Nghe như vầy, một thời đức Phật ở thành
Xá Vệ, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Bấy giờ các Tỳ Kheo sau khi thảo luận
thảy đều hiểu rõ ít có thắc mắc. Lúc ấy có những người ngoại đạo dị học
sau khi đi quanh quẩn bên ngoài bèn đến chỗ các Tỳ Kheo; rồi họ cùng các
Tỳ Kheo hỏi thăm nhau khi đã gặp mặt. Sau khi chào hỏi họ ngồi qua một
bên. Khi những người ngoại đạo dị học này ngồi sang một bên rồi, họ mới
nói với các Tỳ kheo rằng: chư hiền, Sa môn Cù Đàm dùng trí tuệ mà nói
về dục, dùng trí tuệ mà nói về sắc, thọ uẩn. Chư hiền, chúng tôi cũng
dùng trí tuệ đó để nó về sắc, thọ uẩn. vậy có gì sai biệt? có gì thấp
hơn? Có gì bằng nhau? Như thế Sa môn Cù Đàm và chúng tôi đều có trí tuệ.
Bấy giờ các Tỳ kheo nghe
những người ngoại đạo dị học này nói như vậy thì không đồng ý và cũng
chẳng coi thường; với sự không đồng ý và không coi thường này, các Tỳ
Kheo bèn rời chỗ ngồi mà đi;( nghĩ rằng) hôm nay ta nghe được lời này,
phải đến hỏi Thế Tôn mới thông suốt được nghĩa đó. Các vị này liền điến
chỗ của Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi, chư Tỳ Kheo ngồi qua
một bên; chư Tỳ Kheo hướng về Đức Thế Tôn và trình bày hết sở luận cùng
với người ngoại đạo dị học như thế. Sau khi trình bày với Đức Thế Tôn
như vậy rồi; Đức Thế Tôn mới bảo các Tỳ Kheo rằng: Này các Tỳ Kheo, lúc
ấy các ông nên hỏi những người ngoại đạo dị học như thế này: Thế nào là
mùi vị của dục? thế nào là tan rã? thế nào là xả ly? Thế nào là mùi vị
của sắc? thế nào là tan rã? thế nào là xả ly? Thế nào là mùi vị của thọ?
thế nào là tan rã? thế nào là xả ly? Tỳ Kheo các ông nên đáp bằng cách
đó. Những người ngoại đạo dị học kia nghe hỏi như thế rồi, thảy đều nhìn
nhau, tỏ vẻ như muốn tranh luận, tâm đã khởi sân nhuế, hận nhuế bèn tỏ
ra im lặng không vui, chân tay mình mẩy lúc lắc, sắc mặt thay đổi không
thể trả lời; lúc ấy họ âm thầm rời khỏi chỗ ngồi.
Vì sao vậy? Ta không thấy
chư thiên, thế gian, ma phạm, sa môn, bà la môn, thiên chúng và loài
người nào nghe điều ta nói và họ hiểu rõ nghĩa đó giống như ta. Ngoại
trừ đệ tử của Như lai, nếu họ nghe được nghĩa này, nhân đây mà hiểu được
rằng thế nào là mùi vị của dục.
Nghĩa là nhân nơi năm dục,
hoặc phát sinh tham muốn, hoặc phát sinh vui vẻ; như thế gọi là mùi vị
của dục. Trong mùi vị của dục có nhiều sự tan rã. Thế nào là sự tan rã
của dục? Như người thế gian, hoặc dùng nghề nghiệp để tự nuôi thân mạng,
hoặc làm ruộng nương, mua bán, hoặc đọc sách, học toán, học số, hoặc
học làm thơ, hoặc học làm nhà lãnh đạo cao cấp, hoặc làm thầy giáo, hoặc
được tuyển mộ đi thi làm quan mà bị khổ vì rét buốt nóng bức, ráng chịu
đói khát, bị muỗi nhặng, ruồi rệp cắn đốt…người đó chịu đựng điều này
vì cầu tiền tài; vì những người thế gian đó mong muốn như thế, nên làm
như thế và tuân hành như thế.
Khi người kia đã làm như thế
rồi mà không được tài vật, bèn đau khổ bất an, khóc lóc tự đấm tự đánh,
rồi ngu si nói như thế này: ta vì ngu si nên làm mà không có kết quả,
người khác chẳng cần mong cầu, siêng năng mà làm họ liền đạt được kết
quả.
Những người đạt được tiền
của bèn gìn giữ, cất dấu kỹ tài vật đó. (họ nghĩ) Tài sản này là của ta,
nay ta chẳng để vua đoạt, chẳng để bị trộm cắp, chẳng để bị thiêu cháy,
chẳng để bị hư hoại, chẳng đem ra làm lợi để mất lời. Người kia gìn giữ
tiền tài như thế, nhưng nếu bị vua cướp đoạt, bị trộm cướp lấy, lửa
thiêu hoặc hư hoại, đem ra làm lợi mà lại mất lợi; họ buồn rầu không
yên, khóc lóc tự đấm tự đánh; chỉ tăng thêm ngu si. Lại nữa, người thế
gian kia có thể đã mãi miết thỏa thích, rồi đau xót vì sự mất mát tan rã
này, nay hiện thân là khổ uẩn. Bởi vì nhân dục, vì duyên dục, vì sự
tăng trưởng của dục vậy. Đây chính là dục làm nhân duyên.
Tất cả chúng sinh đều ở nơi
nhân dục, duyên dục và sự tăng trưởng của dục. Vì nhân dục cho nên mẹ
xích mích với con, con xích mích với mẹ, cha xích mích với con, con xích
mích với cha, anh xích mích với em, em xích mích với anh; họ đấu tranh
nhau. Mẹ nói con sai, con nói mẹ sai, con nói cha sai, cha nói con sai,
anh nói em sai, em nói anh sai; huống gì người khác. Đây là hiện tình
của khổ uẩn; vì nhân dục, vì duyên dục, vì tăng trưởng dục vậy.
Chúng sinh cõi nầy vì nhân
dục, vì duyên dục, vì tăng trưởng dục mà vua xích mích cùng vua, Bà la
môn xích mích cùng Bà la môn, cư sĩ xích mích cùng cư sĩ, kẻ tớ xích
mích cùng thầy…thảy đều tranh đấu nhau. Mỗi người làm mỗi loại dụng cụ
để đấu tranh nhau; hoặc dùng tay, hoặc dùng đá, hoặc dùng dao, hoặc dùng
binh khí; rồi ở trong khổ nạn của sự chết. Đây là hiện tình của khổ
uẩn. Vì nhân dục, vì duyên dục, vì tăng trưởng dục vậy.
Chúng sinh cõi nầy vì nhân
dục, duyên dục, tăng trưởng dục nên mặc áo giáp cầm nắm cung tên, hoặc
mặc da đồng cầm dao sắc bén, xúm lại đấu chiến nhau. Những kẻ khác thì ở
trong quân trận, hoặc dùng voi đấu chiến, hoặc dùng ngựa đấu chiến,
hoặc dùng xe, hoặc dùng bộ binh, hoặc dùng nữ nhân, hoặc dùng sĩ phu…ở
trong trận chiến có các khổ nạn về các sự chết. Đây là hiện tình khổ
uẩn. Vì nhân dục, vì duyên dục, vì tăng trưởng dục vậy.
Chúng sinh trong cõi nầy vì
nhân dục cho đến tăng trưởng dục mà mặc áo giáp cho đến cầm dao sắc bén
nhắm đến thành cao vì muốn chinh phạt nó. Kẻ ở trong thành đó hoặc thổi
tù vò, hoặc đánh trống, hoặc cất tiếng la hét, hoặc dùng vồ, hoặc dùng
kích, hoặc dùng búa, hoặc dùng bánh xe răng cưa, hoặc dùng cung tên bắn
nhau, hoặc ném đá loạn xạ, hoặc dùng nỏ bắn, hoặc dùng nước đồng sôi đổ
vào kẻ khác…Chúng sinh ở cõi nầy vì nhân dục, vì duyên dục, vì tăng
trưởng dục mà đến chỗ vương thành làng xóm, hoặc đào tường phá vách,
hoặc trộm đồ vật người khác, hoặc cắt đứt đường đi của người khác, hoặc
phá thành phá thôn giết mọi người. Hoặc kẻ đó có chức vụ quyền hành, tạo
ra hành vi gây đau khổ: hoặc cắt đầu, hoặc chặt chân tay người khác,
hoặc cắt lỗ tai người, hoặc cắt mũi người, hoặc cắt tai mũi người, hoặc
cắt búi tóc, hoặc cắt tóc, hoặc cắt búi tóc và tóc, hoặc bắt vào khám,
hoặc giết phanh thây, hoặc lấy cát đá đè lên, hoặc lấy cỏ đè lên, hoặc
bỏ người vào trong miệng con lừa sắt, hoặc trong miệng con sư tử bằng
sắt, hoặc để trong chão đồng, hoặc trong chão sắt, hoặc cắt thân người
ra từng mảnh, hoặc dùng vật sắt đâm chết người, hoặc bỏ người nằm trên
giường sắt nóng dùng dầu nóng rưới lên, hoặc bỏ vào trong cối dùng chày
sắt đâm người, hoặc để cho trùng cắn, hoặc đánh đập người, hoặc dùng mọi
cách, cho đến thủ đoạn dùng dao bêu đầu. Đây là hiện tình khổ uẩn của
thân; vì nhân dục cho đến tăng trưởng dục vậy.
Chúng sinh ở cõi nầy vì nhân
dục cho đến tăng trưởng dục nên tạo ra sự khổ của thân, sự khổ của
miệng và ý; lúc khác thì gặp phải nạn khổ về bịnh: nằm ở trên giường,
nằm ở trên ghế hoặc nằm trong bóng tối; thân vốn chịu sự đau khổ cùng
cực nào vui, sinh mạng muốn dứt lìa; đó là khổ hành của thân , khổ hành
của khẩu ý. Người kia khi hết đời, hành nghiệp vẫn còn; giống như trời
đã hoàng hôn, mặt trời vừa ra khỏi núi, nhưng trong chỗ núi đó bóng núi
kia chạy ngược xuống phía dưới; như thế là khổ hành của thân, khổ hành
của khẩu, khổ hành của ý. Người ta khi mạng chung mà còn hành nghiệp lôi
kéo, thì khởi nghĩ như vầy: vì khổ hành của thân, khổ hành của khẩu ý
nầy mà ta bị đẩy xuống chỗ thấp; vì không làm đúng vì không tạo phước và
ta làm quá nhiều điều ác; nghĩa là chỉ chuyên làm việc ác, việc tham
lam và việc hung bạo, không làm các việc phước, không làm các việc
thiện, cũng không tạo nên việc qui hướng; ta ắt rơi vào nẻo đó. Như vậy
liền có sự lo âu; đã có sự lo âu rốt cuộc là bất thiện, và chỗ thọ sanh
cũng bất thiện. Đây là hiện tình của khổ uẩn. Vì nhân dục cho đến tăng
trưởng dục vậy.
Chúng sinh vì nhân dục cho
đến tăng trưởng dục tạo ra khổ hành của than, khổ hành của khẩu ý. Người
kia đã tạo ra khổ hành của thân cho đến khổ hành của ý; ở nơi nhân đó
duyên đó khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi địa ngục, cõi ác. Nay
hiện thân khổ uẩn, vì nhân dục cho đến vì tăng trưởng dục vậy. đó cũng
là sự tan rã của dục.
Thế nào là sự xả ly dục?
Hoặc có người đối với dục có sự mong cầu, nên dứt sự mong cầu, nên vượt
qua lòng mong cầu đó; xả ly lòng ham muốn đó gọi là xả ly dục. Này các
Sa môn Bà la môn, như thế là mùi vị của dục. Ở trong tính dục có sự tan
rã; không biết như thật xả ly, người kia đâu có thể tự dứt dục và lại có
thể khiến người khác dứt dục được; như họ cùng sống và cùng câu hữu với
chúng làm sao có thể dứt nó? Việc này không như thế, này Sa môn, Bà la
môn, mùi vị của dục là như thế; nhưng hiểu được nó là tan rã, có thể xả
ly và nhận ra được sự như thật; sau đó tự mình có thể dứt dục cũng khiến
người khác dứt nó. Như họ cùng sống và cùng câu hữu với dục mà có thể
dứt nó; việc này đúng như thế.
Sao gọi là mùi vị của sắc
pháp? Hoặc nữ Sát đế lợi, nữ Bà la môn, nữ công sư, nữ thứ dân, hoặc nữ
mười bốn mười lăm tuổi; ở tuổi nầy nhan sắc đầy đủ; những người nầy đối
với nhan sắc hài lòng và ưa thích; ở đây gọi là mùi vị của sắc. Nhưng
trong sắc đây có nhiều sự tan rã. Thế nào là sắc tan rã? Phải thấy rằng
cô gái kia đến tuổi già rụm, tóc bạc răng rụng, chống gậy mà đi; ý nầy
như thế nào? Bạch Thế Tôn: Dung sắc xinh đẹp trước kia đâu không tan rã.
Lại nữa, cần phải thấy rõ
khổ nạn về bịnh của cô gái đó: Hoặc nằm trên giường, hoặc nằm trên ghế,
hoặc nằm trong chỗ khuất, đau khắp cả thân, khổ nạn bức bách không vui,
sinh mạng gần như muốn dứt; ý nầy thế nào? Bạch Thế Tôn: Dung sắc xinh
đẹp trước kia đâu không tan rã.
Lại nữa, nên biết rõ ràng
các sự khổ về chết của cô gái kia: một ngày cho đến bảy ngày, hoặc
thiêu, hoặc chôn hoặc vứt cho sâu bọ ăn; ý này như thế nào? Bạch thế
Tôn: dung sắc xinh đẹp trước kia đâu không tan rã.
Lại nữa, phải thấy rõ rằng
tử thi của cô gái kia hoặc lòi xương, hoặc sình lên, hoặc bị dòi bọ,
hoặc bị thú ăn, hoặc lòi xương trắng; ý này thế nào? Bạch Thế Tôn: Dung
sắc xinh đẹp trước kia đâu không tan rã.
Lại nữa, hoặc thấy rằng tử
thi của cô gái kia không có da thịt, chỉ các dây gân chằng chịt; ý này
như thế nào? Bạch Thế Tôn: Dung sắc xinh đẹp trước kia đâu không tan rã.
Lại nữa, nếu thấy rằng các
đốt xương của tử thi cô gái kia rã ra từng phần, rãi rác ở nhiều chỗ
khác nhau: xương chân ở một chỗ, xương bắp tay, xương đùi, xương lưng,
xương sống, xương vai, xương cổ, xương đầu…mỗi thứ một nơi; ý này thế
nào? Bạch thế Tôn: Dung sắc xinh đẹp trước kia đâu không tan rã.
Lại nữa, hoặc thấy rằng tử
thi cô gái kia, xương trắng như vỏ sò, hoặc xanh màu chim câu, hoặc đỏ
ửng, hoặc thối nát; ý này như thế nào? Bạch Thế Tôn: Dung sắc xinh đẹp
trước kia đâu không tan rã. Như thế là sự tan rã của sắc.
Thế nào gọi là sự xả ly sắc?
Nghĩa là ở nơi sắc pháp có sự ham muốn, nên dứt sự tham muốn đó, vượt
qua tất cả sự tham muốn đó để từ bỏ sắc pháp đó. Này các Sa môn, Bà la
môn, như thế là mùi vị của sắc pháp chứa đựng sự tan rã; nếu không xả ly
thì sẽ không biết được lý như thật. Lẽ nào không tự mình dứt bỏ sắc,
lại có thể khiến người khác dứt bỏ sắc ư? Hơn nữa người ta trụ cư ở
trong sắc làm sao có thể dứt nó được? Sự tình này không phải như thế;
này các sa môn, bà la môn, đối với mùi vị sắc như thế mà biết được sự
tan rã, sự xả ly, biết được như thật; người kia có thể tự mình dứt bỏ
sắc, cũng khiến người khác dứt bỏ nó; đây chính là chỗ như sở trụ, có
thể dứt bỏ sắc dục
Thế nào là mùi vị của thọ
uẩn? Tỳ Kheo ở nơi dục giải thoát này, cho đến trụ ở tứ thiền chánh thọ;
khi trụ ở điểm này rổi thì không tự mình hoại mất cũng không hoại mất
(trụ tâm) của người khác. Đã vô hoại rồi trong đây liền được an lạc. Vì
sao vậy? Ta nói không có tâm sân giận thì đạt được lạc thọ. Đây là mùi
vị của thọ uẩn.
Thế nào gọi là sự tan rã của thọ? Nghĩa là cảm thọ vốn vô thường, khổ và vô ngã. Đây là tính tan rã của cảm thọ.
Thế nào gọi là sự xả ly thọ
uẩn? Nghĩa là cảm giác tham muốn, dứt sự tham muốn đó, vượt qua sự tham
muốn đó. Đây là sự xả ly thọ uẩn.
Nếu Sa môn, Bà la môn đối
với mùi vị thọ uẩn như thế mà không biết tính tan rã, không biết xả ly
thì không biết được lý như thật. Người kia không có thể tự mình dứt bỏ
làm sao có thể dứt bỏ cảm thọ cho người khác ư? Hơn nữa họ cùng trụ cư
trong tính hoại của thọ? Sự việc này không phải như thế. Này các Sa môn,
Bà la môn, đối với mùi vị thọ uẩn như thế, biết được sự tan rã, sự xả
ly nầy thì biết được lý như thật. Người kia có thể tự mình dứt trừ dục
thọ, cũng khiến người khác dứt trừ nó. Dù trụ cư với thọ uẩn mà vẫn có
thể dứt trừ nó; việc này đúng như vậy.
Phật nói như thế, chư Tỳ Kheo nghe Đức Thế Tôn dạy rồi, hoan hỷ tiếp nhận.
No comments:
Post a Comment