Friday, January 29, 2016

Vấn Đề Sinh - Tử Theo Quan Niệm Phật Giáo

Theo lịch sử Triết học, vào thời thái cổ, khi ý thức con người vào buổi bình minh, con người chưa có nhận thức hoặc chủ thuyết về triết học hay luân lý nên họ chỉ biết sùng bái thiên nhiên; như khi có sấm sét, giông bão… người ta giật mình chạy vào hang đá và lén nhìn trời cao, sợ hãi. Họ cho rằng ở chốn cao thâm kia có vị thần linh tối cao mà họ không bao giờ thấy được, hiểu được đã có nhiều phép tắc để ban phúc giáng họa xuống cho con người; thế là người ta đã nguyện cầu và sung bái..; dần dần các thần linh như nhật, nguyệt, tinh tú được hình thành qua tư tưởng.

Về sau các tôn giáo đã xuất hiện và phát triển theo thời gian. Mỗi một tôn giáo đều sang lập ra đấng Sáng tạo của riêng mình.
Khi tư tưởng con người tiến bộ, họ mới nảy sinh ra nghi vấn về vũ trụ và nhân sinh. Để trả lời những khát vọng tri thức đó, các giáo phái triết học cổ đại mới ra đời, mở đầu cho một nền văn minh triết học chảy dài mãi về sau. Như Bà La Môn giáo vào thời đại Veda, căn cứ vào phương diện vũ trụ và tâm lý mà hình thành thuyết Brahman (Đại ngã) và Atman (Tiểu ngã). Về phương diện tâm lý, thì linh hồn bất diệt, nghĩa là khi Atman lìa thể xác thì linh hồn được qui về đấng Brahman (Đại ngã, Phạm thiên).
Tiếp theo thời kỳ này là thời kỳ triết học Upanishad (Áo nghĩa thư), chủ trương Phạm-Ngã đồng nhất, đã hình thành khái niệm giải thoát-trí tuệ-luân hồi, và sự chấm dứt luân hồi bằng phương pháp Du Già (Yoga) để được toàn thiện.
Khoảng 600 năm trước kỷ nguyên trở về sau, tư tưởng Ấn Độ tự do phát triển; thế lực chính thống của Bà La Môn giáo ngày một suy yếu, vì thế đã phát sinh ra nhiều tư tưởng triết học mới với lập trường nhân sinh quan và vũ trụ quan. Nhiều lập thuyết về vạn hữu như yếu tố sắc-tâm, không-hữu, tứ đại v.v… trở thành một trào lưu học thuyết bừng nở. Về phương pháp tu hành có phái không chú trọng về tinh thần và chủ trương thân người do tứ đại hợp thành và lập trường chủ nghĩa khoái lạc cho nhục thể làm mục đích. Có phái chú trọng đến tinh thần thì luyện thân khắc khổ để mong cầu đời sau đưuợc giải thoát…Trong tất cả sáu phái triết học đương thời vẫn chưa có một nguyên lý rõ ràng; họ vẫn mơ hồ về vấn đề sinh và tử.

Trước khi thành đạo Đức Thích Tôn đã xuyên qua tất cả những tư duy và sự thực tập của các giáo phái nhưng ngài thấy rằng thực tế không giúp được con người giải thoát sinh-tử khổ đau. Giáo lý căn bản mà đức Phật đã chứng nghiệm dưới cội bồ đề là giáo lý bốn pháp chân thật về sinh và tử; đó là chân lý khổ ( khổ đế), chân lý về nguyên nhân khổ (tập đế), chân lý về chấm dứt khổ (diệt đế), và chân lý về con đường chấm dứt khổ (đạo đế). Giáo lý nầy không qua lăng kính của sự suy tưởng, mà là kết quả thực nghiệm chứng ngộ của Đức Thích Tôn.
Khổ đế, nghĩa là trong thế giới hiện thực nầy loài hữu tình hay vô tình đều ở trong chân tướng vô thường, khổ não. Khổ vì sinh, vì già, vì bịnh, vì chết, vì ái biệt ly, vì cầu không được, khổ vì năm ấm…vô vàn thứ khổ.
Vậy đâu là nguyên nhân sự khổ ấy? Đạo lý tập đế căn cứ vào lời Đức Thích Tôn giáo huấn thì thế giới vạn hữu đều y vào sự quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả mà có sinh có diệt. Thế giới vốn vô thường nên tất cả mọi sinh hoạt đều không vừa ý và nhiều khổ não. Tất cả khổ não vốn không phải ngẫu nhiên mà lệ thuộc vào tập nhân rồi theo luật nhân quả chi phối; điều động chi phối vòng nhân quả tử sinh nầy là 12 nhân duyên, cũng gọi là giáo lý nội quán của đức Phật.
Trước hết chúng ta căn cứ vào tam thế đối xứng để giải thích đại khái như sau:
Chi ‘lão tử’ của vị lai phải chịu là từ chi ‘sinh’ mà có. Chi ‘sinh’ ở vị lai là kết quả tích tập mọi nghiệp của hiện tại là ‘hữu’ mà có. Chi ‘hữu’ thì nương vào sự chấp trước của ‘thủ’ mà có. Chi ‘thủ’ nương vào sự tham ái về sự vật của sự vật của ‘ái’ mà có. Chi ‘ái’ nương vào sự cảm giác khổ vui của ‘thọ’ mà có. Chi ‘thọ’ nương vào sự tiếp xúc của ngoại cảnh mà có. Chi ‘xúc’ nương vào sự tiếp xúc về sáu cảm quan của ‘lục nhập’. ‘Lục nhập’ nương vào sự kết hợp giữa thân và tâm của ‘danh sắc’ mà có.‘Danh sắc’ nương vào sự nhận thức phân biệt của ‘thức’ mà có; như thân thể của chúng ta hiện tại đều do kết quả về nghiệp của quá khứ đã tạo là ‘hành’. ‘Hành’ nương vào ‘hoặc’ tức là vô minh mà sinh ra. Như vậy nguyên nhân căn bản của mọi khổ não tức là sự hiện hữu của chúng ta là Vô minh. Tập nhân vốn là Vô minh, vì vô minh nên sinh ra chấp thủ, vì chấp thủ nên sinh ra dục vọng tạo thành các nghiệp ác về thân, khẩu, ý và các nghiệp khác. Nghiệp (karma) tức là nghiệp lực; nó có sức tích tập nên trở thành nghiệp nhân; các nghiệp tương ứng với nghiệp nhân gọi là nghiệp quả, đưa đến khổ báo, gây thành khổ quả. Như thế do những nghiệp nhân quá khứ mà ta có kiếp sống hiện tại. Bản thân chúng ta sinh hoạt trong trong hoàn cảnh hiện tại là kết quả của những hành động của chúng ta từ những kiếp trước; và cận nhân của quả khổ là nghiệp, viễn nhân của quả khổ là vô minh hay là ‘hoặc’. Vậy nên quả khổ của hiện tại là do ‘hoặc’ và ‘nghiêp’ ở quá khứ mà sinh, quả khổ ở vị lai là do ‘hoặc’ và ‘nghiệp’ của hiện tại mà có.
“Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị”
‘Hoặc’, ‘nghiệp’, ‘ khổ’ cứ làm nhân lẫn nhau gây thành chuỗi luân hồi bất tận. Vậy làm thế nào để chúng ta thoát khỏi sự khổ đau sinh tử ấy? Đó là giáo lý Diệt đế và Đạo đế. Khổ và Tập chỉ là thực tại khổ đau của thế gian mà đức Phật khuyên chúng ta hãy quán chiếu sâu sắc về nó. Diệt đế vốn là Lý tưởng luân và Giải thoát luận của Phật giáo. Diệt đế tức là con đường đã dập tắc hết mọi sự khổ não. Chân tướng của thế giới nầy vốn là bản lai vô ngã; biết được chân tướng vô ngã thì ngã tưởng đoạn diệt, cắt đứt được một xiềng xích Vô minh; khi một chi căn bản được tháo gỡ thì mười một chi kia không còn cơ hội để thiết lập vòng luân hồi; như thế chúng ta sẽ thoát được mọi khổ não trong biển sống chết và đạt đến niết bàn giải thoát. Vậy phương pháp nào để chúng ta đạt đến Niết bàn đó? Đó là giáo lý Đạo đế, tức pháp môn thực tiễn tu hành, thuộc phạm trù Đạo đức luận, căn cứ vào giáo lý Trung đạo của Đức Phật để đạt tới Niết bàn; không như thuận thế ngoại đạo thiên chấp về khổ hạnh hay khoái lạc. Pháp môn này Đức Phật tùy cơ mà nói ra; như khi Sơ chuyển pháp luân Ngài nói giáo lý Bát chánh đạo, khi nhập niết bàn ngài nói Tam thập thất phẩm trợ đạo để qui định cách thức tu hành và hành vi hằng ngày cho các đệ tử qua Ba môn học để giúp cho tứ chúng đi dần tới con đường Niết bàn. Giáo lý giải thoát là tùy cơ và tùy duyên nhưng bất biến hầu tịnh hóa ba nghiệp, tuy nhiên Đức Phật thành lập giáo lý dựa trên định luật bất di bất dịch của vũ trụ mà Ngài đã trực nhận được nhờ trí tuệ giác ngộ. Chân lý tuyệt đối theo giáo lý Đạo Phật là tất cả mọi chúng sinh đều có thể đạt đến quả vị giác ngộ để tự mình giải thoát ra khỏi vòng luân hồi nghiệp báo.
Vấn đề sinh-tử là trọng tâm của Tam tạng Phật điển. Với nội dung rằng, khi con người chết thì nghiệp nhân đã gây ra từ sáu căn bắt nhịp với sáu trần tạo thành sáu thức trong đời sống và những thức này vẫn còn lại, và đó chính là nguyên nhân cho một giai đoạn sinh mệnh khác. Như chúng ta từng thấy các chứng nhân trong giờ phút lâm sàng của phẫu thuật, một số người đã đứng ngoài thân xác họ trong giờ phút ấy và họ nhìn thấy được các bác sĩ đang làm gì và đang nói gì, và họ còn thấy rõ toàn bộ bên trong não bộ của họ. Điều này chứng minh rằng sau khi chúng ta mất thân chúng ta còn có thân trung ấm (thức thân), thân nầy là sự kết tinh của nghiệp nhân ở trong vô thức và biến thành một động lực thúc đẩy sự trưởng thành và phát triển của một chúng sinh đồng nhứt với tâm thức ấy mà Phật giáo gọi là Kết sanh tương tục thức. Trong đời sống hiện tại này chúng ta đã biểu hiện và hành động với những ảnh hưởng của tiềm lực mà tâm lý học ngày nay gọi là vô thức (Sub consciousness). Để tự chủ và thoát khỏi những chi phối và những thói quen đã huân tập từ trước, người Phật tử nên thực tập pháp môn Thiền quán; sự tập trung tư tưởng sẽ giúp cho con người có ý thức về quá khứ và sẽ hiểu rằng những phiển não như tham, sân, si đã ràng buộcmình vào cái vòng sinh tử lẩn quẩn này. Nếu chúng ta không có chí hướng tìm cầu giải thoát thì biết đến bao lâu chúng ta thoát khỏi được luân hồi. Ngay trong kiếp hiện tại này nếu chúng ta không hướng đến cửa thiền thì cũng đủ vô vàn đau khổ. Như Tô Thức nói;
Nhứt sinh kỷ hử thương tâm sự
Bất hướng không môn hà xứ tiêu.
Ở đời bao chuyện thương tâm
Không về cửa Phật biết làm sao khuây.
Khoa học ngày nay đã chứng minh luật Duyên khởi và thuyết Tái sinh của Phật giáo qua những hiện tượng thôi miên và sự nhớ lại tiền kiếp của một số người. Bên cạnh đó những khám phá mới về vật lý học và thiên văn học đã đưa họ xích lại gần với tính Duyên sinh của Phật giáo hơn. Tuy nhiên họ chỉ khuếch trương phạm vi giới hạn của giác quan chứ không thể nhận biết được sự thực tuyệt đối ngoại trừ họ đi vào Chánh định thực sự. Những phát minh mới chỉ là hạt cát trong một vũ trụ sa mạc mênh mông. Hoặc những phát minh có vẻ lý thú nhất như thuyết tạo lập vũ trụ rằng trái đất là những mảnh vụn của hành tinh khác khi đụng nhằm sao hỏa, lý luận này cũng chỉ là tạm thời, mang tính phỏng đoán mơ hồ.
Theo quan niệm của Phật giáo, vũ trụ được hình thành qua nhận thức con người, có tâm thì có vật. Vũ trụ ở trong thế thành, trụ, hoại và không và nhân sinh ở trong thế sinh, trụ, dị và diệt. Nguồn gốc của thế giới vốn vô thỉ và vô chung, dòng luân hồi cũng vậy. Do đó không thể nói là con gà có trước hay cái trứng có trước; căn bản của đạo lý là dập tắt mọi phiền não, chừng nào phiền não đã vắng lặng lúc đó người ta sẽ hiểu tất cả. Xưa có một người hỏi Đức Phật, này Cồ Đàm, thế giới này hữu biên hay vô biên, hữu cùng hay vô cùng, hữu hạn hay vô hạn? Đức Phật trả lời rằng, câu hỏi của ngươi cũng giống như một người bị mũi tên bắn vào mình, anh ta không chịu cho thầy thuốc nhổ mũi tên ra khỏi than thể mà bắt buộc thầy thuốc phải truy tìm cho ra ai là người bắn mũi tên này và mũi tên này từ đâu đến. Rốt cuộc chưa tìm ra được nguyên nhân của mũi tên mà anh ta đã bị chất độc của mũi tên giết chết anh ta. Đức Phật dạy các hàng đệ tử: thế giới này hữu biên hay vô biên, hữu cùng hay vô cùng…không quan trọng đến các ông; việc quan trọng là các ông là phải bằng mọi cách dập tắt phiền não, đoạn trừ tham dục và giải thoát luân hồi, đó mới là mục đích chính của người xuất gia.
Nhận thức sinh tử đau khổ và giải thoát sự lo lắng về khổ đau ấy trong đời sống hiện tại này cũng chính là giải thoát được vòng luân hồi tiếp diễn. Đức Phật khẳng định: “Như lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc thế gian và sự chấm dứt thế gian đều ở trong tấm than nhỏ bé này.”
Sự giải thoát và tiến hóa của một sinh mệnh tùy thuộc vào nhận thức và chuyển hóa của tâm thức. Làm thế nào để cho tâm thức vượt ra ngoài các phạm vi thông thường của ngã tâm và đạt đến sự giác ngộ của tâm; đó là mục đích cũng là lý tưởng tối hậu để thoát vòng sinh tử khổ đau và cũng là sự bắt đầu và kết thúc của cuộc hành trình.
Tuy nhiên đó là nói về phương diện xuất thế, còn nói về phương diện thế gian thì đại đa số chưa đủ năng lực để đặt ngay vấn đề giải thoát. Thực trạng của đời sống thế gian là làm sao để giải quyết chuyện áo cơm, nhà cửa, con cái v.v…Nghĩa là chúng ta đã tạo ra cái đã có và tiếp tục duy trì rồi tìm cách giải quyết nó. Đặt vấn đề sinh tử đôi khi cũng chỉ là chuyện ngớ ngẩn đối với nhiều người. Do đó vấn đề sinh tử vẫn mãi mãi là triết học-là câu hỏi nghìn đời! Phương pháp hữu hiệu nhất mà đạo Phật ban tặng cho thế gian là thực hành giáo lý nhân thiên thừa, bỏ ác làm lành và nuôi dưỡng từ bi, trí tuệ để làm thềm bực cho lý tưởng giải thoát; và hiện đại tùy cơ, xây dựng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đìng để tạo thành một xã hội thái hòa, một thế giới hòa bình thương yêu…Vấn đề giải quyết sinh tử vốn là lý tưởng tối hậu chỉ dành cho những hàng đệ tử xuất gia chuyên tâm tu đạo.
Thích Nữ Tịnh Quang

No comments:

Post a Comment

New York - Buddhism News

Buddhism Lion's Roar

Buddhism | The Guardian

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States