Phiền não là một khái niệm đối lập
với Bồ đề (giác ngộ). Chúng sinh ai cũng phiền não đau khổ, chỉ có bậc giác ngộ
hay người giác ngộ mới giải thoát được những phiền não.
Có những người họ sống một cách vui sướng,
chúng ta ngỡ rằng họ không có phiền não, thực chất phiền não là một loại cảm
xúc ham muốn được thỏa mãn ngủ ngầm bên trong chúng ta. Buông được thất tình
lục dục là người đó mới không có phiền não.
Trên mặt hiện tượng chúng ta thấy có chúng sanh,
có Bồ tát, có Phật.. có người vô minh, có kẻ giác ngộ. Tuy nhiên trên mặt bản
thể thì cũng chẳng có mê và ngộ; nói theo tinh thần thiền là “Phiền não tức Bồ
đề”.
Có thể hình ảnh sóng và nước là một ví dụ cụ
thể, sóng là nước mà nước cũng là sóng. Chỉ vì vọng niệm nên chúng ta thấy có
hai thứ khác nhau. Trên mặt từ ngữ, nếu không có Phiền não thì làm gì có Bồ đề.
Trong phạm trù sai biệt thì có ‘phương pháp’
để diệt trừ đau khổ phiền não và có trạng thái giác ngộ hay Niết bàn, một khuôn
phép đã đúc sẵn. Và tất cả chúng sanh đến một lúc nào đó sẽ thực thi phương
pháp và đi trên con đường giác ngộ như các tiền nhân.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có cái nhìn trực quan,
không qua lăng kính phân biệt thì chẳng có Phiền não và Bồ đề. Đừng dán cái
‘tôi’ vào các hiện tượng thì làm gì có phiền não hay Bồ đề. Dùng một ý thức tốt
đẩy một ý thức xấu để sanh thêm cái thứ ba là Giác ngộ cũng là một lập hệ mâu
thuẫn. Không can dự vào thói quen phán đoán của ý thức, chẳng ham đạt được cái
gì đó cao siêu là ý chí tự do. Dù bạn là nam hay nữ…từ đâu mà đến và chết đi
đâu thì cũng chẳng có gì quan trọng. Vấn đề là tâm hiện tại của bạn, nhìn sự
vật có khách quan hay không.
Bậc chân nhân thì đi ngoài đường mà gió bụi
chẳng bám vào mình, ‘hòa với ánh sáng, chung với bụi bặm’, không thấy có Phiền
não và cũng chẳng thấy có Bồ đề, trong sự rỗng lặng này là chỗ mà Huyền Giác
nói: “Thực tánh của vô minh là Phật tánh.”
Các cuộc chiến tranh đau khổ giữa các nước
trên thế giới như vòng xoáy từ nơi này đến nơi khác không bao giờ ngừng được tạo
ra bởi những nhà thông suốt chính trị và thuộc làu đạo đức. Bao lâu loài người
được tự do từ những đau khổ của chiến tranh vẫn là những ẩn số. Khi ý niệm phân
biệt dẫn khởi, con người thấy mình tách ra từ cái khác, độc lập với những chúng
sanh khác, và tìm cách để thoát ly những chúng sanh khác…như thế con người đi
tìm tự do hòa bình từ chiến tranh với chính mình và với những chúng sanh ‘khác’
mình.
Thiền Phật giáo thường dạy chúng ta không nghĩ
thiện không nghĩ ác để thấy được chân diện mục, trên cái thấy ở cấp độ vô phân
biệt thì Phiền não và Bồ đề cũng chỉ là ảo hóa của tâm; nhận diện chân tướng
của sự vật như thuở ban đầu.
Có người hỏi Lục tổ:
- Tại sao Ngũ tổ truyền y bát cho ông?
Lục tổ nói
- Tại Ngài biết ta rất dốt Phật Pháp. (Thiền
truyện)
No comments:
Post a Comment