• NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA XÃ HỘI NGÀY NAY

    NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA XÃ HỘI NGÀY NAY

    15/02/2017 - 0 Nhận xét

    Thích Nữ Tịnh Quang Ngày nay, phần lớn đối với…

  • BẠO LỰC VỚI CẢM XÚC TIÊU CỰC

    BẠO LỰC VỚI CẢM XÚC TIÊU CỰC

    22/02/2017 - 0 Nhận xét

    Thích Nữ Tịnh Quang Trong cuốn sách của Đức Đạt…

  • Đường Thi -- Phần 1

    Đường Thi -- Phần 1

    16/05/2022 - 0 Nhận xét

  • Đường Thi -- Phần 6

    Đường Thi -- Phần 6

    25/08/2022 - 0 Nhận xét

Thursday, March 9, 2017

CHÁNH KIẾN (samyak-dṛṣṭi / sammā-diṭṭhi)

Thích Nữ Tịnh Quang
 Điểm đầu tiên của Bát Chánh Đạo là 'Chánh kiến', hay còn gọi là ‘thấy đúng’ hoặc ‘cái thấy chân xác’ là theo nghĩa dịch từ ngôn ngữ gốc (samyak-dṛṣṭi / samma-ditthi). Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhận thấy rằng đây không phải là một sự chuyển dịch chính xác. Vì vậy, chữ 'đúng' trong trường hợp như vậy, có nghĩa là ‘hoàn thiện’, ‘đích xác’, ‘toàn thể’ hơn là từ đối lập với 'sai'.
 Như thế Chánh kiến là như thế nào? Không thể chối cãi rằng đây là giai đoạn đầu tiên thuộc về Bát Chánh Đạo của Đức Phật. Như đã đề cập ở trên, tám giai đoạn của con đường được chia thành ba nhóm, và Chánh kiến là một yếu tố của nhóm đầu tiên - Trí tuệ - Bát nhã (Sanskrit: prajñā, Pāli: panna). Đây là bước quan trọng nhất, bởi vì từ nó, và chỉ từ đó, khởi đầu  bước theo con đường của Đức Phật. Nhiều người tin rằng Chánh kiến có nghĩa là học tập tất cả các căn bản học thuyết Phật giáo, họ nghĩ rằng bước đầu tiên bao hàm một sự nghiên cứu đầy đủ và sự giải thích hợp lý về các lời dạy của Đức Phật; tuy nhiên, nó không phải là như vậy, bởi vì định nghĩa của nó với lời dạy của Đức Phật như sau:  " Thấy những gì được đưa ra, được cung cấp, những gì được hy sinh. Có những trái quả của những hành động tốt và xấu. Có đời sống này và đời sống kế tiếp. Có mẹ và cha. Có những chúng sinh tái sinh một cách tự nhiên; có sự quán tưởng và Bà la môn-người sống đúng và tu tập đúng, tuyên bố đời sống này và đời sống tiếp theo khi có tuệ giác trực nhận điều này đối với chính mình.”[1]
 Điều đó chứng minh cho chúng ta thấy rằng Chánh kiến đặt trong một lãnh vực thuộc về kinh nghiệm cảm xúc hơn là trong lĩnh vực của sự hiểu biết với sự giúp đỡ của trí thông minh, nó là một sự hiểu biết đầy đủ. Trong bản chất của nó, thấy đúng là một cái nhìn, trải nghiệm tâm linh sâu sắc, đã và đang đi xuyên qua với những người đến với con đường của chính mình. Ngoài việc vượt qua nó và đồng hóa kinh nghiệm này, nó không thể tiến xa hơn, vì tất cả các bước kế tiếp thực tế là dựa trên nó, duy nhất là Chánh kiến. Nếu trong tương lai một người nào đó, tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng của họ, có thể đi theo con đường với một kiểu tự do, ví dụ, trình tự đầu tiên có thể điều chỉnh phương pháp của mình đối với việc kiếm sống (chánh mạng-giai đoạn thứ năm), và rồi nỗ lực thực tập lời nói của chính mình (chánh ngữ- tương đương các giai đoạn thứ ba), thực tế điều này không có sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu không có Chánh kiến, tu tập Bát chánh đạo là điều không thể. Như vậy, Chánh kiến là một dự báo trước đối với việc thực hành Bát chánh đạo.
Chánh kiến ​​gồm có Thế gian chánh kiến và Xuất thế gian chánh kiến. Thế gian chánh kiến là thiết lập quan niệm thiện-ác, nhân-quả, nghiệp báo và phàm-thánh, cũng gọi là Tự nghiệp chánh kiến. Chúng ta nhân đây mà hiểu rõ hành vi thiện-ác, sự thọ nhận của chính mình. Nhờ chánh kiến, chúng ta mới phân biệt được thiện và bất thiện nghiệp, căn nguyên của thiện và bất thiện nghiệp.
 Tuy nhiên, Tự nghiệp chánh kiến cũng không phải là pháp hướng đến giải thoát, liễu tri Tứ thánh đế là nhu cầu đầy đủ của Xuất thế gian chánh kiến. Tứ  thánh đế Chánh kiến của Xuất thế gian có hai giai đoạn phát triển: Một là Tùy thuận chân lý chánh kiến (saccAnulomika-sammAdiTThi 諦隨順見), là tương ưng với trí tuệ về Tứ thánh đế, và nguyên tắc tiếp thọ giáo pháp Tứ thánh đế, là khái niệm thể tánh Chánh kiến. Hai là Quán sát chân lý chánh kiến (saccapaTivedha-sammAdiTThi 諦通達見), là trí tuệ phát sinh nhờ tu tập Tứ thánh đế, thuộc kinh nghiệm Chánh kiến. Bát chánh đạo là bước đầu thâm nhập lý tánh của Tứ thánh đế, một khi đã thấu triệt Tứ thánh đế tức chứng đắc Niết bàn. Cho nên Chánh kiến Tứ thánh đế là thỉ điểm và cũng là chung điểm của đạo lộ giải thoát. Chánh kiến cũng là tuệ nhãn - thấy rõ được bản chất của ba chất độc tham, sân và si, và giải thoát chúng bằng cái nhìn đúng với nguyên lý của các pháp: vô thường và vô ngã.
 Theo Sangharakshita (Tăng Hộ), trong truyền thống Phật giáo Ấn Độ, Bát chánh đạo có thể được chia thành hai phần: ‘Kiến đạo’ (darsana-marga), thuộc về Chánh kiến, và ‘Tu đạo’ (bhavana-marga), bao gồm bảy bước còn lại.[2]
 Chánh kiến chính là cái nhìn toàn thể về bản chất của các pháp: một cái nhìn về những phương cách sai biệt cũng như cái nhìn vô sai biệt và phương pháp để liễu đạt nó trong các kinh văn Phật giáo: "Này Kaccayana, thế giới này là trong sự nô lệ của những tham ái, chấp trước (sustenances), và thành kiến. Nhưng một ai sống trong thế giới này mà không lệ thuôc nó hay chấp trước đối với những ái, thủ, hữu thuộc về nhận thức, kiến chấp, hoặc những ảo ảnh này, và cũng không chấp là ‘tự ngã của tôi’, người ấy không có xác quyết hoặc nghi ngờ điều đó, khi có sự phát sinh, chỉ nhận ra rằng nó phát sinh, và khi nó đã băng hoại, chỉ biết nó đã băng hoại. Trong đây, sự thấu hiểu của người đó là không tùy thuộc đối với các pháp. Với cái thấy như thế, này Kaccayana, người ấy có Chánh kiến.”[3] Do đó, Chánh kiến ngụ ý một sự hiểu biết đúng đắn đối với các pháp, và trong vị trí đầu tiên nó liên quan đến Tứ diệu đế, đặc tính của duyên khởi, nghiệp và tái sinh.
 Giá trị thực sự của nguyên tắc Chánh kiến là không dễ dàng để diễn tả bằng ngôn ngữ, nhưng đúng hơn là một trải nghiệm tâm linh đặc biệt vốn xuất hiện một cách tự nhiên chỉ trong những trường hợp đặc biệt, hoặc trong những sự thực hành đặc biệt. Vì nó rất khuyến khích cá nhân tính, mỗi người có thể trải nghiệm nó theo những cách khác nhau. Một số người đến với Chánh kiến khi đã trải qua một số bi kịch cá nhân, do đó họ quyết định quán xét những nguyên tắc có sự sâu sắc hơn, cố gắng để có được ý nghĩa về cuộc sống. Những người khác có thể đã đi tới trình độ này từ cảm giác ngây ngất bắt nguồn từ sự chiêm nghiệm về thiên nhiên, hoặc từ việc nghe âm nhạc. Một số người đã đến với Chánh kiến trong một sự thực tập thiền dài hạn, luôn luôn giữ tâm của họ trong một sự tĩnh lặng thanh tịnh. Đôi khi, sự hiểu biết về Chánh kiến đạt được qua tuổi tác, khi một người thực sự đã có một vài kinh nghiệm trên căn bản quan điểm của mình về thế giới, và bằng sự so sánh những diễn biến của các sự kiện, cuối cùng nhìn thấy một điểm nào đó của sự thật, và định hướng tương lai để làm theo.[4] Ví dụ, Điều này được minh họa bằng lời dạy sau đây của Đức Phật: "Và Chánh kiến là gì? Sự hiểu biết liên quan đến khổ, sự hiểu biết lien quan đến nguyên nhân của khổ, sự hiểu biết liên quan đến sự chấm dứt đau khổ, sự hiểu biết liên quan đến cách thực hành dẫn đến sự chấm dứt đau khổ. Đây gọi là chánh kiến,[5] ở đây chỉ cho chúng ta thấy năng lực xuất phát từ Chánh kiến xuyên qua sự tương tác với khổ.
 Như nó đã được đề cập ở trên, tất cả những gì đã được Đức Phật trình bày không phải là một chỉ thị nghiêm ngặt để thực thi cụ thể. Đức Phật chỉ đưa ra một lời khuyên nhủ tốt cho nhân loại để cho con người biết mình đi hướng nào và những gì để phấn đấu, và ngài đưa cho chúng ta một bản đồ trong khi không thể phủ nhận một thực tế rằng có khả năng tồn tại của các đường song song dẫn đến Niết bàn. Theo ý kiến của chúng tôi, sự tồn tại của những con đường song song đó là một bằng chứng tốt về hiệu quả của phương pháp: nếu những người khác nhau đi đến kết luận giống nhau và có được một cái nhìn tương tự về thế giới này, hay nói cách khác, nếu những tư tưởng và lý thuyết khác nhau, cuối cùng dẫn đến kết luận tương tự, không thể phủ nhận, nhưng chỉ chứng minh nó, như thế chúng ta có thể nói rằng lý thuyết được xác nhận bằng thực nghiệm. Trong nhiều hệ thống, có khái niệm về niềm tin, có khái niệm về một điểm khởi đầu, mà thường là rất tương tự hoặc hoàn toàn giống với ‘kinh nghiệm bí mật’ khi nó được diễn đạt.
 Ví dụ, chúng ta hãy nhìn vào những lý thuyết mới hơn và những khái niệm về sự phát triển cá nhân đã thâm nhập thế giới gần đây. Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Timothy Leary (1920-1996), thúc đẩy khái niệm ‘mô hình tám mạch ý thức’ ('eight-circuit model of consciousness') của chính ông ta, và ông ta cũng nói về một nền giáo dục nhất định, đó là điểm khởi đầu cho việc phát triển cá nhân tiếp tục. Theo quan niệm của ông ta, tám mạch hoạt động trong tâm trí con người, với bốn trong số chúng ở giai đoạn này của sự phát triển con người là chúng ta được có ban đầu, có nghĩa là mỗi người trên hành tinh này có các mạch từ khi sinh ra. Bốn mạch còn lại không phải được ban ra đối tất cả mọi người và mục đích của sự tồn tại; theo lý thuyết này, nó bao gồm trong phát triển cao hơn nữa của chúng. Để mở được giai đoạn thứ năm, nó đòi hỏi ‘nhận ra trên thế giới’ thường xuất hiện thông qua một ‘kinh nghiệm bí mật’. Trong cuốn Neurologic của ông, Leary gọi tình trạng như vậy là 'mạch vui sướng-the rapture circuit’ (Leary, V - I). Trong cách khác, bằng những phương pháp để đạt được một trạng thái như Leary cần có một sự thực hành của thiền định lâu dài. Và sự liên kết của hành giả trong một thế giới quan như Robert Anton Wilson, trong cuốn Prometheus Rising cũng đề cập đến nhiều sự bí ẩn của quá khứ, cũng như Aleister Crowley và Gurdjieff đã nói những điều tương tự bằng những tên gọi khác.
 Tuy nhiên căn bản Chánh kiến trong Phật giáo vẫn là cái nhìn đúng về những điều thiện và bất thiện, về những gì nên làm và không nên làm, là những hành động có lợi ích cho mình và người được soi sáng bằng Chánh kiến, như thế không bị tham, sân, si, kiêu mạn…dẫn dắt. Và những ai có Chánh kiến trong Phật pháp, đều có khả năng thoát khỏi phiền não đau khổ, đạt được an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ:
 “…Chánh kiến là…Khi một đệ tử của những người cao thượng nhận rõ những gì là bất thiện, nhận rõ gốc rễ của những gì là bất thiện, nhận rõ những gì là thiện, và nhận rõ gốc rễ của những gì là thiện, điều này chứng minh rằng ông ta là một người có Chánh kiến, một người có quan điểm đúng, người có đầy đủ lý tín trong Phật pháp, và là người đã liễu được Chánh pháp này.
 Và những gì là bất thiện? Sát sanh, trộm cắp ... tà dâm ... nói dối ... nói lời hung dữ ... nói lưỡi đôi chiều ... thêu dệt là bất thiện. Tham lam ... ý xấu ... tà kiến là bất thiện. Những điều này được gọi là bất thiện.
 Và gốc rễ của điều bất thiện là gì? Tham là gốc rễ của những điều bất thiện, sân hận là gốc rễ của những điều bất thiện, si mê là gốc rễ của những điều bất thiện. Đây được gọi là gốc rễ những điều bất thiện.
 Và những gì là thiện? Không sát sinh là thiện, không trộm cắp là thiện... không tà dâm ... nói dối ... không nói lời hung dữ ... không nói lưỡi đôi chiều ... không nói lời thêu dệt là thiện. Không tham lam ... không có ý xấu ... có cái nhìn đúng là thiện. Những điều này được gọi là thiện lành.
 Và gốc rễ của điều thiện là gì? Không tham là gốc rễ của điều thiện, không sân hận là gốc rễ của điều thiện, không si mê là gốc rễ của điều thiện. Đây được gọi là gốc rễ những điều thiện lành.
 Khi một đệ tử của những người cao thượng nhận rõ những gì bất thiện theo cách này, nhận rõ gốc rễ của những gì bất thiện theo cách này, nhận rõ những gì là thiện lành theo cách này, và nhận rõ gốc rễ của những gì là thiện lành theo cách này; khi đã hoàn hoàn toàn xả ly yểm ác-si mê, đã đoạn trừ ác yểm ác-si mê, đã nhổ được gốc tà kiến, kiêu mạn về ‘tự ngã’; đã đoạn trừ vô minh và tăng trưởng trí tuệ - người ấy đã chấm dứt đau khổ và phiền não ngay tại đây và bây giờ, ở trình độ này người đệ tử của hàng cao quí là một người Chánh kiến, với cái nhình đúng đắn, người ấy đạt được tín lý trong Phật pháp, và là người đã liễu đạt được chánh pháp này."[6]
 Một cách Sâu sắc hơn, Chánh kiến là cái thấy về lý Duyên khởi hay Duyên sinh (paṭiccasamuppāda), trạng thái của tất cả các hiện tượng; nghĩa là thấy các pháp đều tương duyên và tùy thuộc lẫn nhau, không có pháp nào tồn tại một cách độc lập. Đức Phật nói rằng: “Ai thấy được Duyên khởi thì người đó thấy Pháp. Ai thấy Pháp thì người đó thấy được Duyên khởi.” (Majjhima Nikya). Như thế Pháp cũng là Duyên sinh: những hiện tượng cùng tương quan tồn tại và hoại diệt, được minh họa như sau:
            “Khi cái này có thì cái kia có
Khi cái này sinh thì cái kia sinh
Khi cái này không thì cái kia không
Khi cái này diệt thì cái kia diệt.”(Majjhima Nikaya)
Thấy được duyên sinh là chìa khóa để mở cánh cửa tự do, là nhận thức thực tại đúng với bản chất của nó đối với người đã giác ngộ, nghĩa là thấy các pháp tương quan tồn tại, hay là các pháp là tự tánh Vô ngã-Không. Ở góc độ này, Chánh kiến là cái nhìn thoát ly mọi tham ái và chấp thủ-nguyên nhân dẫn đến tái sinh và đau khổ đối với tất cả chúng sanh.
 Chánh kiến về Duyên sinh cũng là Chánh kiến về lý Trung đạo, nghĩa là tránh xa hai tình trạng của sự hưởng thọ dục lạc đối với các giác quan và sự khắc nghiệt đối với thể xác. Trụng đạo là sự chừng mực giữa cái này cái kia, giữa hữu trong trạng thái hài hòa, trung dung để có an lạc thực sự.
            Với Chánh kiến theo thinh thần Phật giáo như thế, chúng ta mới không thể bị những ảo tưởng sai lầm dẫn chúng ta trôi lăn trong những nỗi đau khổ bất tận, và nhận chân được những giá trị hòa bình đích thực ở bên trong chính mình.



[1]Geoffrey DeGraff, Wings to Awakening, pass.106      
[2] Sangharakshita, The Buddha’s Noble Eightfold Path, p.17
[3] SN 12.15, Kaccayanagotta Sutta
[4] Sangharakshita, The Buddha’s Noble Eightfold Path, p.18-20
[5] DN 22, Maha-satipatthana Sutta: The Great Frames of Reference  
[6] MN 9, Sammaditthi Sutta - Thanissaro Bhikkhu translated

No comments:

Post a Comment

  • Sister Tinh Quang Quotes 75

    Sister Tinh Quang Quotes 75

    19/04/2017 - 0 Nhận xét

    Sometimes quiet person has nothing to say just…

  • MN 5. Kinh Không Ô Uế (Anaṅgaṇasuttaṃ)

    MN 5. Kinh Không Ô Uế (Anaṅgaṇasuttaṃ)

    19/12/2020 - 0 Nhận xét

    “Giống như cái bát kia, Hiền hữu! Khi người kia…

  • Sister Tinh Quang Quotes 37

    Sister Tinh Quang Quotes 37

    26/05/2016 - 0 Nhận xét

    Be careful with your words and attitudes toward…

  • Thoáng Xuân

    Thoáng Xuân

    29/03/2018 - 0 Nhận xét

    Xuân ơi xuân mùa xoay vần cũ mới Nhịp vui…

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States