• धम्मपद Dhammapada, XIX.धम्मट्ठवग्गो Dhammaṭṭha-vaggo

    धम्मपद Dhammapada, XIX.धम्मट्ठवग्गो Dhammaṭṭha-vaggo

    14/12/2023 - 0 Nhận xét

     Kinh Pháp Cú, XIX. Phẩm Pháp…

  • Đường Thi -- Phần 5

    Đường Thi -- Phần 5

    25/08/2022 - 0 Nhận xét

  •  The Leisurely Journey in Life

    The Leisurely Journey in Life

    21/10/2019 - 0 Nhận xét

    Life is like a river; it is always flowing…

  • Sister Tinh Quang Quotes 129

    Sister Tinh Quang Quotes 129

    29/12/2023 - 0 Nhận xét

     

Monday, March 20, 2017

ĐẠO ĐỨC CHÍNH TRỊ PHẬT GIÁO

Thích Nữ Tịnh Quang
Triết lý chính trị bắt đầu với câu hỏi: mối quan hệ của một cá thể với xã hội phải như thế nào? Cuộc sống có thể đưa đến sự tốt đẹp cho con người phải như thế nào? Các chủ đề tìm kiếm việc ứng dụng các khái niệm đạo đức và môi trường xã hội liên hệ với sự đa dạng của các hình thức chính phủ và sự tồn tại xã hội mà mọi người có thể sống hài hòa- và khi làm như vậy, điều này cũng cung cấp một tiêu chuẩn để phân tích và đánh giá thể chế tồn tại và các mối quan hệ của thể chế đó. Trong lĩnh vực chính trị, sự thực dụng sẽ hỗ trợ sự thiết lập của những tổ chức có mục đích là để đảm bảo hạnh phúc lớn nhất cho số lượng lớn nhất. 
 Đạo đức cũng được củng cố bởi các lý thuyết siêu hình và nhận thức luận, vì vậy, quan điểm lý chính trị cũng liên quan đến các lý thuyết cơ bản như: lý thuyết về bản chất của thực tại và làm thế nào chúng ta biết những điều hợp lý liên quan đến cách chúng ta làm việc, và làm thế nào chúng ta tương tác với những người khác. Đức Phật, cũng như Aristotle, đã ít quan tâm với hình thức của chính phủ hơn hệ quả của nó - chế độ quân chủ, dân chủ, quí tộc hoặc bất kỳ sự kết hợp của một thể chế chính trị - ngài chỉ đặt căn bản là lòng nhân từ và đạo đức xã hội mà nó phục vụ.
 Phương hướng chính trị của Đức Phật bắt đầu với phương pháp giáo dục. Xã hội tồn tại vì sự hiểu biết, chia sẻ; vô minh là nguồn gốc của mọi thống khổ. Theo Đức Phật "cuộc sống con người là quý giá, có cơ hội và tự do.” Đó cũng là cuộc sống quí báu mà Kant cho là "dignity” (nhân phẩm), và là những gì mà Martin Buber gọi là quan hệ "I-Thou". Đối với Đức Phật, tất cả sự sống của chúng sanh là thiêng liêng, là bất khả tư nghì.
 Theo K. Sri Dhammananda Maha Thera, ‘Đức Phật xuất thân từ một chiến binh đẳng cấp và ngài được sinh ra trong xã hội với các vị vua, hoàng tử và các quần thần. nguồn gốc và sự liên hệ của ngài như thế, ngài không bao giờ viện đến sự ảnh hưởng của quyền lực chính trị để giới thiệu trong sự giảng dạy của ngài, và cũng không cho phép Giáo pháp của ngài lạm dụng sự ảnh hưởng này để đạt được quyền lực chính trị. Nhưng ngày nay, nhiều chính trị gia cố gắng để kéo tên của Đức Phật vào chính trị bằng cách giới thiệu ngài như là một nhà cộng sản, tư bản chủ nghĩa, hoặc thậm chí một nhân vật có tư cách chủ nghĩa đế quốc. Họ đã quên rằng triết lý chính trị mới như chúng ta biết thực sự phát triển ở phương Tây sau thời gian của Đức Phật. Những người cố gắng sử dụng danh xưng của Đức Phật vì lợi ích cá nhân của họ, nên nhớ rằng rằng Đức PhậtĐấng giác ngộ vô cùng, là bậc đã vượt thoát tất cả sự ràng buộc của thế gian.[1]
 Tuy nhiên, Đức Phật cũng là một nhà hiền triết thực dụng với tư tưởng thúc đầy một trật tự xã hội, trong đó mọi người có thể bình đẳng, có thể sống chung với nhau một cách hòa bình. Đức Phật khuyến khích rằng, mỗi người hãy giảm bớt nhu cầu ham muốn của cá nhân và quan tâm hơn những lợi ích cho người khác. Dù không tham dự vào chính quyền, ngài đã tư vấn cho rất nhiều vị vua, đề nghị chăm sóc y tế toàn dân, các hoạt động sinh thái và quyền động vật, và khích lệ một tầng lớp thương nhân phát triển mạnh để kích thích một thị trường tiến bộ trong sự nối kết của cá nhân. Ngài là người đầu tiên cách mạng giai cấp và thành kiến phụ nữ của Ấn Độ giáo bằng cách cho phép những giai cấp thấp và phụ nữ gia nhập Tăng đoàn.
 Đức Phật cũng luôn khích lệ sự phát triển đạo đức và tinh thần phụ thuộc vào các điều kiện vật chất của xã hội mà họ đang sống. Ngài cho rằng đói nghèo là nguyên nhân của đau khổ và bất an, và góp phần tăng trưởng cho những bất ổn và tiêu cực của xã hội, một thể chế đạo đức sẽ tạo nên một xã hội công bằng. Vì thế, ngài khuyến khích sự chia sẻ từ người giàu có và việc cung cấp công bằng kinh tế từ những nhà lãnh đạo là không thể thiếu để hòa hợp xã hội và ổn định chính trị. 
 Cũng có một vấn đề khá rõ ràng và sâu sắc về việc hòa trộn chính trị và tôn giáo. Cơ bản của một tôn giáo là thanh tịnh, đạo đức, đức tin và trí tuệ, trong khi căn bản của chính trị là cai trị. Từ lịch sử, chúng ta biết tôn giáo đã được sử dụng như thế nào để cung cấp hợp pháp hơn đối với những người cầm quyền và biện minh cho việc sử dụng quyền lực này. Khi tôn giáo được sử dụng như là sự đồng lõa với những bất thường chính trị, nó phải vi phạm lý tưởng đạo đức ban đầu của nó và suy giảm dưới sự ảnh hưởng của những nhu cầu chính sách của thế gian, và dẫn đến sự ích kỷ. Chính xác hơn, trong những trường hợp tôn giáo đã được sử dụng để biện hộ cho những cuộc chiến tranh và những sự chiếm cứ các lãnh thổ ngoại địa, và tạo nên những sự bắt bớ, nổi loạn, bạo lực, phá hủy những công trình nghệ thuật, văn hóa, và v.v…[2]  
 Lời dạy của Đức Phật không phải là nhắm đến vào việc tạo ra các tổ chức chính trị mới hoặc đưa ra quyết định chính trị. Trong thực tế, Phật giáo đang cố gắng để giải quyết các vấn đề xã hội bằng việc cải thiện những cá nhân thuộc về nó và cung cấp các nguyên tắc chung để xã hội có thể đạt đến một sự nhân đạo, tiến triển sự phúc lợi lớn hơn và sự phân phối các nguồn lực công bằng của nó.
 Có một sự giới hạn nhất định, ngoại trừ hệ thống chính trị tiêu biểu có thể bảo vệ an sinh và hạnh phúc của các thành phần xã hội. Dù một hệ thống nào đó có vẻ như hoàn hảo nhưng không thể đem lại hạnh phúc và an bình nếu ở bên trong nó vẫn bao gồm sự hận thù, tham lam, si mê.  Theo Phật giáo, từ bi là bản chất của triết lý chính trị của Đức Phật, và lòng từ bi được phát triển khi chúng ta thấy được bản chất của thế giới là đau khổ (dukkha), vô thường (anicca), và cuối cùng chúng ta giác ngộ được bản chất của các pháp là bình đẳng và nhân cách là vô ngã (anatman). Ý thức vô ngã không phải là sự phủ nhận đối với tất cả, nhưng là sự ý thức của cá nhân trong sự ‘tương tức’ (pratitya-samutpadha) với mọi người và mọi vật, không có một cá thể đứng độc lập, duy nhất. Thấy vô ngã cũng là thấy mình ở trong người khác, hạnh phúc của cá nhân cũng không thể tách biệt từ người khác. Thấy được sự thực tương duyên như vậy, chúng ta mới phát triển lòng từ bi, và có thể hành động bằng tấm lòng từ bi chân thật.   
 Mặc dù một hệ thống chính trị tốt đẹp và công bằng đảm bảo nhân quyền và có chức năng kiểm soát cùng cân bằng quyền lực là một điều kiện quan trọng cho một xã hội thịnh vượng, người ta không cần phải lãng phí thời gian của họ với việc tìm kiếm cho những khái niệm về hệ thống lý tưởng là những người dân sẽ hoàn toàn tự do; đơn giản, bởi vì không có tự do tuyệt đối trong bất kỳ hệ thống chính trị nào - nó chỉ là ý thức có thể được tự do. Để được tự do chúng ta cần phải nhìn vào bên trong chính mình và chế ngự những sự trói buộc từ xiềng xích của vô minh và ái dục. Tự do theo nghĩa đích thực chỉ có thể khi một cá nhân ứng dụng Phật pháp cho sự trau dồi bản thân bằng lời nói và hành động chân chính, cùng với việc nâng cao tâm của mình với mục đích để nhận ra tiềm lực của mình và đạt được mục tiêu cuối cùng, ở đây, dĩ nhiên là sự giác ngộ.
 Trong khi những lợi ích của việc tách biệt tôn giáo ra khỏi chính trị, cùng với những hạn chế của chính trị trong khả năng của nó để mang lại hạnh phúc và bình an cho mọi người là khá rõ ràng đối với quan điểm của Phật giáo. Đức Phật là người đã làm một cuộc cách mạnh chính trị xã hội đầu tiên khi ngài nói về giá trị bình đẳng của tất cả mọi người trước giai đoạn Abraham Lincoln; đối với Đức Phật, giai cấp và đẳng cấp là những rào cản nhân tạo đã được tạo ra bởi xã hội. Trong kinh Aggañña, có một đoạn chỉ ra rằng sự phân loại chỉ được dựa trên yếu tố đạo đức của ba nghiệp thân, miệng và ý, vốn là tác nhân gây nên hệ quả tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ của con người: "Và này Vasettha, một người Khattiya đã hướng đến một cuộc sống bất thiện từ thân, khẩu và ý, và với tà kiến mà người ấy có, kết quả những  tư tưởng và hành động sai lầm đó, lúc thân hoại mạng chung sẽ tái sinh vào biên địa, tật bệnh, đau đớn, và địa ngục; đối với một Brahmin, một Vaishya hay Shudra cũng như thế."[3]
 Một điều đặc biệt khác, Đức Phật duy trì một tinh thần tương trợ và tham gia cùng nhau trong xã hội. Tinh thần này được thúc đẩy tích cực trong tiến trình chính trị của các quốc gia hiện đại. Dù Tăng sĩ Phật giáo không tham gia vào chính trị, nhưng trong lịch sử, rất nhiều cư sĩ Phật tử đã tham gia vào guồng máy chính trị, họ là vua, quan, tổng thổng và các công chức trong nội các chính phủ. Như thế, thái độ chính trị của Phật giáo mang nghĩa phương tiện và từ bi, đại diện những lợi ích thiết thực cho đại đa số quần chúng, và phải được hướng dẫn trong tinh thần vô ngã và vị tha.
 Theo tinh thần bình đẳng, không có ai đã được chỉ định là những người trực tiếp thừa kế truyền thống của Đức Phật, các thành viên của cộng đồng Tăng phải được hướng dẫn chỉ bởi Giáo Pháp và Giới Luật (quy tắc tu viện Phật giáo) để tu tập và đạt được giải thoát trong tinh thần hòa hợp. Ngoài việc nghiên cứu và thiền định, họ phải biết chia sẻ giáo pháp cho quần chúng như thế nào. Với đời sống thanh tịnh và tri túc, các thành viên của cộng đồng sở hữu không quá ba y và bình bát. Như thế, Tăng đoàn là đại diện kiểu mẫu lý tưởng của Triết học chính trị Phật giáo.
 Một khía cạnh khác là đức Phật đã ủng hộ việc trao đổi quan điểm của mỗi thành viên trong tiến trình dân chủ truyền thống. Theo giới luật tu sĩ, mỗi thành viên trong cộng đồng đều có quyền góp tiếng nói của mình để quyết định những vấn đề của đoàn thể. Để giải quyết bất kỳ vấn đề gì của cộng đồng Tăng, đều dưạ vào sự biểu quyết của quá bán thành viên. Như thế, yếu tố đặc biệt này đã nhắc nhở về thủ tục quốc hội đương thời trong hệ thống dân chủ của thế giới vốn nằm trong hệ thống Tăng đoàn hơn hai nghìn năm trăm năm về trước. Ngày nay, Triết lý chính trị là đa nguyên, trên nhu cầu và nghĩa vụ của nhóm, của đảng, và mọi người đều có quyền bầu cử để lựa chọn nhà lãnh đạo mà mình yêu thích. Cộng đồng Phật giáo cũng là một phần thế lực hùng hậu trong việc bầu chọn những nhà lãnh đạo có trí tuệ và từ bi, có năng lực cải thiện cuộc sống của xã hội, môi trường, và phân chia quyền bình đẳng hạnh phúc đối với mỗi người.
 Những giá trị lý tưởng Phật giáo trong chính trị là đạo đức và trách nhiệm trong việc sử dụng ảnh hưởng của công chúng và quyền lực. Đức Phật không chấp nhận bất kỳ loại bạo lực nào, và do đó các khái niệm về chiến tranh cho công lý là hết sức sai lầm. Đức Phật bảo rằng cả hai kẻ chiến thắng và thua cuộc cuối cùng đều đau khổ, và chỉ có người không gây chiến tranh mới thật sự hòa bình. Hơn nữa, Đức Phật đã thậm chí đã ngăn cản một vài cuộc chiến tranh giữa mười sáu nước trong thời đại của ngài (Dhammananda). Ngài cẩn trọng cân nhắc đối với người thống trị là không mắc phải sai lầm và đúng đắn, nếu không thì ông ta và người dân của ông ta sẽ không có an vui. Ngài đề cập đến trường hợp này như sau: "Các Tỳ Kheo, khi người cai trị của một quốc gia là công chính và lương thiện, các bộ trưởng cũng trở nên công chính và lương thiện. Khi các bộ trưởng là công chính và lương thiện, các quan chức trở nên công chính và lương thiện.  Khi các quan chức cao hơn trở nên công chính và lương thiện, các viên chức trrở nên công chánh và lương thiện. Và, khi các viên chức trở nên công chánh và lương thiện, người dân cũng trở nên công chánh và lương thiện.” (from Jatakamala)
 Như thế, giá trị đạo đức chính trị có ý nghĩa thiết thực trong việc gây ảnh hưởng và tác động đến quần chúng, và có khả năng thay đổi những vấn đề của con người và xã hội nhiều hơn là uy quyền. Trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavatti Sutta), Đức Phật cũng nói rằng nghèo đói là một trong những nguyên nhân cơ bản của tội ác, thiếu đạo đức, đau đớn, hận thù và v.v... Tất cả các phiền não của tâm có thể được gây ra bởi sự nghèo đói, đó là kết quả lịch sử nghiệp duyên nhiều thế kỷ của nhân loại nên đưa đến những hiệu ứng này với hành động của chính nó, và không phải dễ dàng để tiêu diệt tất cả với sự giúp đỡ duy nhất của quyền lực thống trị.[4]   
 Những ý tưởng tiến bộ của Đức Phật trong Kuṭadanta Sutta là sự thỏa hiệp có khả năng  giữ cho con người duy trì cuộc sống của mình trong một quốc gia nhiều hoặc ít an toàn. Nó gợi ý rằng sự phát triển kinh tế sẽ mang lại sự thịnh vượng cho tất cả các tầng lớp quần chúng, và sẽ có hiệu quả hơn trong việc giảm bớt mức độ tội phạm hơn bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. Với quan điểm, mỗi người phải được cung cấp với những phương diện của cuộc sống đầy đủ, do đó, nó không chỉ đối với sự sống mà còn để bảo tồn phẩm cách đạo đức của bản thân.[5] (Kuṭadanta Sutta DN 5).
 Về phương diện đạo đức xã hội và chính trị, trong suốt lịch sử, giá trị đạo đức xã hội được hình thành thông qua các sự kiện lịch sử và văn hóa; tuy nhiên, mỗi quốc gia được thành lập bởi các nguyên tắc khác nhau và những nguyên tắc này sẽ xác định làm thế nào một nhà nước sẽ hành động trong những tình huống khác nhau. Cũng vậy, với các diễn tiến khác trong lĩnh vực chính trị quốc tế, các tổ chức quốc tế có những nguyên tắc mà họ phải đi theo một hướng nhất định. Có những trường hợp cá nhân theo nguyên tắc riêng của họ nhưng vẫn có giá trị đạo đức; dù thế, vẫn có một số chủ đề mà các thành viên không đồng ý hoặc các nguyên tắc thống nhất của các thành viên chỉ thuận thảo đến một mức độ nhất định và xảy ra đụng độ trong một vài quan điểm. Ví dụ, tự do ngôn luận và báo chí được rao giảng bởi hầu hết các quốc gia, nhưng thực tế của nó thay đổi từ những bước lùi ở những quốc gia khác, như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vẫn chưa được ứng dụng toàn thể đối với một số quốc gia bảo thủ với niềm tin riêng của mình. Những vấn đề lập luận của đạo đức trong chính trị  hội với những nguyên tắc nào đó đôi khi không nhất quán, chúng thay đổi từ nơi này đến nơi khác, từ vùng này sang các lãnh thổ khác, vì nhận thức khác nhau đối với chúng, các cơ chế khác nhau của tình hình hiện tại; ví dụ, các quyền tự do ngôn luận có thể có mặt trong lý thuyết, nhưng thực tế là nó thay đổi hằng ngày vì tính năng của chính trị. Đạo đức có thể quyết định chính trị; tuy nhiên, khi phân tích ảnh hưởng của , ta nên cẩn thận xem xét nó dưới góc độ nổi bật trong một tình huống nhất định.
 Một cách cơ bản, trong Mahahamsa-Jataka, Đức Phật đưa ra mười quy tắc đạo đức của một chính phủ tốt (Dasa Raja Dhamma), và những quy tắc này vẫn còn thiết thực trong thời đại của chúng ta dành cho một nhà lãnh đạo: “rộng lượng và không ích kỷ (1), có đức tính đạo đức cao (2),  Biết hy sinh niềm vui riêng của mình vì hạnh phúc của những người khác (3), trung thực và hoàn toàn liêm chính (4), thân thiện và hiền từ (5), sống một cuộc sống đơn giản để làm gương cho người khác (6), không có lòng thù ghét bất cứ ai (7), thực hành bất-bạo-động (8), thực tập sự kiên nhẫn (9), và tôn trọng ý kiến công luận để thúc đẩy hòa bình và hòa hợp (10).” [6]  
  Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng những cân nhắc mà Đức Phật đã đề cập liên quan đến chính trị là không khác biệt với những lời dạy khác của ngài. Chân lý nền tảng là giống nhau cho những người đang ở trong trò chơi chính trị và đối với những ai có trách nhiệm trong bất kỳ hoạt động khác. Đó là những quy tắc cơ bản của Phật giáo về đạo đức, nhận thức, và tư duy để vượt qua các trở ngại với những thiện hạnh vốn tạo nên chức năng kết nối giáo pháp thực tiễn của Phật giáo. Rõ ràng, Đức Phật là một nhà cải cách vĩ đại, đối với lĩnh vực chính trị, thay vì bàn về việc cải cách hệ thống, ngài chỉ đề cập đến việc cải cách và chuyển hóa bên trong cơ chế của mỗi người. Đó cũng chính là sự đánh thức trí tuệ (prajna) và từ bi (karuna), hai đặc trưng cần thiết có thể đem đến an vui và hòa bình cho thế giới khi mỗi cá nhân biết cách cai trị để chuyển hóa chính mình như thế nào trước khi muốn lãnh đạo thế giới bên ngoài một cách tốt đẹp hơn; Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nói rằng: “Chúng ta chẳng bao giờ đạt được hòa bình bên ngoài thế giới, cho đến khi chúng ta kiến tạo hòa bình ở trong tâm của chúng ta.”  

 

[1] Venerable K. Sri Dhammananda Maha Thera, “Buddhism and Politics”
[2] Ibid…
[3] DN 27, Aggañña Sutta
[4] DN 26, Cakkavatti Sutta
[5] DN 5, Kuadanta Sutta
[6] J534, Mahahamsa-Jataka

No comments:

Post a Comment

  • Walking in the Timeless Sound of Life

    Walking in the Timeless Sound of Life

    16/03/2020 - 0 Nhận xét

    When changing one thing in our mind, our whole…

  • धम्मपद Dhammapada XI.जरावग्गो Jarā-vaggo

    धम्मपद Dhammapada XI.जरावग्गो Jarā-vaggo

    19/09/2023 - 0 Nhận xét

     Kinh Pháp Cú, XI. Phẩm Già/法句經,…

  • Sister Tinh Quang Quotes 129

    Sister Tinh Quang Quotes 129

    29/12/2023 - 0 Nhận xét

     

  •    Tu Tâm

    Tu Tâm

    31/07/2016 - 0 Nhận xét

    Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 - Thích Nữ Tịnh Quang…

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States