Có hai sự thật liên quan đến chân lý và trọng tâm của tất cả tôn giáo, đặc biệt trong Phật giáo Đại thừa, đó là sự thật tương đối (相对真理/relative truth) và sự thật tuyệt đối (绝对真理/absolutely truth).
Sự thật tương đối bao gồm tất cả các hiện tượng tâm và vật, chủ thể và đối tượng, đó là chân lý tương quan và đối đãi, chân lý nhị nguyên – bản thân chúng ta, các đối tượng khác, đối tượng thuộc vật chất, suy nghĩ, cảm xúc, khái niệm tạo nên chúng ta và thế giới như thật. Tuy nhiên, chúng không bao giờ thật, luôn thay đổi và tùy thuộc. Sự thật tương đối là maya, hoặc ảo ảnh, và phần đông chúng ta bị lầm tưởng như là thật.
Sự thật tuyệt đối là thực tại vượt khỏi thuyết nhị nguyên, suy nghĩ, đối đãi, trong kinh gọi là bản thể hay tính không. Và ai là người sống với sự thật tuyệt đối này?-Những người giác ngộ, nhận thức sự phù phiếm, vượt thoát khỏi sự phù phiếm ảo ảnh, tuy sống trong thế gian nhưng không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì ở thế gian, không bị các pháp lừa gạt, là những người có hạnh phúc chân thật, dù vẫn chịu sự đau khổ của thân, nhưng không phải là đau khổ từ những ham muốn dục lạc của thế nhân.
Đa phần con người bị năm món dục thô phù sắc, thanh, hương, vị, xúc (hay tài, sắc, danh, thực, thùy) khuynh đảo vì không bao giờ sở đắc trọn vẹn, và có thể trọn vẹn bởi ta ‘tưởng’ như thực, và cái tri kiến ‘tưởng’ này khuấy động khiến con người không yên, và đau khổ vì nó.
Sự thật tuyệt đối cũng là những thay đổi luôn luôn, và ngay nơi bản chất của nó là hư huyễn, chỉ như cái bóng trăng dưới lòng sông, thấy vậy mà không phải vậy; đó là điều khiến con người đau khổ, hụt hẫng.
Sự thật tuyệt đối là những điều không bao giờ làm ta thỏa mãn. Con cái của ta không như ta mong đợi, thân thể ta ngày càng già nua, người ta yêu cũng ngày càng già xấu, tiếng ta hay chỉ một lúc, tên tuổi, mặt mày ta to lớn và ‘sáng chói’ trên các phương tiện truyền thông nhưng người ghét ta thì nhiều hơn thích ta và phục ta; ta hung hăng vì dựa vào sự bảo kê bởi một tổ chức đảng phái, chính trị, tôn giáo hay nhóm nào đó, ta có thẩm quyền để phán xét hay làm gì đó…nhưng rồi không như ta tưởng; ta nghĩ mình hơn hẳn nhưng lại là sự suy yếu từ căn gốc….Khi nhận ra sự thật tuyệt đối là không có gì chân thật, chỉ là sự ảo tưởng lớn, người đó trở nên trầm tĩnh và bình lặng.
Chân lý tuyệt đối là ‘vô sở đắc’, là lúc mà ngài Huệ Khả “chặt” đứt sự chấp thủ của tâm (biểu tượng như bàn tay nắm bắt) để tương thông với tâm ‘không’ của Sơ tổ Đạt Ma. Khi thấy tâm là ‘không’ thì các đối tượng của dòng phân biệt từ tâm đều là ảo, đó là sự thật tuyệt đối.
Thấy các pháp ‘vô sở đắc’, tâm ‘vô sở đắc’, chủ thể và đối tượng chỉ là những ảo ảnh duyên hợp, người ấy không có mong cầu sở đắc một điều gì cả, và đó là người thật sự đã giải thoát từ ảo tưởng của chính mình.
TNTQ
No comments:
Post a Comment