
Chúng ta ai cũng mong ước tự do, và đôi khi
nghĩ rằng mình có tự do…, thực sự thì nghĩa của hai từ ‘tự do’ phần nhiều đã bị
chúng ta lạm dụng.
‘Tự
do’ cũng đồng nghĩa với việc ‘giải phóng’ hay ‘giải thoát’, giải thoát ra khỏi
những sự trói buộc, nô lệ từ người khác, từ sự việc, sự vật khác.
Cụ Nguyễn
Gia Thiều nói: “Thảo nào khi mới chôn nhau, đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.”
(Cung Oán Ngâm Khúc) cũng có nghĩa rằng đời sống là tiếng khóc không ngừng ngay
từ khi mới mở mắt chào đời, tiếng khóc của ngục tù đau khổ của cái thân trần thế
hệ lụy này.
Cuộc sống có muôn ngàn cái khổ từ sự tương quan tương duyên, gia đình, xã hội, công
việc đã trói buộc con người; và tự do đã trở thành khát vọng: khát vọng độc lập,
khát vọng thoát thân, khát vọng vươn lên, khát vọng ở trên…và khát vọng cũng là
một ý tưởng mong cầu. Một số người chấp nhận sự trói buộc của mình như là đặc
ân hay ân huệ từ người khác, và họ cho rằng họ có ‘tự do’ thực sự từ việc hy hiến
của mình và vui với số phận. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự đánh tráo của ý niệm
bởi vì người ta không thể nào giải thoát hoàn toàn những nỗi lo lắng hay lo sợ
từ người khác, từ những hoàn cảnh có nguy cơ thay đổi. Nếu giờ làm việc ở công
xưởng vào lúc 8:00AM, bạn thức giấc cũng vào lúc này, tâm trạng của bạn sẽ xáo
động vì sự lo lắng…
Ngoài
sự trói buộc bên ngoài, bên trong tấm thân ngũ uẩn của chúng ta cũng chịu nhiều
sự chi phối của thời tiết, ngoại duyên, trần cảnh. Cái khổ của bốn đại chống
trái nhau, cái khổ của năm ấm hưng thạnh…những cái khổ của thân ở trên phương
diện này làm sao chúng ta có thể giải thoát? Tuy nhiên, con người ngoài những
lúc đau khổ thì cũng có lúc vui, vui vì những điều mình thích, vui vì còn khỏe
mạnh, vui trong những cuộc hội ngộ, tiệc tùng…như là ý niệm ‘tự do’ ngắn ngủi.
Hầu
hết chúng ta ai cũng có thời gian ‘tự do’ trong một ngày của mình như là những
phút giây hạnh phúc chóng vánh. Trên bình diện này ‘tự do’ hay ‘giải thoát’ đều
ở trạng thái vô thường, vì bản chất của ‘tự do’ này ở trong sự chi phối của dao
động và bất an, ý thức bị tác động và điều khiển bởi ngoại cảnh. Khi giây phút
ta ngỡ là ‘tự do’ trôi qua, mặt phẳng của tâm bị xói động bởi những con sóng
phiền não và những ý niệm lăng xăng như bọt nước lại nổi lên với những khát vọng
tiếp diễn; chúng ta bị nhấn chìm bởi bóng dáng của ‘tự do’, chứ không phải ‘tự
do’ thực sự.
Tự
do thực sự chính là việc nhận diện chính mình trong giây phút tĩnh lặng của
thân (bằng việc ngồi, hay đi, đứng…) và tâm. Nhận diện chính mình không phải là
nhìn vào trong cơ thể mình, nhưng là nhìn những ý niệm những ước muốn của mình,
không để những tham muốn hay những vọng niệm dẫn đắt chúng ta một cách ‘tự do’.
Tự do là giây phút tĩnh lặng, 6 giác quan không còn rong ruỗi, đắm đuối với 6 trần
cảnh; có thể bạn vẫn còn hình ảnh của sáu trần cảnh đi qua tâm từ quá khứ,
nhưng chúng chỉ là sự trôi nổi, bóng dáng tiền trần, không phải thực ảnh; nhìn
bóng dáng trần tâm như nhìn bóng mây dưới nước, lúc này tâm bạn trở về trạng
thái yên tĩnh của một dòng sông trong vắt. Một dòng sông trong vắt là một dòng
sông tĩnh lặng; đây là giây phút hòa bình, an tĩnh thực sự của tâm, trong giây
phút hội ngộ mặt phẳng yên tĩnh này, bạn mới thực sự an trú trong ‘ngôi nhà’
đích thực an lạc của mình.
Giây
phút tĩnh lặng là giây phút ‘tự do’. Mỗi ngày có bao nhiêu giây phút tĩnh lặng
là có bấy nhiêu phút ‘giải thoát’ thực sự; ai cũng có thể tạo cho mình cơ hội.
Sống mà không có ‘tự do’ thực sự thì cuộc sống trở nên vô nghĩa; đừng đánh mất
cơ hội ‘tự do’ đích thực giữa đời sống ngục tù hư ảo.
TNTQ
No comments:
Post a Comment