• Practicing Seven-Lotus Steps on the Buddha’s Birthday

    Practicing Seven-Lotus Steps on the Buddha’s Birthday

    30/09/2015 - 0 Nhận xét

    Thich nu Tinh Quang Wherever you are, if…

  • Vườn Xuân Xưa

    Vườn Xuân Xưa

    02/10/2015 - 0 Nhận xét

    Ơ hay bướm vởn quanh vườn Mai lan vàng đỏ phố…

  • Kinh Pháp Cú-Phẩm Phật Đà (14)

    Kinh Pháp Cú-Phẩm Phật Đà (14)

    13/11/2024 - 0 Nhận xét

    Ni Sư Tịnh Quang dịch Việt179) Yassa jitaṃ…

  • Sister Tinh Quang Quotes 20

    Sister Tinh Quang Quotes 20

    10/05/2016 - 0 Nhận xét

    The water of river is always clear because the…

Thursday, March 9, 2017

CHÁNH TƯ DUY (samyak-saṃkalpa / sammā sankappa)

Thích Nữ Tịnh Quang
Phần thứ hai của Bát Chánh Đạo là Chánh tư duy (samyak-saṃkalpa / samma sankappa), cũng có nghĩa là ‘chủ tâm đúng’, ‘càm xúc hoàn hảo’ và nhiều ý nghĩa khác. Thực tế từ này là 'saṃkalpa' có nghĩa là 'ý'; như thế, nó sẽ không chính xác lắm khi giải thích 'samyak-saṃkalpa' chỉ giới hạn với ý nghĩa của tư duy đúng.
 Có thể thích hợp hơn khi gọi nguyên tắc này là 'Chánh ý’ hoặc ‘Thiện cảm’, vì nó phù hợp   lĩnh vực cảm tính và xoay chuyển của bản tính con người với Chánh kiến. Chánh tư duy là trí tuệ tu tập ở vị trí thứ hai: Nó có công dụng liên kết giữa Chánh kiến và sáu giai đoạn sau. Ngoài ra, dựa trên sự phân chia của Bát chánh đạo với sự 'Kiến đạo’ và 'Tu đạo’ như được thảo luận ở trên, Chánh tư duy là  giai đoạn đầu tiên của con đường Tu đạo. Dĩ nhiên, đây không phải là ngẫu nhiên: 'samyak-saṃkalpa' dạy chúng ta làm thế nào để tu tập ý chí của chúng ta và quán sát những cảm xúc của chúng ta làm sao phù hợp với Chánh kiến, bởi vì, như chúng ta đã biết, bất kỳ niềm tin và bất kỳ khát vọng nào cũng cần được hỗ trợ bằng những cảm xúc tương ứng. Như Đức Phật nói với các đệ tử của ngài: "Và Chánh tư duy là gì?  Là tư duy về việc xả ly, về sự giải thoát từ ác ý, tư duy về sự vô hại: Đây được gọi là Chánh tư duy."[1]  
   Chánh Tư duy có thể được chia thành hai phương diện, đầu tiên là ‘phương diện tiêu cực của Chánh ý’. Nó bao gồm ba khái niệm: 'naiskramya' - chẳng ham muốn, 'avyapada' - chẳng hận thù, và 'avihimsa' - Bất hại. Ở trong mỗi yếu tố này thì vô cùng quan trọng.
 Như vậy, 'naiskramya' ngụ ý từ bỏ tham lam với một cái nhìn thanh tịnh hơn về thế gian. Điều này đặc biệt đúng với thế giới ngày nay, nơi mà mọi người không thể hình dung được một cuộc sống bình thường mà không có những gì (chẳng hạn như một cái điện thoại, máy tính, xe hơi, và v.v…). Toàn bộ hệ thống tư bản được xây dựng trên sự sản xuất liên tục và sự hài lòng của những mong ước, đam mê và ham muốn. Ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ mới xuất hiện hàng ngày trên thị trường và bắt mắt chúng ta, thực tế, việc sử dụng các công nghệ quảng cáo mới nhất, các nhà sản xuất không ngừng cố gắng đánh thức ham muốn bên trong chúng ta để sở hữu những sản phẩm mới đó, nếu chúng nghĩ về điều này, chúng ta không cần nhiều thứ. Ngược lại, như chúng ta đã thấy, tất cả những ham muốn chỉ ném chúng ta xa hơn và xa hơn trên con đường của chúng ta đến đích giác ngộ. Với sự phát triển của tiến bộ, những ham muốn được áp đặt đối với chúng ta từ thời thơ ấu, và điều này ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp dân cư trong tất cả các quốc gia trên thế giới. Dĩ nhiên, những cám dỗ với những ham muốn khác nhau đã diễn ra ở tất cả mọi lúc, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chúng quá tinh vi và phổ cập như bây giờ.
 Điểm thứ hai, 'avyapada' ám chỉ sự vắng mặt của sự hận thù và tức giận (sân). Nó được liên kết rất chặt chẽ với phần trước, mặc dù nó không phải là luôn luôn có thể nhìn thấy ở cái nhìn đầu tiên. Trong hầu hết các trường hợp, căn bản đối với sự tức giận là sự mong muốn không được thỏa mãn. Trong giấc mơ vô vọng về một điều gì đó, chúng ta có thể vô cớ nổi giận với bất cứ ai, tưởng tượng ông ấy hoặc bà ấy là tội lỗi đối với những sai lầm của chính chúng ta. Một kết quả khác của những ham muốn mà không được đáp ứng là ghen tị. Trong lịch sử, có rất nhiều điển hình khi người ta sa vào những điều này và những cảm xúc tương tự, đã gây ra thiệt hại to lớn cho người khác và cả bản thân họ, và số lượng thiệt hại này là chỉ phụ thuộc vào số lượng tài lực mà họ đã sở hữu. Chúng ta nên lưu ý rằng những khía cạnh tiêu cực được kết nối với nhau chặt chẽ, và một cách cơ bản, cái này là một hệ quả của cái khác. Do đó, nếu một người bình thường, người ấy cũng có lòng tham lam, hoặc có thể ngược lại: "Có trường hợp một người nào đó không có lòng tham lam. Ông ta không thèm muốn những đồ đạc của người khác, ông ta suy nghĩ: 'Ồ, tại sao những gì thuộc về người khác sẽ là của tôi!' Ông ta không có ‘tà tư duy’ và không mắc phải sai lầm trong tư duy của chính tâm ông. (Ông ta nghĩ )‘Những tâm trạng như thế này được giải thoát khỏi tình trạng thù địch, thoát khỏi áp bức, thoát khỏi phiền não, và ước mong chúng được duy trì một cách dễ dàng!"[2]
 Điểm cuối cùng về 'phương diện tiêu cực của Chánh ý như chúng tôi đã nói là ‘avihimsa’ (bất hại). Tánh ác thường tồi tệ hơn ác ý đơn giản, vì nó ngụ ý việc gây đau khổ cho những chúng sinh khác. Gây ra đau đớn và khổ não cho chúng sanh khác, những người bạo vui thích với tiến trình này, đó là chống lại tự nhiên. Tuy nhiên, thông thường việc ác có thể xảy ra một cách vô thức vì ngu dốt hay sự hiểu lầm. Trong thế giới ngày nay, nhờ sự ra đời của truyền hình và Internet, từ thời thơ ấu tâm trí của chúng ta là dưới sự áp lực không ngừng. Đặc biệt, nhiều trẻ em đã nhìn thấy những tin tức trên truyền hình hoặc những phim hoạt hình được xem, cố gắng thi đua theo các anh hùng với những tập phim trong những trò chơi games của chúng, mức độ bạo lực trong đó thường là cao hơn nhiều so với bình thường. Như vậy, từ thời thơ ấu mỗi người chúng ta được thấm nhuần với một thái độ khoan dung hơn so với hiện tượng ngày nay. Và, tất nhiên, người ta không phải luôn nhìn thấy vấn đề này dẫn dắt những điều bất thiện của người khác phát triển. Vì vậy, những gì mà một khi đã là chỉ trò chơi vui trẻ con, về sau có thể phát triển thành một sự đam mê có nhiều nguy hại hơn trong tuổi trưởng thành.
 Khía cạnh thứ hai của Chánh tư duy là ‘phương diện tích cực của Chánh ý’, gồm có những điểm tích cực của ‘naiskramya’ (xả ly), ‘avyapada’ (tâm từ), và ‘avihimsa’ (bất hại),  đó là ‘dana’ - bố thí, cúng dường, lòng quảng đại, ‘maitri’ - tình thương, thân ái, và ‘karuna’ - sự đồng cảm, lòng từ bi. Chánh tư duy cũng bao hàm 'sraddha', đó là tín và kính, 'upeksa' ('upekkha') xả, và 'mudita', có nghĩa là hỷ. Bốn tư duy - dana, maitri, karuna và upekksha trong sự hoạt dụng của chúng, tác thành ‘Brahma-vihara’, còn được gọi là ‘Tứ vô lượng tâm’ (Từ vô lượng-sa. maitry-apramāṇa, pi. metta-appamaññā. Bi vô lượng-sa. karuṇāpramāṇa, pi. karuṇā-appamaññā. Hỉ vô lượng-sa. muditāpramāṇa, pi. muditā-appamaññā. Xả vô lượng-sa. upekṣāpramāṇa, pi. upekkhā-appamaññā), và ứng dụng những nguyên tắc đó là phương pháp cơ bản của mối tương quan giữa Phật giáo và thế giới, đó là những gì mà chúng tôi mong ước.
 Dana (bố thí) là một trong những đức hạnh quan trọng nhất của Phật tử. Dana không chỉ dựa trên sự tu tập trực tiếp về những giá trị mà có thể nó dường như được thấy, nhưng đặc biệt là về những cảm xúc mà chúng ta cảm giác khi chúng ta đang cho ai một cái gì đó. Để hiểu rõ hơn về những nguyên tắc hoạt dụng của nó, chúng ta có thể làm nổi bật một vài hình thức của nó, và trong tất cả ý nghĩa trong Phật giáo. Tất nhiên, điều đầu tiên đặc biệt và đó là rõ ràng nhất, là sự bố thí tài sản. Theo nguyên tắc của dana, bạn cần chia sẻ với những người khác tất cả những lợi ích mà bạn có thể chia sẻ, bởi vì, trong ý nghĩa khác, nó giúp bạn thoát khỏi tâm tham trước với các pháp. Điều quan trọng mà dana cũng như nhiều khía cạnh khác của giáo lý Đức Phật không phải là một nguyên tắc trừu tượng hay truyền thống, nó là một trong những nguyên tắc cơ bản đối với quan hệ trong xã hội, và đã thay đổi thế giới tốt đẹp hơn như chúng ta thấy.
 Ngoài giá trị vật chất mà chúng ta có thể chia sẻ, ví dụ, trí tuệ của chúng ta vốn rất quan trọng đối với Phật giáo khi trí tuệ không được độc quyền bởi một cá nhân, và sẽ là di sản của nhân loại mà tất cả mọi người phải có quyền truy cập. Chúng ta cũng có thể truyền đạt lại với lòng tin của chúng ta, hỗ trợ mọi người trong những lúc họ gặp khó khăn bằng việc thực hành bố thí. Dĩ nhiên, chúng ta còn có thể tặng cho một người nào đó thời gian và năng lượng của chính mình, ngay cả cuộc sống và sức khỏe của chúng ta, và, tất nhiên, món quà quan trọng nhất của tất cả là được xem như một trong những món quà của chân lý - món quà của sự hiểu biết và trí tuệ, dẫn dắt chúng ta tới ánh sang giác ngộ. Như vậy, trên thực tế, bất kỳ tặng phẩm nào có liên quan đến dana, dù tầm quan trọng và số lượng của nó như thế nào, như chúng ta biết, trong đó không cần phải luôn luôn đối xứng với ý tưởng hiện đại về những sự đóng góp mà thế giới ngày nay đang bị thu hẹp chỉ vì của cải vật chất.
 Maitri (Sanskrit) hoặc Metta (Pali) trong Phật giáo có nghĩa là tâm từ, sự thân thiện, bằng hữu, thiện chí, hay lòng tốt. Ngược lại với tư tưởng phương Tây hiện đại là tình yêu, tình thương (love), thường liên quan đến việc tìm kiếm một người bạn tình với gia đình. Maitri ngụ ý một cảm giác giống như tình yêu dành cho người bạn thân nhất mà không có ý nghĩa tình dục. Lý tưởng nhất, tình thương không chỉ dành cho một người mà bao quát toàn thể thế giới, đó là những gì chúng ta phải tìm kiếm, không ngừng phát triển cảm giác này. Vì vậy, Phật tử chân chính luôn mong muốn những điều tốt lành nhất cho mọi chúng sinh, và giúp đỡ mọi cách mà bản thân có thể làm.
 "Ở đây, này các Tỳ kheo, một vị Tỳ kheo tu tập yếu tố tuệ giác chánh niệm cùng với lòng từ và những yếu tố tuệ giác tương ưng của sự quán chiếu các trạng thái, năng lực, hỷ lạc, an tịnh, chú tâm, bình thản cùng với lòng từ dựa trên sự xả ly, định tĩnh, dẫn đến sự hàng phục hoàn toàn. Nếu hành giả muốn trụ ở cảm thọ yểm ly trong những gì không phải là yểm ly, vị ấy trụ trong cảm thọ yểm ly như thế. Nếu hành giả muốn trụ ở cảm thọ bất yểm ly trong những gì là yểm ly, vị ấy trụ ở cảm thọ bất yểm ly như thế. Nếu hành giả muốn trụ ở cảm thọ yểm ly cả trong những gì là yểm ly và những gì không phải là bất yểm ly, nếu hành giả muốn trụ cảm thọ bất yểm ly cả trong những gì ..., vị ấy trụ như thế. Nếu hành giả muốn tránh xa cả yểm ly và bất yểm ly, trụ ở tâm định tĩnh, chánh niệm và nhận biết rõ ràng, hoặc đạt được tâm tự do được gọi là vẻ ‘đẹp’ mà vị ấy thực hành theo đây. Ta tuyên bố rằng tâm giải thoát của lòng từ có vẻ đẹp đối với sự vi diệu của nó. Đây là sự thành tựu của một vị Tỳ kheo trí tuệ thâm chứng mà không có sự tự do nào cao hơn nữa." [3]
 Nguyên tắc tiếp theo liên quan đến ‘phương diện tích cực của Chánh ý’ gọi là Karuna, có nghĩa là tâm bi. Theo lời dạy của Đức Phật, tâm bi như một cảm thọ là một tình thái rất giống với tình yêu nhưng cảm giác chỉ trong một mối quan hệ đối với tất cả loài hữu tình-những chúng sanh đang gặp phải một vài sự khốn khổ trong cuộc sống của mình, và vì điều này, tình thương yêu đối với chúng sanh được sinh trưởng. Đây là tư duy tâm linh phát triển nhất trong tất cả cảm thọ quan hệ với con người. Từ quan điểm của nhiều hành giả Phật giáo, tâm bi là điểm quan trọng nhất trên con đường đến giác ngộ, vì nhờ vào tâm bi mà Đức Phật bắt đầu con đường giác ngộ. Một số người cũng tin rằng để đạt được giác ngộ là chỉ đơn giản tu tập và thực hành tâm bi, bởi vì con đường giáo dục của Đức Phật là điểm đầu tiên dựa trên sự thực hành và tương trợ lẫn nhau, chỉ đạo việc ứng dụng ngay trực tiếp, chứ không phải trên sự nuôi dưỡng và sự gia tăng về kiến thức lý thuyết về Phật giáo.
 Đó là những gì Đức Phật nói về mục tiêu tu tập giải thoát bằng tâm bi: "Trong đây, các Tỳ kheo, một nhà sư tu tập pháp chánh niệm ... an tịnh phối hợp với tâm bi ... hành giả trụ như thế, an tịnh, chánh niệm, nhận thức rõ ràng, hoặc bằng cách vượt thoát hoàn toàn tất cả nhận thức về các đối tượng, lắng xuống những nhận thức của các phản ứng cảm thọ,  buông xả những tạp niệm, tư duy ‘không gian là vô hạn’, hành giả chứng và trụ trong phạm vi không gian vô hạn. Ta tuyên bố rằng tâm tự do bởi lòng bi có phạm vi không gian vô hạn đối với sự vi diệu của nó. Đây là sự thành tựu của một vị Tỳ kheo trí tuệ thâm chứng mà không có sự tự do nào cao hơn nữa."[4]  
 Phần kế tiếp về 'phương diện tích cực của ‘Chánh ý’ là Mudita-‘hỷ’- đó là một cảm giác của niềm vui phát sinh khi nhìn thấy niềm vui của người khác, và chia sẻ niềm vui với người. Điều này có vẻ đơn giản với nguyên tắc thuộc về trực giác, nhưng trong sự thực hành nó không phải là luôn luôn có giá trị, đặc biệt là khi đối đầu với những quan điểm của thế giới phương Tây, nơi mà người ta thường xuyên nghiêng về những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như sự ghen tị khi nghe về sự thành công của người khác. Thái độ hoài nghi rất phổ biến trong thế giới ngày nay, đúng hơn là sự hả hê đối với những thất bại của những người khác và lòng ghen tị với thành công của người; chẳng phải nghi ngờ gì cả, nó là một cách tiếp cận ích kỷ. Vấn đề là, thay vì nguyên tắc cạnh tranh, nơi mà tất cả mọi người muốn lấy vị trí đầu tiên, trước người khác, Đức Phật cho chúng ta nguyên tắc hợp tác toàn cầu dựa trên một sự hiểu biết lẫn nhau, yêu thương và tôn trọng sản xuất nhiều hơn từ ​​một quan điểm toàn cầu. Tuy nhiên, con đường này có nhiều mức độ ngược lại với những điều kiện lý tưởng của chủ nghĩa tư bản, nơi mà người ta sản xuất nhiều hơn và nhiều lợi ích mới chỉ dành cho sự thỏa mãn của chính họ, sự cạnh tranh trong kinh doanh vô cảm này.
             "Ở đây, các Tỳ kheo, một hành giả tu tập các yếu tố tuệ giác chánh niệm ... sự an tịnh phối với tâm hỷ ... Vị ấy trụ như thế, an tịnh, chánh niệm, nhận thức rõ ràng, hoặc bằng cách vượt thoát hoàn toàn tất cả nhận thức về không gian vô hạn, tư duy ‘ý thức là vô hạn’, vị ấy chứng và trụ trong phạm vi của ý thức vô hạn. Ta tuyên bố rằng sự tự do bởi tâm hỷ có phạm vi không gian vô hạn đối với sự vi diệu của nó. Đây là sự thành tựu của một vị Tỳ kheo trí tuệ thâm chứng mà không có sự tự do nào cao hơn nữa."[5]   
 Upekksha (/xả) - một thuật ngữ dành cho nội tâm yên tịnh - là một trạng thái thanh thản của tâm, đó là tình trạng chung của con người; tuy nhiên, do hậu quả của sự tiến hóa, loài người đã bắt đầu ngày càng quên điều đó. Đối với tôi, tất cả đã tham gia vào cuộc cách mạng kỹ nghệ của thế kỷ XX, khi ngày càng có nhiều khám phá mới đã quay cuồng với nhịp điệu rất nhanh của cuộc sống hiện đại, mà đôi khi có vẻ hoàn toàn không thể thoát ra khỏi nó, và vì đó, nhiều người nghĩ rằng những nỗi lo lắng và căng thẳng liên tục là đặc điểm đầu tiên đối với con người.
Trong sự thực hành, buông xả là tư duy không câu chấp vào bất cứ pháp nào, buông bỏ những tham lam ích kỷ, coi mình là trung tâm. Bình thản trước sự khinh chê, phỉ báng…của người khác là đặc tính của tâm xả; không vướng mắc vào tài, sắc, danh lợi,… là trí tuệ của tâm xả, tư duy không mắc kẹt vào đối đãi của nhị nguyên, ở trạng thái của ‘không’, như thế hành giả sẽ không bị những đau khổ và phiền não trói buộc, và mới có thể sống trong trạng thái an lạc và hòa bình.
 "Ở đây, các Tỳ kheo, một hành giả tu tập các yếu tố tuệ giác chánh niệm, quán sát những tư tưởng, năng lực, sự hỷ lạc, yên tịnh, chú tâm, bình thản với tâm xả dựa trên sự xả ly, định tĩnh, dẫn đến sự nhiếp phục hoàn toàn. Nếu hành giả muốn trụ ... ông ta trụ như vậy, buông xả, chánh niệm và nhận thức rõ ràng. Hoặc bằng cách vượt thoát hoàn toàn phạm vi của ý thức vô hạn, ý nghĩ ‘không có gì’, hành giả chứng và trụ trong trạng thái của ‘không’. Ta tuyên bố rằng sự tự do từ tâm xả có phạm vi ‘không’ với sự vi diệu của nó. Đây là sự thành tựu của một vị Tỳ kheo trí tuệ thâm chứng mà không có sự tự do nào cao hơn nữa."[6]   
 Như đã được đề cập ở trên, ‘sraddha’ có nghĩa là tín và sự tin tưởng. Đừng nhầm lẫn nó với các khái niệm của phương Tây về đức tin, theo nghĩa của ‘sraddha’ ở đây là Chánh tư duy  đối với sự thật và sự ứng dụng của chúng ta với nó. Những điều được bao gồm trong khái niệm của ‘sraddha’ (tín tâm), là đối với ba ngôi ‘Tam bảo’ của Phật giáo, gồm có Phật, Pháp và Tăng thân.
 Tựu trung Chánh tư duy bao hàm 3 ý nghĩa: Xuất ly tư duy, vô nhuế tư duy và bất hại tư duy. ‘Xuất ly tư duy’ là chỉ cho sự viễn ly tham nghiệp, ham muốn; ‘vô nhuế’ tư duy là chỉ cho sự diệt trừ sân hận, sinh khởi từ tâm; ‘vô hại’ tư duy là chỉ cho sự diệt trừ sát hại, sinh khởi bi tâm. Và Tư duy cũng được chia thành ba loại: Tà tư duy, Lậu chánh tư duy (āsava dhammā), và Vô lậu chánh tư duy (no-āsava dhammā). ‘Tà tư duy’ là tư duy tham dục, tư duy sân giận, tư duy có hại cho bản thân và người. khác. ‘Lậu chánh tư duy’ là tư duy xuất ly tham dục, tư duy không sân giận, tư duy bất hại.‘Vô lậu chánh tư duy’ là tư duy thành tựu Thánh tâm, Vô lậu tâm, là tư duy của một bậc Thánh. Tư Duy này là kết quả tu tập tinh chuyênThánh đạo.[7]
 Về phương diện xã hội, ‘Lậu chánh tư duy’ là tư duy có năng lực ngăn ngừa những cảm giác tiêu cực, những ham muốn bất thiện, chặn đứng sự bộc phát của tâm sân giận và gây tổn hại cho mình và người. ‘Lậu chánh tư duy’ cũng là tư duy phát triển một con người với tâm hồn hoàn hảo; xã hội lý tưởng như thế nào nếu ai cũng có được tư duy như thế, và khi mỗi người ít tham, ít sân và không tổn hại lẫn nhau!


[1] SN 45.8,  Thanissaro Bhikkhu
[2] AN 10.176, Cunda Kammaraputta Sutta
[3] SN 46.54, Mettam Sutta: The Brahma-viharas, translated from the Pali by Maurice O'Connell Walshe

[4] Ibid…
[5] Ibid…
[6] Ibid…
[7] 《巴利大藏經長部》(卷22《大念處經》):諸比庫,什麼是正思惟呢?出離思惟、無恚思惟、無害思惟。諸比庫,這稱為正思惟。     《清淨道論》第九品:以維持有情的利益行相為相。取來有情的利益為味(作用),惱害的調伏為現起(現狀),見有情的可愛為足處(近因),嗔恚的止息為(慈的)成就,生愛著為(慈的)失敗。  《清淨道論》第九品:以拔除有情之苦的行相為相,不堪忍他人之苦為味,不害為現起 見為苦所迫者的無所依估為足處,害的止息為(悲的)成就,生憂則為(悲者)失敗.”  《巴利大藏中部》(卷117):欲思惟、嗔思惟、害思惟,諸比庫!此等為邪思惟。《巴利大藏經中部》(卷117):出離思惟、無嗔思惟、無害思惟,諸比庫!此等是正思惟之有漏而有福分、有持依果.”    巴利大藏經中部》(卷117):以成就聖心、無漏心、聖道者,修習聖道結果之思擇、思惟、專注、細專注、心之專精、語行,諸比庫!此等為正思惟之聖、無漏、出世而有道支者。

No comments:

Post a Comment

  • Sister Tinh Quang Quotes 17

    Sister Tinh Quang Quotes 17

    07/05/2016 - 0 Nhận xét

    Normal 0 false false …

  • Sister Tinh Quang Quotes 68

    Sister Tinh Quang Quotes 68

    19/11/2016 - 0 Nhận xét

    Live yours with brilliant colors in the dark…

  • Vượt Thoát Ý Niệm

    Vượt Thoát Ý Niệm

    21/10/2019 - 0 Nhận xét

    Ý niệm là ý tưởng, ý tưởng một điều gì đó thuộc…

  • Quan Niệm Phật Giáo về Đau Khổ

    Quan Niệm Phật Giáo về Đau Khổ

    15/01/2016 - 0 Nhận xét

    TN.Tịnh Quang dịch Phật giáo là một tôn…

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States