Saturday, October 31, 2015

Biết Lắng Nghe

A wise old owl lived in an oak 
The more he saw the less he spoke                                                                                                

The less he spoke the more he heard.                                                                                       
Why can't we all be like that wise old bird? – Unknown author

Một con cú già khôn ngoan sống trong một cây sồi
Nó thấy nhiều hơn nó nói
Nó nói ít hơn nó nghe
Tại sao tất cả chúng ta không thể như con chim già khôn ngoan đó? - Tác giả vô danh

     Những năm đầu tiên chập chững bước vào đời, tất cả chúng ta đều học nói. Tập nói là một dấu hiệu phát triển bình thường của một đứa trẻ, và cũng là giai đoạn quan trọng không thể thiếu. Tuy nhiên, việc lắng nghe cũng là một kỹ năng quan trọng tương ứng mà các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục… thường ít quan tâm đến.

     Tại sao lắng nghe lại quan trọng như thế?

     Theo Bernard Ferrari, tác giả của Power Listening: Mastering the Most Critical Business Skill of All, lắng nghe tốt là chìa khóa để phát triển những hiểu biết và ý tưởng mới, nó là nhiên liệu dẫn đến thành công. Ferrari nói rằng mặc dù hầu hết mọi người tập trung vào việc học cách giao tiếp và làm thế nào để trình bày quan điểm của mình một cách hiệu quả hơn, cách tiếp cận này là sai lầm và các cơ hội có thể bị bỏ lỡ.


     Trong Phật giáo, nghe là một Pháp môn tu. Biết lắng nghe chúng ta sẽ đạt được tư duy đúng, có thể đạt đến trạng thái Nhĩ căn viên thông, có khả năng hiểu người hiểu mình và giải thoát khỏi những đau khổ do nghe hiểu sai lầm.

     Vậy thì làm thế nào để trở thành một người biết lắng nghe?

     Bước đầu vào đạo, chúng ta ai cũng phải tập lắng nghe và học hỏi từ những vị đạo sư, những vị thầy cô, những người đi trước,  nghe kinh sách để ứng dụng việc tu học…nhưng biết lắng nghe và nghe tốt, và nghe để chia sẻ và thấu hiểu cũng là một tiến trình.


1.Hãy tôn trọng đối phương

     Với xã hội, những người biết lắng nghe đều nhận ra rằng họ không thể thành công mà không biết tôn trọng và tìm hiểu thông tin từ những người xung quanh, và những thông tin này đã làm nên giá trị cho họ. Khi chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với những ý tưởng của người khác, họ cũng có nhiều khả năng để hồi đáp lại. Có nhiều khả năng biết lắng nghe và chia sẻ những ý tưởng hay của nhau, sẽ thúc đẩy tăng trưởng và làm tăng khả năng hiểu biết và thành công.

     Trong mối tương giao, vấn đề giao tiếp của chúng ta trở nên trầm trọng là khi chúng ta không hiểu biết, không chia sẻ và biết lắng nghe. Khi hai người không hiểu nhau, quay lưng với nhau bởi vì thiếu vắng sự hiểu biết từ bên trong, nếu một trong hai là người biết lắng nghe cũng có thể giúp người khác thay đổi suy nghĩ và tìm ra những ý tưởng mới và các giải pháp để hòa giải. Không biết lắng nghe cũng đồng nghĩa không biết tôn trọng người khác; nó là vực sâu chia cách giữa người với người. Cách khác, người nghe tốt không bao giờ nhảy vào với câu trả lời hoặc đưa ra bài giảng về những gì người khác đã sai lầm; họ chủ động lắng nghe và sau đó đặt câu hỏi tôn trọng mà cuối cùng sẽ giúp người khác tìm ra giải pháp, kế hoạch hành động với phương hướng mới.

     Cần lưu ý rằng tôn trọng để lắng nghe không nên cường điệu, hoặc đặt câu hỏi mũi nhọn vào đối phương, mà là ý nghĩa tích cực để tìm hiểu nhằm thúc đẩy họ chia sẻ, không cản trở  dòng chảy tự do và cởi mở của truyền thông và phát khởi ý tưởng.


2. Nói chuyện ít hơn lắng nghe

     Trong đời thường, hầu hết chúng ta tiêu thời gian cho viện nói chuyện nhiều hơn lắng nghe. Ferrari cho rằng ông ta thành công bằng việc lắng nghe đối tác đối thoại của ông 80 ​​phần trăm thời gian, trong khi ông ta nói chỉ có 20 phần trăm thời gian. Ông ta cũng cố gắng sử dụng 20 phần trăm các câu hỏi thời gian yêu cầu của mình hơn là cố gắng để có tiếng nói riêng của mình. Mặc dù ông ta thừa nhận rằng rất khó để ngăn chặn cơn thèm nói nhiều hơn nghe, với thực hành và kiên nhẫn, chúng ta có thể học cách kiểm soát đôn đốc và nâng cao chất lượng và hiệu quả của các cuộc đối thoại của mình bằng cách "vặn vào đúng thời điểm."

     Khi chúng ta chỉ thích nói và lười nghe, chúng ta sẽ không có thêm sự hiểu biết học hỏi về những thông tin mới, và kinh nghiệm nói của chúng ta trở nên cứng nhắc. Nói nhiều sẽ vấp, nhưng nghe nhiều khiến cho chúng ta hiểu biết sâu hơn, yên tĩnh hơn.

     Đức phật dạy: Cái biết giống như dòng nước trong các khe, rạch: những dòng kinh nhỏ chảy ồn ào, các dòng lớn chảy im lặng. Những gì không viên mãn thì ồn náo, những gì hoàn mãn thì yên tĩnh/Know from the rivers in clefts and in crevices: those in small channels flow noisily, the great flow silent. Whatever’s not full makes noise. Whatever is full is quiet.
The Buddha [From the Sutta Nipata]

3. Nghe những tiếng nói bên ngoài

     Nhiều người trong chúng ta thì thích nói và lười nghe, nói một cách khác chúng ta chỉ muốn người khác lắng nghe mình mà thôi. Và điều này đã khiến chúng ta chia cắt mình với thế giới xung quanh, với người thân, bạn bè, và đồng nghiệp. Mặc dầu chúng ta nói chúng ta hiểu nhiều, có thể. Sự thực thì chúng ta chỉ hiểu trên bề mặt, vì khi nghe người khác vừa mở miệng, chúng ta liền có phản ứng bộc phát tức thì với cái kiểu “thông minh” của mình.

     Nghe là học hỏi và cùng chia sẻ. Khi bạn thấy ai đó bộc phát những bực tức của mình với bạn: “tôi không thích người đó, tôi sẽ tát vào mặc nó, tôi sẽ chửi nó….” đừng có phản ứng, bạn hãy lắng nghe trọn câu chuyện, xong bạn hỏi vì nguyên do, khi tìm được lý do, bạn nên chia sẻ và tìm cách tháo gỡ những bế tắc đó. Hoặc khi ai đó giận bạn, bạn cũng nên tìm cách để lắng nghe, hiểu, và có thể thương những nỗi đau của họ.

     Lắng nghe nhiều chúng sẽ thấy đời sống ngoài niềm vui thì sự khổ đau cũng vô kể. Chúng ta sẽ nghe được tiếng đau khổ không chỉ là những người xung quanh ta mà còn là nỗi khổ của của rất nhiều người, nhiều dân tộc, khổ bị tù đày, đói rét, bệnh tật, chết choc…tiếng khổ của chim muôn cầm thú…Chỉ cần thực tập hạnh lắng nghe chúng ta có thể biết thêm về mọi âm thanh của đời sống, những âm thanh rất cần đến sự rung cảm trái tim của mỗi chúng ta bằng hành động tích cực.


4. Tập lắng nghe tiếng nói bên trong

     Lắng nghe là công hạnh của đức Bồ tát Quan Âm (avalokiteśvara) theo truyền thống Phật giáo Phát triển. Ngoài việc quán chiếu những nỗi đau của thế gian, Bồ tát Quan Âm còn được xưng danh hiệu Quán Tự Tại theo văn hệ Bát Nhã bởi vì ngài tu tập trên 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức), lắng nghe năm uẩn và đạt tới cảnh giới thấu hiểu năm uẩn đều không.

     Lắng nghe bên trong chính là thực tập thấu hiểu nỗi đau về năm uẩn của chúng ta. Khi bạn có nỗi buồn hãy lắng nghe nó thay vì cố quên nó. Những nỗi buồn của chúng ta không phải tự nhiên mà đến, kiểu như “hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không biết vì sao tôi buồn”, thực tế chúng đều có nguyên do, và phát khởi từ thân và tâm của chúng ta.

     Khi bạn có một nỗi buồn, đừng có lao theo nó hay cố quên nó. Hãy nhìn vào nó như nhìn đứa con bịnh tật của bạn đang khóc. Biết nỗi buồn khởi động do sắc trần bên ngoài, ngồi xuống yên tĩnh để lắng nghe cảm thọ đau đớn từ trái tim của bạn, bạn sẽ thấy những tiếng nói bên trong cảm thọ như: tại sao lại là tôi, tại sao tôi lại gặp cảnh này?...những tiếng nói này như nỗi niềm uất ức khiến cho suy nghĩ (tưởng) của bạn về vấn đề trở nên trầm trọng; hãy nhìn nó, lắng nghe cơn đau di chuyển (hành) không ngừng trên ý (thức) vô cùng tạp niệm và loạn động. Hãy lắng nghe nó như quan tòa đang lắng nghe nạn nhân trình bày oan khiên của mình…cứ thật yên tĩnh để lắng nghe bạn sẽ thấy nỗi buồn của bạn sẽ không có gì là quan trọng nữa, chỉ là sự tập hợp của một nhận thức khách quan, khi đó bạn chẳng biết mình là ai. Rồi bạn sẽ thấy chúng rất vô thường và giả tạm.

     Biết Lắng nghe là một hành động tích cực với mọi người mọi vật xung quanh, làm thay đổi cái nhìn của chúng ta vể các hiện tượng, lòng chúng ta bao dung hơn, rộng lượng hơn, Nghe bên trong chính mình giúp ta được giải thoát từ cái nhìn nghe sai lầm từ bên ngoài. Ít nói nghe nhiều làm cho chúng ta trở nên cao thượng và giải thoát những khổ đau từ năm uẩn đang vận hành bên trong chúng ta.

Thích nữ Tịnh Quang

No comments:

Post a Comment

New York - Buddhism News

Buddhism Lion's Roar

Buddhism | The Guardian

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States