• Viễn Xứ

    Viễn Xứ

    25/02/2022 - 0 Nhận xét

    Đường đi, bóng đổ dài năm tháng,Viễn xứ gió lùa…

  • A WONDERFUL DAY

    A WONDERFUL DAY

    30/03/2018 - 0 Nhận xét

     A new day in blue sky, sunny shimmer…

  • Sister Tinh Quang Quotes 85

    Sister Tinh Quang Quotes 85

    02/05/2018 - 0 Nhận xét

  • Sister Tinh Quang Quotes 130

    Sister Tinh Quang Quotes 130

    29/12/2023 - 0 Nhận xét

     

Thursday, March 9, 2017

CHÁNH MẠNG (samyag-ājīva / sammā-ājīva)

Thích Nữ Tịnh Quang
Giai đoạn tiếp theo của Bát Chánh Đạo gọi là Chánh mạng (Pali: Samma Ajiva). Chánh mạng là sinh kế, là nghề nghiệp để nuôi bản thân và gia đình đúng với lời dạy của Phật, có lợi cho mình và không tổn hại đến các chúng sinh khác. Trong Phật giáo, Chánh mạng bao hàm yếu tố tự lợi và lợi tha, ngoài việc nuôi thân thì lòng từ bi cũng cần nuôi dưỡng; Thiếu lòng từ bi, sinh kế trở thành Tà mạng, gây nên bất thiện nghiệp mà người làm không thể không chịu trách nhiệm.
 Sangharakshita (Tăng Hộ) trình bày nó trong mối quan hệ với khái niệm về một xã hội lý tưởng - theo ý kiến ​​của ngài, Chánh mạng là một trong những mục tiêu chính của Phật giáo. Trong mối liên hệ này, trước hết Sangharakshita cho rằng tất cả chúng ta, thậm chí sự vĩ đại nhất của chúng ta, giấc mơ về một thế giới hoàn hảo, là nơi sinh sống của một xã hội hoàn hảo, và giấc mộng không tưởng này chỉ là một cách để vượt lên trên sự tồn tại thường ngày của chúng ta. Những giấc mơ như vậy có thể là một tầm nhìn của New Jerusalem trong kinh Thánh, nhà nước Cộng hòa của Plato, thành phố Mặt Trời của Campanella, Utopia của Thomas More v.v…và Phật giáo cũng cho chúng ta một khái niệm về một cõi thanh tịnh (Sukhāvatī) - Cực Lạc, Tây phương;  trong cõi này không có phiền não, không đau khổ, không có bệnh tật, không có xung đột, thậm chí không có sự hiểu lầm  v.v… và ngay cả thời tiết xấu cũng không có ở Cực Lạc. Tuy nhiên, Sangharakshita xác quyết rằng Phật giáo không phải chỉ là những ước mơ; trái lại, nó là rất thực tế - bởi vì nó nhằm mục đích tạo ra một xã hội hoàn hảo mới ngay tại đây, trên hành tinh của chúng ta, trong những quốc gia và quê hương của chúng ta. Vì vậy, Sangharakshita lập luận rằng giai đoạn thứ năm của Bát chánh đạo đại diện cho một sự chuyển hóa đối với xã hội của chúng ta thành một xã hội mới.[1]
 Hơn nữa, trong luận điểm của mình, Sangharashita cho rằng tất cả các giai đoạn trước đó  quan hệ đến những thay đổi về kinh nghiệm cá nhân, những kinh nghiệm tồn tại bị phân tách, trong khi giai đoạn này cân nhắc đến một xã hội, một kinh nghiệm tập thể. Do đó, ông ta tự hỏi tại sao ở giai đoạn thứ năm của Thánh đạo lại nằm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống tập thể (theo Sangharashita, có ba lĩnh vực: lĩnh vực xã hội, lĩnh vực chính trị, và lĩnh vực kinh tế), Đức Phật lại giới hạn mình với khía cạnh kinh tế, tại sao Ngài chỉ dạy về việc tạo nên tiền bạc? Sangharashita tạo nên một đặc trưng để trả lời cho câu hỏi của mình: Điều này khá rõ ràng vì tình huống xã hội Ấn Độ vào lúc đó: hầu hết mọi người đều không ở trong thể chế chính trị, và hệ thống giai cấp hầu hết đuợc xác định trong tất cả các mối tương quan xã hội; do đó, điều duy nhất được biết là tất cả người Ấn Độ là những gì họ làm vì cuộc sống, vì sự lao động của họ. Đó là lý do rõ ràng tại sao Đức Phật xem các khía cạnh kinh tế của sự tồn tại tập thể là quan trọng nhất và tạo nên một phần của Bát chánh đạo.[2]  
 Cuối cùng, Sangharashita đưa ra sự phân tích khái niệm về Chánh mạng. Rõ ràng là với thế giới quan Phật giáo, khi chúng ta dành rất nhiều thời gian và công sức cho công việc của chúng ta, nó có tác động nghiêm trọng vào thân và tâm của chúng ta. Và phần đông mọi người trong thế giới đều làm việc, và công việc cũng rất nhiều. Tác giả cho thấy một ví dụ về một người làm việc tại một lò mổ, và ngạc nhiên một cách khủng khiếp về sự biến đổi tâm lý của người ấy ngay sau khi giết hại chúng sanh như thế nào. Ông ta cũng cung cấp một số liệu thống kê rằng 66% công nhân lò mổ có vấn đề về tâm thần nghiêm trọng.[3] Và lò mổ đó chỉ là một hạt cát trong bãi cát: có hàng triệu việc làm tạo nên sự tổn thương khó có thể phục hồi bên trong bản chất của chúng ta, che khuất tâm trí của chúng ta, và leo thang đau khổ cho chúng ta. Đó là lý do tại sao các khái niệm về Chánh mạng là rất quan trọng, và ngày càng nhiều Phật tử trên thế giới từ bỏ công việc cũ của họ vì lý do đó.
 Đạo phần của Chánh mạng ngụ ý những gì là sai (hoặc tà mạng) tạo ra cuộc sống trong những hoàn cảnh như vậy, và cuối cùng sẽ cản trở bạn trên con đường đến giác ngộ. Đức Phật nói rằng: "Và này các Tỳ kheo, Chánh mạng là gì? Có trường hợp một đệ tử của những người cao quý, đã từ bỏ nghề nghiệp bất thiện, nuôi thân mạng của mình với Chánh mạng: Như thế, Tỳ kheo, đây được gọi là Chánh mạng.[4] Người ta phải xác quyết rằng nghề nghiệp mình là đúng đắn: hợp pháp, hòa bình, lương thiện, và không có hậu quả gây hại cho chính mình và các chúng sanh khác.
 Đức Phật đã chỉ ra năm loại hoạt động gây nguy hại nhất khi tham gia vào:
1) Những hoạt động liên quan đến việc sản xuất và bán súng, cũng như các loại vũ khí hủy diệt.
2) Những hoạt động liên quan đến việc mua bán các chúng sinh khác, chẳng hạn như buôn bán nô lệ, hoặc mại dâm.
3) Những hoạt động liên quan đến việc sản xuất thịt, vì nghề nghiệp này cần giết một chúng sanh.
4) Những hoạt động liên quan đến các chất độc hại, gây ảnh hưởng đến trạng thái của ý thức chúng ta, chẳng hạn như ma túy và rượu.
5) Những hoạt động liên quan đến việc sản xuất hoặc bán các chất độc, được tạo ra để giết hại; ngay trong thời của Đức Phật Gautama, có một nghề như vậy: một người hành nghề này có thể đi mua thuốc độc cho một vụ giết người.[5]
 Sangharashita phân tích rằng ngay cả một mối quan hệ nhẹ đối những hoạt động này cũng không tránh khỏi bất thiện nghiệp. Ví dụ, bạn có thể chỉ có một phần trăm cổ phần trong một công ty vật lý sản xuất hoặc cất chứa vũ khí hạt nhân không đáng kể, và do đó bạn vẫn chịu trách nhiệm đối với điều đó, bạn chính là người trợ giúp sản xuất vũ khí hạt nhân; như thế, từ quan điểm của Phật giáo, bạn đang bước trên con đường sai lầm.[6]
 Những nghề nghiệp bất thiện khác mà Đức Phật đề cập đến là giao dịch với sự lường gạt (hoặc dùng trò ảo thuật), dối trá (ví dụ, đưa ra rất nhiều tin tức không trung thực được loan tải ngày nay, về các chính trị…), cho vay nặng lãi (như cửa hiệu cầm đồ), và làm thầy tiên tri (thầy bói, nhà chiêm tinh).[7] Ngay cả những nghề diễn kịch cũng không được Đức Phật chấp nhận khi Ngài trả lời những câu hỏi của một diễn viên; Ngài nói rằng nghề diễn kịch không thể đi đến cõi hạnh phúc, nhưng, thực tế, đi xuống cõi đau khổ bởi vì phần nhiều họ chỉ góp phần đối với suy thoái của người khác, chia sẻ tính chất hư ảo của họ đối với khán giả.[8] Tuy nhiên, về cơ bản, bất kỳ nghề nghiệp nào vi phạm các nguyên tắc của Chánh nghiệp và Chánh ngữ, hoặc có những tác hại đối với bất kỳ ai được coi là Tà mạng đối với Phật tử.
 Sau khi hiểu rõ khái niệm về Chánh mạng, chúng ta nên cố gắng ứng dụng nó vào thế giới hiện đại, bởi vì xã hội đã bước qua những thay đổi lớn về kinh tế kể từ thế kỷ thứ năm trước kỷ nguyên. Sangharashita giúp chúng ta với điều đó bằng cách chia khái niệm này thành ba phần: Công việc, nghề nghiệp, và thời gian.[9]
 Theo đây, công việc có thể được chia thành bốn loại: Loại công việc thứ nhất là có hại cho người khác, như chúng ta đã thảo luận ở trên - chúng không thể là chân chính trong mọi trường hợp. Loại thứ hai thì không phải là công việc tiêu cực, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến người khác một cách bất thiện, nuôi dưỡng những cảm xúc tàn phá, chắng hạn như tham lam, đó là công việc của các nhà quảng cáo, gửi những thư rác trên Internet và v.v... Loại thứ ba là những công việc có thể được chuyển hóa thành một phương tiện chân chính nếu chúng ta thực hiện một vài nỗ lực, ví dụ như một điều gì đó thông thường như làm việc trong văn phòng với tư cách là một người quản lý. Loại cuối cùng là những công việc không đòi hỏi  nhiều áp lực tinh thần lắm, đó là những công việc giản đơn, và Sangharashita khuyến khích những khía cạnh tốt cho Phật tử để không đánh mất năng lực nhằm thích ứng với việc thực tập thiền.[10]
 Đối với nghề nghiệp, Sangharashita định nghĩa nó là "một phương tiện sinh kế, nuôi thân mạng vốn liên quan trực tiếp đến những gì mà người ta coi là tầm quan trọng nhất trong đời sống của con người."[11] Nó là khuynh hướng khi người ta xem nghề nghiệp của ông ấy, bà ấy là một niềm vui, chứ không phải vất vả. Điều này hy hữu và chỉ cá thể, nhưng nó thực sự là tình trạng hoàn hảo mà chúng ta đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Phật giáo.
 Phạm vi thời gian là khoảng bao nhiêu thời gian để làm một công việc nào đó từ người làm việc và có giá trị đối với nó. Thông thường sự tham lam tiền bạc và mọi thứ  (như sản phẩm của Apple đã trở thành sự ham muốn và nỗi ám ảnh trong thời đại chúng ta) che lấp tâm trí của chúng ta, và chúng ta cống hiến chính mình cho tiến trình tạo ra đồng tiền tiếp tục, điều này chỉ đem đến cho chúng ta sự căng thẳng với của cải vật chất không ngừng áp đặt chúng ta từ màn hình TV, Internet và rất nhiều đồng nghiệp và bạn bè của chúng ta đã rơi vào làn sóng năng suất 'thành công'. Khi làm việc, đặc biệt một điều là không thực sự có bất cứ điều gì tốt cho thế giới này, chỉ là đánh mất tất cả năng lực của cá nhân, người ấy không thể trở thành một Phật tử, vì con đường của Bồ Tát đòi hỏi rất nhiều sự cống hiến.
 Nền kinh tế toàn cầu của chúng ta làm phức tạp thêm các biện pháp phòng ngừa để không gây hại cho người khác. Ví dụ, bạn phải làm việc trong một xưởng chế biến gây tổn hại đến môi trường, làm việc trong nhà máy chế biến thức ăn động vật, làm việc trong một công ty sản xuất bia và rượu, làm việc trong một công ty khai thác sức lao động của người khác, làm việc cho một tập đoàn cạnh tranh sản phẩm…Vì để nuôi thân và gia đình và không còn sự chọn lựa nào hơn, chúng ta phải tiếp tục. Tuy nhiên, đừng quên rằng chúng ta phải chịu hành vi cho những gì mình làm. Nếu chúng ta ý thức rằng tất cả chúng sanh đều có sự liên kết với nhau, chúng ta tìm cách khác để tách mình từ bất cứ điều gì ‘bất tịnh’ là không thể, và không thực sự là thiện nghiệp; như thế, chúng ta mới không làm thương tổn lòng từ bi của chính mình. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: "Để thực hành Chánh mạng (samyag ajiva), bạn phải tìm một cách để kiếm sống mà không gây hại đến lý tưởng từ bi của mình. Phương cách mà bạn nuôi dưỡng cho mình có thể là một biểu hiện của tự ngã sâu thẳm nhất của bạn, hoặc nó có thể là một nguồn đau khổ cho bạn và những người khác. "... Nghề nghiệp của chúng ta có thể nuôi dưỡng sự hiểu biết và lòng từ bi của chúng ta, hoặc làm tiêu mòn chúng. Chúng ta nên ý thức đối với những hệ quả, xa và gần trong cách sinh kế chúng ta.[12]   
            Như thế, đối với hàng Phật tử, cự tuyệt với Tà mạng, với những gì gây tổn hại mọi loài, với phương châm từ bi thì mới gọi là người có đời sống Chánh mạng. Nuôi dưỡng bản thân và gia đình không phải trên sự đau khổ của các chúng sanh khác, đó là ý thức sống, và sống có ý nghĩa cho mình và người. Cao hơn Đức Phật cũng khuyên hàng xuất gia ngoài việc nuôi dưỡng thân mạng bằng hạnh khất thực, Ngài cũng nhấn mạnh đến việc nuôi duỡng tâm bằng việc ly dục, chánh niệm, tu tập Thánh đạo đạt đến tâm cao thượng siêu việt, như kinh Mahācattārīsaka thuộc Majjhima Nikaya đã phân tích như sau:  
"Và chánh mạng là gì?... có hai loại: Có Thế gian chánh mạng, có phước báo, kết quả đạt được;  Có Xuất thế gian chánh mạng, vô lậu, siêu việt, yếu tố của Thánh đạo.
"Và Thế gian chánh mạng, có phước báo, kết quả đạt được là như thế nào? trường hợp một đệ tử của những người quý tộc từ bỏ Tà mạng và duy trì cuộc sống của mình với sinh kế đúng. Đây là Chánh mạng có phước báo, có kết quả đạt được.
 "Và Xuất thế gian chánh mạng, vô lậu, siêu việt, yếu tố của Thánh đạo là như thế nào? Ly dục, tiết chế, xả ly, lìa Tà mạng, tu tập phát triển con đường Thánh đạo với tâm cao thượng, tâm không còn hữu lậu, đó là người là hoàn toàn chứng đạt Thánh đạo cao quý.”[13]  



[1] Sangharakshita, The Buddha’s Noble Eightfold Path, p.58-59
[2] Ibid…, p.61-62
[3] Ibid…, p.63
[4] SN 45.8, Magga-vibhanga Sutta: An Analysis of the Path
[5] AN5:177,  Vanijja Sutta, Business (Wrong Livelihood)
[6] Sangharakshita, The Buddha’s Noble Eightfold Path, p.65
[7] MN 117, Maha-cattarisaka Sutta: The Great Forty
[8]Sangharakshita, The Buddha’s Noble Eightfold Path, p.65-66
[9] Ibid…
[10] Ibid…
[11] Ibid…
[12] The Heart of the Buddha's Teaching, Parallax Press, 1998, p. 104
[13] MN 117, Maha-cattarisaka Sutta: The Great Forty

No comments:

Post a Comment

  • Sister Tinh Quang Quotes 10

    Sister Tinh Quang Quotes 10

    05/05/2016 - 0 Nhận xét

    No-mind is one of the ways to enter inner…

  • Sister Tinh Quang Quotes 39

    Sister Tinh Quang Quotes 39

    28/05/2016 - 0 Nhận xét

    The sky is always so beautiful not because of…

  •  ANATTA (selflessness) – ELEMENTS OF SKANDHAS AND DHARMAS

    ANATTA (selflessness) – ELEMENTS OF SKANDHAS AND DHARMAS

    11/02/2017 - 0 Nhận xét

    Thich Nu Tinh…

  • RIGHT EFFORT (samyak-vyāyāma / sammā-vāyāma)

    RIGHT EFFORT (samyak-vyāyāma / sammā-vāyāma)

    12/02/2017 - 0 Nhận xét

    Thich Nu Tinh Quang  Right Effort…

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States