• MƯỜI BÀI KINH VỀ TUỆ GIÁC SIÊU VIỆT CỦA TỲ-KHEO-NI THỜI PHẬT

    MƯỜI BÀI KINH VỀ TUỆ GIÁC SIÊU VIỆT CỦA TỲ-KHEO-NI THỜI PHẬT

    15/03/2016 - 0 Nhận xét

    Thích nữ Tịnh Quang dịch và…

  • Qui Ước 'Đúng' và 'Sai'

    Qui Ước 'Đúng' và 'Sai'

    17/05/2018 - 0 Nhận xét

    ‘Đúng’ và ‘Sai’ tương tự như các định nghĩa…

  • Sister Tinh Quang Quotes 73

    Sister Tinh Quang Quotes 73

    19/04/2017 - 0 Nhận xét

    You are the shadow of your mind, no one is…

  • Works of Art in Great Museum

    Works of Art in Great Museum

    22/01/2016 - 0 Nhận xét

    Thich nu Tinh Quang…

Monday, October 21, 2019

CHÚNG TA BIẾT GÌ?

Chúng ta biết tất cả những gì chúng ta đã huân tập, đã học, kiến thức, lý luận, và sự hiểu biết dựa trên niềm tin như quan điểm chính trị và tôn giáo, và ngay cả khoa học; chúng ta cho rằng mình biết về nó (chúng). Nhưng cái ‘biết’ của chúng ta có đủ hay chưa (?) và ‘biết’ như thế nào mới đúng với sự thực hay chân lý (?)


Chúng ta ‘biết’ từ khi có ý thức chập chững, cái biết già theo năm tháng và được tôi luyện có hệ thống.ở một hệ thống ‘cao’ hay ‘tột’ (với nhãn hiệu của nó) chúng ta thường cho rằng cái ‘biết’ của mình đã ‘đủ’. Đủ là đủ như thế nào chúng ta cũng chưa rõ, chỉ biết là đủ, và ta ‘ảo’ về cái đủ của ta trong một phạm vi chừng mực nào đó của một hệ thống. Ngoài khuôn khổ của một hệ thống, chúng ta chỉ là những đứa trẻ tập đi; và mỗi người chúng ta là một đứa trẻ đang chập chững với cái biết ngoài vị trí của mình.


Tuy nhiên cái biết ngay nơi vị trí của mình chúng ta cũng chưa hẳn là biết. Đó là điểm ‘Bất khả tri’ của hầu hết các tôn giáo. Cái ‘biết’ được trang bị dưới niềm tin, và niềm tin được xây dựng trên những điều chúng ta không thể biết: Thượng đế, linh hồn, sự cứu rỗi (Hữu thần giáo) hay các cảnh giới sau khi chết, các Thánh quả (trong Phật giáo). Niềm tin Tôn giáo là một sự hứa hẹn để giúp cho con người sống tốt hơn trong hiện tại. Tuy nhiên, chấp thủ niềm tin trở thành một con ‘nghiện’ Tôn giáo, từ ‘mê’ dẫn đến ‘cuồng’ tín mà chúng ta không hay biết.


Từ thế kỷ V-VI trước kỷ nguyên, các nhà Triết học Hy Lạp thời Xenophanes đã hoài nghi tất cả vấn đề rằng không có gì tồn tại, điều mà chúng ta giao tiếp, chúng ta thảo luận và chúng ta biết cũng chẳng biết gì cả…Và khuynh hướng hoài nghi đã sản sinh ra những nhà Triết học cổ đại như Cratylus hay Socrates… Sự hoài nghi bắt đầu đối với Thượng đế (phát sinh từ tư tưởng), và ai là người sinh ra Thượng đế (?) linh hồn là gì sau khi không còn hoạt dụng của não bộ (?), tại sao nhân loại không được cứu rỗi (?), tại sao con người đều chịu chung một số kiếp đau khổ của già, xấu, bệnh và đối diện với cái chết; sự hoài nghi các cõi giới sau khi chết (?)…Hoài nghi về những khả năng của con người, và niềm tin do chính con người tạo dựng, và phủ nhận tất cả kiến thức hiểu biết có thể. Khuynh hướng hoài nghi như thể chúng ta đang bị lừa dối bởi các giác quan của mình, bởi niềm tin dựa vào sự giới hạn của các giác quan, và kiến thức hệ thống - Bất khả tri luận (Epistemology Presupposeition Probability)

Môt số người nghi ngờ các cảnh giới tái sinh hay các Thánh quả trong Phật giáo được ghi chép trong kinh điển. Nếu đặt các cảnh giới và Thánh quả trong chiều hướng nhận thức của Tâm trong hiện tại thì chúng ta không còn khả nghi. Khi ‘Chứng’(biết) hay ‘Đắc’ (nhận được, nhận ra) chân lý từ giới hạn đến rốt ráo như cuộc hành trình qua 4 giai đoạn tu tập nhằm đoạn tận tham ái, hành giả đạt được trạng thái tâm Vô ngã, Niết bàn (an lạc) của hiện tại, chứ không phải sau khi chết sinh đi sinh lại 1 lần hay 7 lần theo nghĩa đầu thai trên văn bản. Nhận thức hiểu biết của chúng ta đều từ não bộ, sau khi chết trạng thái ý thức của (não bộ) chúng ta (hay linh hồn) đi đầu thai lại (?); đặt một thái độ nghi ngờ hoặc một khuynh hướng đối với sự hoài nghi với vấn đề này để nhận ra ‘ý tưởng’ sau học thuyết và kiến thức (điều này không dành cho chủ nghĩa Vô thần (hưởng lạc) thế gian).

Ở Ấn Độ, trường phái triết học Ajñana xiển dương chủ nghĩa hoài nghi. Lập trường hoài nghi được tìm thấy trong kinh điển Aṭṭhakavagga. Những nhà hoài nghi sau này có thể đã ảnh hưởng đến các nhà tư tưởng hoài nghi khác của Ấn Độ như Nagarjuna, Jayarāśi Bhaṭṭa và Shriharsha.


Một nhánh Thiền khác của Phật giáo là Thiền Công án (
公案 gồm có 5 lọai), đặt Thoại đầu làm đề tài hoài nghi như một sự nghi ngờ từ hệ thống căn bản của giáo lý để kiểm tra liên tục tư tưởng một cách nghiêm ngặt nhằm phát triển trí tuệ trong việc nhận thức chân lý, như Công án: “Ta là ai khi chưa sinh?”Đặt câu hoài nghi trong đầu khi đi, đứng, nằm ngồi…không ngừng nghỉ, lâu ngày thì có khả năng hoát ngộ hay giải thoát. Mà giải thoát thì giải thoát cái gì? Điều này chỉ có hành giả mới biết (ẩm thủy lãnh noãn tự tri). Giải thoát là giải thoát ngay chính cái hoài nghi của mình, vì khi chưa sinh làm gì có Ta như bây giờ mà hỏi. Nhận ra sự trói buộc của tâm vào một vấn đề là một sự đạt ngộ lớn khởi đầu từ ý thức hoài nghi về vấn đề cần thiết. Nhận biết những hạn chế về kiến thức đi tìm một sự thực của bản thể của con người là một sự đạt ngộ, chứ không phải nói theo kiểu ‘chỉ có Thánh mới hiểu’, nói kiểu cho qua.

Hầu hết chúng ta biết rất ít hay không biết gì cả, chỉ nghe rồi tin, cái biết theo khuôn khổ của truyền thống, không phải là cái biết ‘thực chứng’ (theo thuật ngữ Phật giáo). Cái biết thực chứng là cái biết từ công phu - trí tuệ thâm chiếu, không phải là cái biết từ thuật ngữ, từ giác quan bên ngoài; không ảo tưởng về một thế giới khách quan như thực. Những người theo khuynh hướng hoài nghi thì không tin vào cái biết của chính mình, họ đặt dấu hỏi với những gì mà họ nghe biết: Chúa Jesu bị đóng chân tay làm gì mà cứu rỗi được ai? Có chứ, Chúa ‘phục sinh’, đâu có chết (và người ta tin như vậy). Hay thâm ý từ việc Tổ Đạt Ma ‘quảy hài về Tây’. Những ẩn ý ‘dựng’ lại huyền thoại ‘sống’ trong các Tôn giáo để xây dựng niềm tin cho tín đồ và trở thành đề tài hoài nghi cho những người hoài nghi, bởi vì giá trị hay chân lý không phải là những chiếc bánh vẽ. Ngày nay, không những Tôn giáo, các giá trị ‘nổi’ của cá nhân và xã hội đều bị nghi ngờ, và người ta nhận ra sự giới hạn của cá thể nếu không đặt trong tổng thể của xã hội.

Thông thường, cái biết của chúng ta dựa trên căn trần, chấp vào căn trần như thực thể của chính mình. Chúng ta ‘biết’ bằng ảo tưởng của chính mình và chấp căn trần của người khác làm cái ‘biết’ của mình: Ảo tưởng về sự vĩ đại của mình, ảo tưởng về lời khen, chê (khen không thực khen, chê không thực chê), ảo tưởng về sự thành công, ảo tưởng về cái ‘ta’ mà người khác ‘ban’ cho ta. Thực tế đời sống và nhận thức của người khác dành cho ta mà ta ‘biết’ vốn không thực. Ta chấp khách trần làm đối tượng ‘biết’ cụ thể và bị đánh lừa bởi cái ảo của nhận thức từ bên trong. Chúng ta không thể tách rời thế giới giác quan, mỗi giác quan đều có phạm vi riêng của nó để hoạt động, nhưng không nên chấp thủ tính năng chung của một đối tượng hoặc các đặc điểm riêng (Avaśyaṃ gocare sve sve vartitavyam ihendriyaiḥ /Nimittaṃ tatra na grāhyam anuvyañjanam eva ca (/ S13.41 /), dễ dẫn đến loạn tưởng từ ‘y tha khởi’ và chấp làm cái thấy biết như thực.


Vậy cái biết như thế nào mới là cái biết thực sự? Đức Phật dạy: “Các ngươi đến với Ta để mà thấy (biết), không phải để tin…” Thấy như thế nào? ‘Thấy cái khổ và con đường chấm dứt khổ’, thấy tham ái và con đường chấm dứt tham ái và Niết bàn tịch tĩnh an lạc ngay trong hiện tại. Cái thấy biết từ Phật tính nguyên sơ, cũng thấy từ Lục pháp (hay Lục nhập) mà không bị lục nhập làm điên đảo, cái thấy cũng từ mắt mà không bị sắc khuynh đảo, cho đến phi ngã mà không lìa ngã (
大般涅槃經》卷30,世尊云:「說佛性者亦如復是,非即六法,不離六法。善男子!是故我說眾生佛性非色不離色,乃至非我不離我。」)

Đa phần, Chúng ta bị thế giới trần cảnh lừa dối, và chúng ta chẳng ‘biết’ gì cả. Đối với thế giới quá khứ hay tương lai chúng ta cũng không biết, hiện tại thì ‘biết’ theo kiểu chạy theo vọng, biết theo niềm tin ‘bánh vẽ’. Chỉ khi nào trong phút giây hiện tiền, chúng ta nhận ra sự vô tận của thế giới và sự có mặt của mình trong toàn thể, không chấp thủ, không tham ái, nơi 6 căn mà không khởi niệm tham trước, tư tưởng như một làn gió bay qua không gian, bay mà không vướng, như thế cái ‘biết’ của chúng ta mới thực sự tự do,an lạc vô cùng.

TNTQ

No comments:

Post a Comment

  • Sister Tinh Quang Quotes 61

    Sister Tinh Quang Quotes 61

    02/09/2016 - 0 Nhận xét

      Do not seek happiness; it is available…

  • Kinh Pháp Cú-Phẩm Voi (23)

    Kinh Pháp Cú-Phẩm Voi (23)

    30/11/2024 - 0 Nhận xét

    Ni Sư Tịnh Quang dịch Việt320) Ahaṃ nāgova…

  • Khái Niệm Niết Bàn từ Quan Điểm Tâm Lý Học

    Khái Niệm Niết Bàn từ Quan Điểm Tâm Lý Học

    30/09/2015 - 0 Nhận xét

    Tiến Sĩ. Ruwan M. Jayatunge MD - Thích Nữ Tịnh…

  • Thấy Chỉ Là Thấy, Nhìn Chỉ Là Nhìn

    Thấy Chỉ Là Thấy, Nhìn Chỉ Là Nhìn

    29/06/2017 - 0 Nhận xét

    Thực tập nhìn thấy sự vật chỉ là nhìn thấy, bạn…

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States