Khổ vui là hai mặt của con người, của đời sống. Và hầu hết chúng ta đều muốn trải nghiệm niềm vui thay vì nỗi khổ.
Chúng ta thường cho rằng một người sinh ra đầy đủ phước báu nhân gian là người có phúc (hay hạnh phúc), một người sinh ra thiếu phước báu về thân hay hoàn cảnh là người đáng thương. Tuy nhiên, sự cảm nhận khác biệt về đời sống mới là nguyên nhân tạo nên khổ hay vui cho cá nhân nhiều hơn là hoàn cảnh bên ngoài.
Thử nhìn, những người bị bệnh Down Syndrome từ bé luôn luôn mỉm cười, những người được cho là bịnh ‘tâm thần’ cũng thường cười với chính mình, những người khuyết tật lại có nghị lực đặc biệt, ta thấy họ đáng thương, nhưng họ lại có tâm trạng vô cùng lạc quan. Không ít người nghèo khổ, đời sống cực nhọc nhưng luôn luôn vui cười; còn chúng ta, những người có cuộc sống tương đối đầy đủ so với người ‘kém’ hơn ta, nhưng chưa chắc ta có cảm giác hạnh phúc hơn những người ‘kém’ may mắn ấy. Những mơ ước, cái muốn ‘thành’ hay ‘trở thành’ khiến cho chúng ta khổ nhiều hơn vui. Chúng ta có 'phước' được đầy đủ lục căn, lành lặn, cuộc sống không đến nỗi, thậm chí nhiều người có nhan sắc, có tiền, có tiếng vẫn cảm thấy cô đơn đau khổ vì tình đến nỗi muốn tự tử vì thấy cuộc đời một màu đen tối, không có hạnh phúc, và không muốn sống nữa.
Đa phần, vui và khổ của con người đều bị chi phối bởi cảm giác nhất thời, trong ý thức quàng xiêng, điên đảo và mộng tưởng, ta suy nghĩ nhiều về cái nhìn của người, ta quên rằng đối tượng của ý thức thần kinh của người khác cũng không trung thực như ta, dưới lăng kính bản ngã, mỗi người chỉ là cái bóng của mình, xem bản ngã mình là thực hữu hơn bản ngã của các đối tượng khách quan.
Ta mãi miết đi tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc chỉ là cái bóng của nhận thức. Ta quên rằng khổ và vui chỉ là hai sự đối lập của tư tưởng, như ánh sáng và bóng tối trên bầu trời. Ta vong thân để đi tìm mảng sáng, cái bóng của hạnh phúc, ta thấy nó, nhưng nó chỉ là sương khói, cái hạnh phúc kia mong manh bên ngoài, và cũng không ai có thể ban cho ta, ngoại trừ chính ta. Khi ta trở về, thấy mình là bóng đêm với nỗi buồn thiu, và ta không nhận ra nó cũng là ảo ảnh, không hoàn thành, cái xấu cái buồn kia chẳng làm nên một nghệ thuật đời sống, và nó tự tan trong khoảnh khắc nếu tâm hành của ta không tiếp tục.
Vui hay buồn chỉ bởi nhận thức. Có một sự thực duy nhất là cái Chết mà chúng ta thường ít chú ý đến nó. Buồn và vui chỉ là tiến trình và thay đổi liên tục của nhận thức. Một câu nói, một ánh nhìn của người khác cũng khiến chúng ta chợt buồn và chợt vui, trong một thoáng chốc, cả vui lẫn buồn đều hiện hữu. Hạnh phúc và khổ đau cũng cùng trong một phút chốc, hãy tìm trong thoáng chốc đó để biết ta đang vui hay đang khổ, cái nào là đang là thực hữu bên trong?
Chúng ta thường sợ hãi đau khổ và làm mọi cách để được hạnh phúc, nhưng kết quả luôn xảy ra với thành quả ‘trơn tru’ ấy chỉ là hào nhoáng, và tiến trình ấy lại không ít trở ngại, buồn nhiều hơn vui. Tuy nhiên những nỗi buồn mà chúng ta cưu mang không bao giờ ở lại mãi với chúng ta, chỉ tại ta cứ mãi níu giữ nó. Một người xin ăn ngồi bên lề đường bị kẻ khác xua đuổi và mắng mỏ, ông ta bỏ đi nơi khác, đến chỗ khác xin ăn, và quên nơi cũ; nhưng nếu một người có danh vọng, trọng danh dự cũng vô tình ngồi ở nơi đó, bị xua đuổi và mắng chửi sẽ có cảm giác đau hơn và nhớ mãi. Cùng một hoàn cảnh, nhưng ý thức chấp ngã nhiều và ít nên nảy sinh trạng thái tâm khác nhau.
Hãy học cách quán chiếu, vui và buồn chỉ là cảm giác ngay cả lúc nghèo cùng, đói khổ…chúng cũng chỉ là cảm giác nhất thời của thân và tâm. Hạnh phúc mà chúng ta đang cảm nhận cũng thực sự vô nghĩa nếu không có khổ đau. Sự cân bằng của đời sống không tách rời hai trạng thái đối lập. Một người thực sự đạt được tự do là người nghệ sĩ của dòng đời. Cuộc sống như cây đàn Piano có hai phiếm trắng và đen, note trắng là một khoảnh khắc, note đen là một khoảnh khắc, khi cả hai cùng rung lên, tạo nên một âm hưởng hay và chúng ta gọi là giai điệu cuộc đời. Đừng từ chối note đen, đừng suy tư về note trắng, thử nhìn đêm đen với mảnh trăng sáng lung linh, hay hình ảnh Đức Phật mỉm cười trong bóng đêm vô cùng tuyệt đẹp.
Tất cả sự giác ngộ trên dòng thời gian đã qua, hiện tại, và chưa đến đều là sự diễn biến của cõi giới tâm (thức) phân biệt, tưởng như là thực. (…tam thế nhất thiết Phật…..nhất thiết duy tâm tạo/Kinh Hoa Nghiêm). Sự phân biệt chấp trước của ý thức đồng nhất cá nhân với nỗi sợ hãi, lo lắng, vui, buồn, sướng, khổ, nhưng chúng không phải là chính ta, chúng không thuộc về ta, chỉ là biến tướng trôi nỗi sanh diệt của thức tâm, chúng đến rồi đi, chúng không phải là sự thật. Sự phân biệt ấy không muốn thay đổi, chúng muốn níu giữ hình ảnh chúng ngự trị trong tâm trí chúng ta.
Hạnh phúc thực sự là khi chúng ta không còn tìm cầu, suy nghĩ, thấy rõ những cảm giác phát sinh, không nô lệ từ nhận thức của mình đối với đời sống. Biết rằng buồn và vui đều là sự sinh khởi của ảo tưởng, đó là người đã thực sự giải thoát, an lạc.
TNTQ
No comments:
Post a Comment