Tất cả sự vật trong thế gian vốn không mâu thuẫn,
sinh và diệt là biểu hiện bề mặt của sự vận hành pháp duyên khởi. Con người sở
dĩ đau khổ vì thấy nó mâu thuẫn; vọng tâm của chúng ta đã phóng lên bức màn vô
tận của tính KHÔNG (Lão Tử gọi là HƯ VÔ), và rồi phát sinh phiền não, đau khổ.
Cuộc sống mâu thuẫn là
khi ta tiếp xúc với sự vật bằng một thái độ phân biệt, chiếm hữu, thích hay ghét; cái thích và ghét của chúng
ta là nguyên nhân của vô minh khiến chúng ta cứ luân hồi thiên thu vĩnh kiếp.
Chạy theo ảo tưởng
của thời gian là bi kịch của kiếp nhân sinh. Ký ức quá khứ và ước vọng tương
lai đã khiến cho chúng ta không thấy được thực tại nhiệm mầu (“người buồn cảnh
có vui đâu bao giờ”); phần đông chúng ta đang chết dần chết mòn cho quá khứ và
tương lai, như con ong cắm đầu vào một nụ hoa, mật hoa đã hết và nó tiếp tục chờ
đợi…không chịu bay đi, và rồi cùng chết với nụ hoa khô héo.
Đức Phật khuyên
chúng ta chánh niệm: không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai…tuệ quán
ngay giây phút hiện tại (kinh Nhất Dạ Hiền Giả). Và hiện tại là gì mà Đức Phật
lại bảo chúng ta hãy quán chiếu nó? Hiện tại là một dòng sống, luôn thay đổi,
là khoảnh khắc sống động của thực tại, không có chỗ cho kẽ hở của ý niệm và
thành kiến phối hợp. Vì hiện tại là sự thay đổi không ngừng của sát na sinh diệt,
thời gian trong hiện tại cũng không thể là một điều gì đó khả đắc, cho nên
trong nhà Thiền nói là “quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị
lai tâm bất khả đắc.” Như thế, nếu tâm đã đạt đến trình độ ba thời không thể đắc,
không thể trụ thì “điểm” tâm ở thời nào (câu hỏi của bà lão bán quán ăn điểm
tâm hỏi thiền sư Đức Sơn)?
Thời gian ở khoảnh khắc luôn vận hành, trụ vào một điểm
trong hiện tại cũng là mâu thuẫn, là không thể được. Chúng ta chỉ có thể nói sống
trong giây phút hiện tại hay chánh niệm, có nghĩa là cái biết cái thấy không
phan duyên, không bị ảo tưởng của tâm bám chấp vào thời gian, không để những
vui buồn của ý niệm dẫn khởi. Trong ba thời chẳng có thời nào là thực ngã. Nếu
người ta nhận ra rằng trong tư tưởng ưa ghét của chính mình cũng bắt nguồn từ
tâm chạy theo ưa ghét của người khác thì họ đã nhận diện được phần nào đó của sự
thật. Hệ Từ viết: “Nhật tân chi vị thịnh đức, sinh sinh chi vị dịch”, sống là một
sự diễn tiến không ngừng thay đổi. Những sự việc đã qua thì cho qua, không thế
áp nó lên dòng sống thực tại, quá khứ chỉ là quá khứ, làm cho giống quá khứ
cũng không giống quá khứ, như đứa bé lên bảy cứ muốn mặt cái quần lúc ba tuổi.
Những điều người ta muốn giống với quá khứ là đang đánh lừa với hiện tại sống động.
Đạo đức chỉ là lớp vỏ bên ngoài nếu con người không sống được với bản thể vô tận ở bên trong. Bậc giác ngộ thực sự thì không còn ngã nhân, đối đãi; không mong cầu cũng không chán ghét. Không có kết luận cố định. Đức Phật cũng đã tuyên bố “trong 49 năm thuyết pháp ta chưa từng nói một lời nào” vì vạn vật luôn luôn thay đổi.
Đạo đức chỉ là lớp vỏ bên ngoài nếu con người không sống được với bản thể vô tận ở bên trong. Bậc giác ngộ thực sự thì không còn ngã nhân, đối đãi; không mong cầu cũng không chán ghét. Không có kết luận cố định. Đức Phật cũng đã tuyên bố “trong 49 năm thuyết pháp ta chưa từng nói một lời nào” vì vạn vật luôn luôn thay đổi.
Đạo là những gì mới
lạ, nhìn thấy một bông hoa, thưởng thức một ngụm trà, nghe chim hót, tiếng nước
chảy, một nốt nhạc hay… đều thấy nó mới toanh, ý vị mà không đem tâm cắt xén,
phân biệt. Trong trạng thái vật ngã chi nhất, là chỗ mà Liệt Tử tự hỏi: “Ta
không còn biết, ta cưỡi gió hay gió cưỡi ta!"
Ngôn ngữ diễn tả
chân lý cũng chỉ giới hạn, chỉ khi nào chúng ta trực nhận được tính không,
trong trạng thái vắng lặng tham ái và những yêu ghét thường tình chúng ta mới
thoát ra được sự chi phối của khung thời gian, chu du trong trạng thái tâm tự
do, an lạc, như chim thoát ra cái tổ của chính mình, vút cánh trong bầu trời
thênh thang vô tận.
No comments:
Post a Comment