh thức vô cùng
tự tại.
Ở nơi tướng sáng Như Lai, các chúng Đại Bồ tát cùng vân
tập, các vị trời, rồng, nhơn và phi nhơn…nhiều không kể hết cũng thường
theo hầu, vâng giữ pháp vị hỷ lạc rộng lớn, làm tất cả điều lợi ích cho
các chúng sinh, diệt những phiền não triền cấu nghiệt ngã, rời xa chúng
ma bằng sự trang nghiêm đó.
Ở nơi sở y Như lai trang nghiêm là
đại Niệm, Huệ, Hành dùng làm du lộ, đại Chỉ và diệu Quán dùng làm phương
tiện, đại Không, Vô tướng, Vô nguyện và Giải thoát là chỗ nhập môn, các
sự trang nghiêm công đức nào thể suy lường.
Ở nơi kiến lập chúng
Đại Bảo Hoa Vương, bên trong đại cung điện là Đức Phật Tối Thanh Tịnh
Giác, hiện hạnh bất nhị nơi pháp vô tướng, trú vào Phật trụ, đạt được
tất cả Phật tánh bình đẳng và đến được nơi không còn ngăn trở. Chuyển
pháp vi diệu, hành tung vô ngại, nơi thành lập đó không thể nghĩ bàn.
Đi
qua ba đời Pháp tánh bình đẳng, Phật thân trãi khắp tất cả thế giới,
không còn nghi ngờ và hạn cuộc đối với tất cả Pháp trí, thành tựu Đại
giác trong tất cả hạnh, không còn nghi hoặc đối với Pháp trí, ở chỗ hiện
thân không thể phân biệt. Tất cả hàng Bồ tát Chánh Sở Cầu Trí đạt được
Phật tâm không hai, trú ở bờ kia cao tột, không có xen tạp các tướng.
Như lai (đã) giải thoát với diệu trí rốt ráo, sự chứng ngộ không có ngằn
mé, Phật địa bình đẳng tuyệt cùng pháp giới, tánh khắp hư không xuyên
suốt vị lai, cùng các chúng Đại thanh văn tụ hội nhiều không thể tính,
tất cả các vị đã được điều hòa và là Phật tử.
Ở nơi Tâm thiện
giải thoát, Tuệ thiện giải thoát và Giới thiện thanh tịnh, các vị này
ước muốn nghe nhiều và ghi nhận Pháp lạc. Sự nghe tích tập thì khéo suy
tư nơi điều suy tư, khéo nói nơi việc nói, khéo làm nơi việc làm, thành
tựu các tuệ bảo như: Tiệp tuệ, Tốc tuệ, Lợi tuệ, Xuất tuệ, Thắng quyết
trạch tuệ, Đại tuệ, Quảng tuệ và Vô đẳng tuệ, đầy đủ Ba minh, đạt được
Đệ nhất Hiện pháp lạc, trú vào Ruộng phước thanh tịnh vĩ đại, thành tựu
đầy đủ uy nghi tịch tĩnh Đại nhẫn nhu hòa, đã khéo phụng hành Thánh giáo
của Như lai.
Còn có thêm vô lượng chúng Bồ tát lớn từ các cõi
Phật đến tập họp đủ, các vị này trụ ở Phương tiện, rong du trên Pháp Đại
thừa, tâm của các Ngài thì bình đẳng đối với các chúng sinh, xa lìa sự
phân biệt và chẳng phân biệt đối với các loại phân biệt, bẽ gảy các sự
tà vạy, lìa hẳn tất cả hệ niệm phân biệt của hàng Thanh văn Độc giác, đã
nắm bắt được Pháp vị hỷ lạc rộng lớn, vượt qua năm sự sợ hãi, chỉ hướng
đến bực Bất thối chuyển, đã dứt được tất cả tâm bức bách khổ não của
chúng sinh và có mặt trong lúc này; trong đây Bồ tát Diệu sanh là vị
Thượng thủ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Diệu Sanh rằng, Diệu Sanh
ông nên biết, có năm loại pháp thâu tóm Đại giác địa (tâm). Năm pháp đó
là gì?
Đó gọi là Thanh tịnh pháp giới, Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí, và Thành sở tác trí.
Diệu
Sanh ông nên biết, Thanh tịnh pháp giới đó ví như hư không, tuy trong
đó biến ra nhiều loại sắc tướng nhưng không thể nói rằng có các hình
tướng vì thể (của nó) chỉ có một vị.
Như Lai Thanh tịnh pháp giới
cũng giống như thế, dù có biến ra nhiều loại hình tướng, rõ biết cảnh
giới, nhưng không thể nói rằng có nhiều hình tướng, vì thể của (Như Lai)
chỉ có một vị.
Và như hư không tuy biến ra các sắc nhưng không có
tướng để lìa bỏ, và không bị sắc kia làm cho ô nhiễm; Như lai Thanh tịnh
pháp giới cũng giống như thế. Tuy hóa hiện ra tất cả tâm tánh chúng
sanh, bởi là chân thật, không có tướng để lìa bỏ, và cũng không bị sắc
kia làm cho ô nhiễm.
Và như hư không hàm dung tất cả nghiệp thân
miệng ý, nhưng hư không này không có khởi tác, Như Lai Thanh tịnh pháp
giới cũng giống như thế, bao gồm tất cả trí tuệ biến hóa ích lợi chúng
sanh, pháp giới thanh tịnh thì không có khởi tác.
Và như hư không
có nhiều loại sắc tướng lúc sanh lúc diệt, nhưng hư không ấy không sinh
không diệt, ở trong Như Lai Thanh tịnh pháp giới, trí tuệ biến hóa lợi
ích chúng sanh nên có sinh có diệt, nhưng pháp giới thanh tịnh không hề
sinh diệt.
Và như hư không có nhiều sắc tướng lúc tăng lúc giảm,
nhưng hư không ấy không tăng không giảm, ở trong pháp giới vắng lặng của
Như Lai cũng thế, thị hiện Như lai và Thánh giáo cam lồ có tăng có
giảm, nhưng pháp giới thanh tịnh không hề tăng giảm.
Và như hư
không hiện hữu mười phương sắc tướng không cùng không tận, là cõi hư
không không có giới hạn, và hư không ấy chẳng đến chẳng đi chẳng động
chẳng chuyển, ở trong pháp giới vắng lặng của Như Lai cũng giống như
thế, hóa độ mười phương tất cả chúng sinh lợi ích an lạc, nhiều loại tác
dụng không có giới hạn, thanh tịnh pháp giới cũng không giới hạn, và
pháp giới ấy không đến không đi không động không chuyển.
Và như
ba ngàn đại thiên thế giới trong hư không lúc hoại lúc thành, nhưng cõi
hư không nào có thành hoại, ở trong cõi giới thanh tịnh của Như Lai cũng
giống như thế, hiện vô lượng tướng thành Đẳng chánh giác, hoặc thị hiện
nhập Đại niết bàn, nhưng Pháp giới vắng lặng chẳng có Thành chánh đẳng
giác hay Nhập niết bàn.
Và như hư không gồm nhiều sắc tướng tiêu
tán cháy khô đã bị biến đổi nhưng cõi hư không chẳng có biến đổi hay là
hư hại. Như thế nương vào Như Lai tịnh giới và Chúng sanh giới, phát
sinh nhiều pháp học xứ huỷ phạm của thân, ngữ, ý nghiệp được biết, nhưng
Tịnh pháp giới chẳng có tướng biến đổi hay là hư hại.
Và như hư
không có đất lớn, núi lớn, ánh sáng, lửa nước, quyến thuộc Đế thích…cho
đến mặt trời mặt trăng nhiều loại khác nữa, nhưng tánh hư không chẳng có
các tướng kia. Như thế nương vào Như lai tịnh giới mà có Giới uẩn, Định
uẩn, Tuệ uẩn, Giải thoát, Giải thoát tri kiến và các uẩn khác, nhưng
tánh Tịnh giới chẳng có các tướng kia.
Và như hư không gồm nhiều
loại nhân duyên triển chuyển sinh khởi, Ba ngàn đại thiên, vô lượng thế
giới vần xoay trong đó mà cõi hư không nào có dấy động. Như thế ở trong
pháp giới Như lai thanh tịnh, đầy đủ vô lượng hình tướng chư Phật và
Chúng hội vần xoay trong đó mà pháp giới vắng lặng nào có dấy động.
Còn
nữa Diệu Sanh, Đại viên cảnh trí, như các hình ảnh hiện vào trong gương
tròn đầy; như thế nương vào Như lai trí cảnh (gương trí của Phật) mà có
cảnh thức (gương thức tâm) hiện ra các hình bóng. Đây dùng Viên cảnh
làm thí dụ vậy. Phải biết Viên cảnh, Như lai trí cảnh hoàn toàn bình
đẳng, cho nên Trí cảnh còn gọi là Viên cảnh trí.
Như gương tròn
lớn có bóng hình người phước lạc, bóng gương tuyệt đẹp treo ở trên cao
không có lung lay, có vô lượng (hình ảnh) chúng sanh qua lại, quan sát
nơi bóng gương nầy thì có tốt có xấu…vì vậy mà muốn lưu lại bóng tốt và
bỏ bóng xấu vậy.
Gương trí vằng vặc của Như Lai cũng như thế, là
pháp giới vắng lặng không có gián đoạn không có dao động, vì muốn giúp
vô lượng vô số chúng sanh thấy rõ nhiễm-tịnh, vì muốn chúng sanh giữ
tịnh bỏ nhiễm vậy.
Và như gương tròn trong suốt tuyệt đẹp, ánh
sáng chiếu khắp trong sạch không dơ, như thế Như lai Đại viên cảnh trí,
về mặt Phật trí thì đã hoàn hoàn thoát khỏi tất cả sự đau khổ của Phiền
não chướng và Sở tri chướng, cực thiện trong suốt làm Y chỉ định, có sự
nhiếp trì thanh tịnh không động, ánh sáng chiếu khắp, khiến các chúng
sanh có được lợi lạc.
Và như gương tròn bản chất là tương duyên,
có nhiều hình bóng tướng mạo sinh khởi; như thế Như lai Đại viên cảnh
trí nương vào các duyên trong tất cả thời mà có nhiều trí ảnh tướng mạo
sinh khởi, như trong gương tròn không chỉ có một mà là rất nhiều hình
ảnh nhưng mà bản chất của gương tròn vốn không có các hình ảnh, và gương
tròn này không động không tác.
Như thế với gương trí tuệ vằng vặc
của Như lai, chẳng phải một nhưng lại có nhiều trí ảnh hiện ra, nhưng
gương trí tuệ tròn đầy không có các trí ảnh, và gương trí này vốn không
lay động.
Và như gương tròn cùng các hình ảnh, chẳng hợp chẳng ly,
chẳng có tụ tập mà hiện các duyên kia vậy. Như thế Đại viên cảnh trí của
Như Lai cùng các trí ảnh chẳng hợp chẳng lìa, không có tụ tập cũng
chẳng tản mất.
Và như gương tròn trong sáng, mặt gương soi tất cả
nơi, và các hình ảnh biến khởi theo duyên. Như thế gương trí Đại viên
của Như Lai không lìa vô lượng duyên mà hành thiện pháp, vì các trí ảnh
biến khởi đều nương duyên; nghĩa là có hình thái về các trí ảnh của
Thanh văn thừa, hình thái trí ảnh của Độc giác thừa, hình thái trí ảnh
Vô thượng Đại thừa bởi vì muốn giúp cho hàng Thanh văn thừa nương theo
cỗ xe Thanh văn mà xuất ly, muốn giúp hàng Độc giác nương vào cỗ xe Độc
giác mà xuất ly, và muốn giúp hàng Đại thừa nương nơi cỗ xe Vô thượng
thừa mà vượt thoát vậy. Như gương vằng vặc có đủ các hình bóng, bao hàm
các hình thù địa cầu, các núi lớn, cây to, nhà cửa cung điện quy mô mà
kính tròn này không có phân biệt khi soi chiếu. Như thế trên Viên cảnh
trí của Như lai từ cõi Cực hỉ địa đến cõi Phật địa, các hình ảnh này đều
hiện trong gương trí, và tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, gương
trí đều hiện đủ mà gương trí vằng vặc kia đâu có phân biệt.
Và
như gương tròn không bị che khuất và hình ảnh kia mới hiện. Gương trí
tròn lớn của Như Lai cũng như thế, chẳng phải phân chia xấu tốt tà
chánh, chướng ngại chúng sanh nhưng các trí ảnh nương đây mà hiện; nhưng
gương trí kia cũng chẳng phải là vật dụng vậy.
Và như gương
tròn không chỗ che lấp nên các hình ảnh mới hiện. Như Lai Đai viên kính
trí cũng lại như thế, trí ảnh hiện hữu chẳng có sự ưa ghét, mê mờ đối
với chúng sanh, và gương trí kia cũng chẳng phải là vật dụng vậy.
Và
như gương tròn chẳng phải cách ly hình ảnh mà hiện. Như Lai Đại viên
kính trí cũng lại như thế, các trí ảnh hiện khởi hoàn toàn thanh tịnh
với sự dung nạp pháp nghiệp, chúng sanh bất tín, nhưng gương trí kia
không phải là vật dụng vậy.
Lại nữa Diệu Sanh, Bình đẳng tánh trí
là do mười loại tướng viên mãn thành tựu: (1) Chứng đắc chư tướng tăng
thượng hỉ ái (rõ thấu các pháp tăng trưởng tâm hỉ ái đối với chúng sinh)
nhờ thành tựu đầy đủ Bình đẳng pháp tánh. (2) Chứng đắc nhất thiết lãnh
thọ duyên khởi (thấu rõ tất cả sự lãnh hội duyên khởi) nhờ thành tựu
đầy đủ Bình đẳng pháp tánh. (3) Chứng đắc viễn ly dị tướng phi tướng
(thấu rõ và buông bỏ các tướng đối lập) nhờ thành tựu đầy đủ Bình đẳng
pháp tánh. (4) Hoằng tế đại từ (tâm đại từ hoằng hóa) nhờ thành tựu đầy
đủ Bình đẳng pháp tánh. (5) Vô đãi đại bi (tâm đại từ không phân biệt)
nhờ thành tựu đầy đủ bình đẳng pháp tánh. (6) Tùy chư chúng sanh sở lạc
thị hiện (thị hiện theo sự mong cầu của chúng sanh) nhờ thành tựu đầy đủ
Bình đẳng pháp tánh. (7) Nhất thiết chúng sanh kính thụ sở thuyết (tất
cả chúng sanh cung kính nghe pháp) nhờ thành tựu đầy đủ Bình đẳng pháp
tánh. (8) Thế gian tịch tĩnh giai đồng nhất vị (thấy rõ tướng vắng lặng
của thế gian không có sự sai biệt) nhờ thành tựu đầy đủ Bình đẳng pháp
tánh. (9) Thế gian chư pháp khổ lạc nhất vị (thấy rõ pháp khổ vui của
thế gian đều không sai khác) nhờ thành tựu đầy đủ Bình đẳng pháp tánh.
(10) Tu thực vô lượng công đức cứu cánh (đạt được sự rốt ráo của vô
lượng công đức) nhờ thành tựu đầy đủ bình đẳng pháp tánh vậy.
Lại
nữa Diệu Sanh, Diệu quan sát trí ví như thế giới gìn giữ cõi giới chúng
sanh, Diệu quan sát trí của Như Lai cũng lại như thế, nắm giữ tất cả
pháp Tổng trì Tam ma địa, là diệu pháp Vô ngại biện thuyết của chư Phật.
Và
như thế giới là các chúng sanh, sinh ra tất cả vô lượng nhân duyên
tướng thức (tâm và vật), như thế Diệu quan sát trí của Như Lai hay phát
sinh ra tất cả nhận thức, Diệu trí vô ngại, nhiều loại nhân duyên của
tướng- thức.
Và như thế giới có các thứ xinh đẹp, các nơi trang
nghiêm như vườn rừng ao hồ… cực kỳ đáng yêu, Diệu quan sát trí của Như
Lai cũng như thế, gồm có các pháp trang nghiêm đáng quý như Ba la mật
đa, Bồ đề phần pháp, Thập lực vô úy, Bất cộng Phật pháp cực kỳ đáng quý.
Và
như thế giới bao gồm các châu, mặt trời mặt trăng, cõi trời Tứ thiên
vương, cõi trời Tam thập tam, cõi trời Dạ ma, cõi trời Đâu suất đa, cõi
trời Lạc biến hóa, cõi trời Tha hóa tự tại, cõi trời Phạm thân v.v… và
nhiều cõi giới đẹp đẽ. Diệu quan sát trí của Như Lai cũng như vậy, gồm
có nhân quả thịnh suy, thế gian và xuất thế gian, cảnh giới viên chứng
của hàng Thanh văn Độc giác, tất cả cảnh giới đều được quán sát đầy đủ.
Và
như thế giới vì các chúng sanh mà có sự thọ dụng rộng lớn, như thế Diệu
quan sát trí của Như Lai thị hiện tất cả chúng hội của chư Phật. Có mưa
pháp lớn khiến cho chúng sanh nhận pháp vui lớn. Như trong thế giới có
năm nẻo luân hồi, đó là cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sanh, cõi
người, và cõi trời, như thế ở nơi Diệu quan sát trí của Như Lai, tất cả
cảnh giới nhân quả năm đường khác nhau đều hiển hiện trong đó. Như trong
thế giới có các cõi Dục, Sắc và Vô sắc, như thế ở nơi Quan sát trí của
Như Lai, tất cả ba cõi nhân quả sai biệt đều hiển hiện đầy đủ. Như trong
thế giới Tô mê lư… có Đại bảo sơn vương hiển hiện trong đó, như thế ở
nơi quan sát trí của Như Lai là oai thần dẫn dắt của chư Phật và Bồ tát
với giáo pháp thậm thâm và quảng đại được tuyên bày. Như trong thế giới
quảng đại thậm thâm không thể làm khuynh đảo được biển lớn. Như thế ở
nơi Diệu quan sát trí của Như lai, tất cả thiên ma ngoại đạo dị luận
cũng không thể nào khuynh đảo được pháp giới giáo pháp sâu thẳm kia.
Và
như thế giới bao bọc bởi các núi Đại Tiểu Luân Sơn, Như Lai Diệu quan
sát trí cũng như thế, không rời tất cả ngoại vi của tự tướng và cộng
tướng vậy.
Lại nữa Diệu Sanh, Thành sở tác trí giống như chúng
sanh Cần lệ thân nghiệp, nghĩa là chúng sanh mong cầu thu hoạch nhiều
lợi vụ và dốc sức đối với mọi việc. Như thế Thành sở tác trí của Như Lai
là Cần thân hóa nghiệp, nghĩa là Như Lai thị hiện nhiều loại công xảo
để bẽ gãy tâm kiêu mạn của chúng sanh, xử dụng trí lực phương tiện thiện
xảo này để đưa chúng sanh vào được Thánh giáo thành tựu giải thoát.
Lại
nữa chúng sanh là Thụ dụng thân nghiệp, cho nên chúng sanh Thụ dụng
nhiều loại hình thù và cảnh giới sai khác, như thế Thành sở tác trí của
Như Lai là Thụ thân hóa nghiệp, nghĩa là Như Lai đi vào nhiều cảnh giới
khác nhau của chúng sanh, thị hiện đồng loại nhưng ở địa vị tôn quí, do
thị hiện đồng loại mà nhiếp phục được tất cả chúng sanh dị loại, dùng
trí lực phương tiện thiện xảo này mà đưa chúng sanh vào được Thánh giáo
Thành tựu giải thoát vậy.
Lại như chúng sanh Lãnh thọ thân
nghiệp, do đây chúng sanh lãnh thọ hành động nghiệp quả của thiện ác.
Như thế Thành sở tác trí của Như Lai là Lãnh thân hóa nghiệp, nghĩa là
Như Lai thị hiện lãnh thọ, nhiều đời nhiều kiếp tu các hạnh khó, dùng
phương tiện thiện xảo này để đưa chúng sanh vào được Thánh giáo thành
tựu giải thoát.
Lại như chúng sanh Khánh úy (luôn trụ) ngữ
nghiệp, do đây chúng sanh triển chuyển đàm luận, xoay vần nơi trụ tướng
này. Như thế Thành sở tác trí của Như Lai là Khánh ngữ hóa nghiệp, nghĩa
là Như Lai tùy theo mỗi pháp lạc mà trình bày văn nghĩa xảo diệu, dùng
trí lực phương tiện thiện xảo này để giúp cho hàng chúng sanh tiểu trí
vừa nghe thì phát khởi lòng tin, đưa các chúng sanh vào được Thánh giáo
và Thành tựu giải thoát vậy.
Lại như chúng sanh ở nơi Phương tiện
ngữ nghiệp, nghĩa là chúng sanh triển chuyển truyền đạt nhau, đặc trách
của tác nghiệp là hủy ác tán thiện để cùng nhau sinh tồn. Như thế Thành
sở tác trí của Như Lai là phát khởi Phương tiện ngữ biến hoá nghiệp,
nghĩa là Như Lai thành lập Chánh xứ học, đẩy lùi nghiệp phóng dật (buông
lung, biếng nhác) ca ngợi hạnh tinh tấn, và còn kiến lập các pháp
tín-hạnh khế lý khế cơ, dùng trí lực phương tiện thiện xảo này để đưa
chúng sanh vào được Thánh giáo Thành tựu giải thoát vậy.
Lại như
chúng sanh Biện dương ngữ nghiệp, nghĩa là chúng sanh triển chuyển khai
thị, đề xướng các luận giải bất liễu nghĩa. Như thế Thành sở tác trí của
Như Lai là Biện ngữ hoá nghiệp, nghĩa là Như Lai cắt đứt vô lượng nghi
hoặc của chúng sanh, dùng trí lực phương tiện thiện xảo này để đưa chúng
sanh vào được Thánh giáo Thành tựu giải thoát.
Lại như chúng
sanh Quyết trạch ý nghiệp, nghĩa là chúng sanh tự quyết định chọn lựa
những gì có thể làm và những gì không thể làm. Như thế Thành sở tác trí
của Như Lai là Quyết ý hóa nghiệp, nghĩa là Như lai chọn lựa bốn vạn tám
nghìn tâm hành sai biệt của chúng sanh, dùng trí lực phương tiện thiện
xảo này để đưa chúng sanh vào được Thánh giáo Thành tựu giải thoát vậy.
Lại
như chúng sanh Tạo tác ý nghiệp, do đây chúng sanh gây tạo nhiều hành
vi khởi nghiệp. Như thế Thành sở tác trí của Như Lai là Tạo ý hóa
nghiệp, nghĩa là Như Lai quán các hành vi tạo nghiệp của chúng sanh, có
tạo tác và không tạo tác, hoặc được hoặc mất, có thủ có xả…dùng trí lực
phương tiện thiện xảo này để đối trị tạo tác của chúng sanh và đưa chúng
sanh vào được Thánh giáo Thành tựu giải thoát.
Lại như chúng
sanh Phát khởi ý nghiệp, nghĩa là chúng sanh tạo ra nhiều nghiệp. Như
thế Thành sở tác trí của Như Lai là Phát ý hóa nghiệp, nghĩa là Như Lai
vì muốn tuyên thuyết pháp này để đối trị Phát khởi ý nghiệp, làm rõ sở
lạc của pháp (Phát ý hoá nghiệp) bằng cú tự văn nghĩa, dùng trí lực
phương tiện thiện xảo này để đưa chúng sanh vào được Thánh giáo Thành
tựu giải thoát.
Lại như chúng sanh Thọ lãnh ý nghiệp, do đây
chúng sanh thọ lãnh khổ vui. Thành sở tác trí của Như Lai là Thọ ý hóa
nghiệp, nghĩa là Như Lai cân nhắc với sự quyết định đối với sự thắc mắc
đặc để, ngài làm sự thọ ký riêng biệt, tùy theo người đáng thọ lãnh
(tiếp nhận) đối với các nghĩa ở nơi quá khứ, hiện tại và tương lai, dùng
trí lực phương tiện thiện xảo này để đưa chúng sanh vào được Thánh giáo
Thành tựu giải thoát vậy.
Bấy giờ Đại bồ tát Diệu Sanh bạch với
Đức Phật rằng, thưa Thế tôn, việc này chỉ riêng Như Lai ở nơi tịnh pháp
giới (pháp giới thanh tịnh), có sự thọ dụng hòa hợp, sự-trí nhất vị,
nhưng chư Bố tát có thể làm được như thế không?
Đức Phật bảo Bố tát Diệu Sanh rằng, hàng Bồ tát cũng có sự thọ dụng hòa hợp, sự-trí nhất vị vậy.
Bồ tát Diệu Sanh lại bạch Phật rằng, thế nào là sự thọ dụng hòa hợp, sự-trí nhất vị của hàng Bồ tát?
Đức
Phật bảo rằng đó là chư Bồ tát chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn. Bởi vì chư
Bồ tát kia ở trong pháp vô sanh, khi đắc được Nhẫn Giải thì đối trị với
nhị tưởng, nghĩa là thoát ly hai loại tưởng của tự và tha (mình và
người) cho nên đạt được tâm bình đẳng; từ đây trở đi hai loại vọng tưởng
dị và tha của các Bồ tát kia không còn khởi hiện nên có sự thọ dụng hòa
hợp, sự-trí nhất vị vậy.
Bồ tát Diệu Sanh lại bạch Phật
rằng,kính mong Như Lai nói rõ ví dụ để giúp cho hàng Bồ tát rõ được ý
nghĩa cao sâu này để tùy nghi hóa duyên lưu truyền rộng rãi khiến cho
các chúng sanh nghe được điều này liền liễu ngộ được Vô sanh pháp nhẫn.
Đức
Phật bảo ngài Diệu Sanh, ví như chư thiên cõi trời Tam thập tam chưa
vào được Tạp Lâm trọn không thể lãnh hội pháp sự hoặc lĩnh thọ vô ngã,
ngã sở và hòa hợp thọ dụng. Nếu họ vào được Tạp Lâm tức không còn tâm
phân biệt tùy ý thọ dụng, do đây Tạp lâm có Như thị Đức có thể khiến cho
chư thiên khi vào được chỗ rừng này rồi có quả báo hoặc về Sự hoặc về
Thọ của thiên giới, vô sở tư duy, hòa hợp thọ dụng.
Như thế hàng
Bồ tát nếu chưa chứng đắc Vô sanh Pháp Nhẫn trọn không thể đạt được tâm
bình đẳng, xả bình đẳng và cùng với tất cả hàng Thanh văn Độc giác không
có sai biệt.
Nếu có nhị tưởng, hành giả không thể trụ vào sự thọ
dụng hòa hợp, sự-trí nhất vị. Nếu đã chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, thoát
khỏi nhị tưởng cho nên đạt được tâm bình đẳng, cùng với hàng Thanh Văn
Độc giác không khác. Bởi tâm bình đẳng mà có thể trụ ở tánh xả, thọ dụng
hòa hợp, sự-trí nhất vị.
Lại nữa Diệu Sanh, thí như các dòng
nước lớn nhỏ chưa vào biển lớn nên có chỗ y cứ khác biệt nhau, nước ở
trong dòng có sự khác biệt, có lên có xuống, tùy theo ngạch nước mà tạo
thành sự khác biệt nhau, nước là nơi y trì thấp của đời sống loài thủy
tộc… nếu dòng nước nhập với biển lớn thì không còn sự khác biệt đối với
sở y, nước không có sự sai biệt, nước không có hạn lượng, nước đồng tác
nghiệp không có lên xuống, nước là nơi y trì rộng lớn của đời sống loài
thủy tộc.
Hàng Bồ tát cũng như thế, nếu chưa chứng nhập biển lớn
của Như lai Thanh tịnh pháp giới thì từng chỗ Sở y đều có các Trí tăng
giảm như có Thiểu trí và Dị trí, tùy theo Trí nghiệp kia mà hành vi tạo
tác đều sai khác nhau. Một số chúng sanh nương nơi các trí làm chỗ y chỉ
và thành tựu căn lành; nếu đã vào được biển lớn Thanh tịnh pháp giới
của Như Lai thì chỗ sở y không có khác nhau và trí (chứng) kia cũng
chẳng sai biệt. Trí (chứng) không có hạn lượng không có tăng giảm, thọ
dụng hòa hợp, sự-trí nhất vị, nó là chỗ y chỉ của sự thành tựu thiện căn
của vô lượng chúng sanh.
Bấy giờ Đức Thế Tôn mới nói kệ rằng:
Tất cả pháp chơn như
Nhị chướng- thanh tịnh tướng
Pháp trí làm nhân duyên
Tướng Tự tại Vô tận
Trùm khắp trí Chơn như
Tu tập đạt rốt ráo
Các quả vị bất tận
An lập ở hai pháp
Thân ngữ và tâm hóa
Thiện hóa đường tu tập
Định và Tổng trì môn
Hai thành tựu vô biên
Tự tánh pháp-thọ dụng
Biến hóa sai khác nhau
Tịnh pháp giới như thế
Là điều chư Phật thuyết.
Lúc
Đức Thế Tôn nói kinh này rồi, Đại Bồ tát Diệu Sanh cùng chư Bồ tát và
các đại chúng Thanh văn, Thế gian, Trời, Người, A Tu La v.v… tất cả nghe
lời Phật nói đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.
No comments:
Post a Comment