Thế giới và nhân sinh được khởi nguồn từ Không (Śūnyatā). Từ chân Không mới có sum la vạn tượng. Tâm thức của chúng ta cũng thế, vì khởi niệm phân biệt nên mới có tâm, nếu không khởi niệm thì tâm và vật đâu hiện hữu.
Một lần, trong Pháp hội ngài A Nan hỏi Đức Phật:”Thưa Thế Tôn, Thế giới mà Ngài nói là trống rỗng (không) thuộc về những gì? Đức Phật trả lời:”Thế giới trống rỗng là tự ngã và những gì quan hệ với tự ngã” (suññam idaṃ attena vā attaniyena vā).
Như thế Đức Phật đã từ chối một bản ngã, sự hiện hữu của bản ngã đồng nhất với thế giới. Trong tất cả tình huống, thực chất bản ngã chỉ là một mặt nạ bên ngoài, bên trong nó chỉ là trống rỗng, không phải là thực hữu.
Trong cấu trúc dữ liệu của thuật số đơn giản nhất của đương đại, những tập hợp được khởi nguồn từ empty set. Tất cả khái niệm về con số nếu được quan sát từ ‘tâm’ thì chúng chỉ là những tập hợp trống rỗng, duyên khởi cho những số tiếp diễn:
0 = {} (empty set)
1 = {0} = { {} }
2 = {0,1} = { {}, { {} } }
3 = {0,1,2} = {{}, { {} }, { {}, { {} } }}
4 = {0,1,2,3} = { {}, { {} }, { {}, { {} } }, {{}, { {} }, { {}, { {} } }} }
Với sự biến kế của nhận thức, chúng ta có những con số bất tận, nhưng là căn nguyên của những tập rỗng. Với sự có mặt của bản ngã, nên mới có thế giới sai biệt: sinh, diệt, mất, còn, khổ, vui v.v..., thực chất, bản chất của các pháp chẳng là gì, chỉ có tự ngã thấy nó như thực.
Nếu bản ngã là thực, tại sao nó lại có sinh và diệt, đến rồi đi…Như khi chúng ta nhìn một bông hoa thì tự ngã sinh và diệt, yêu và ghét khi hoa nở hoa tàn.
Thựctại vẫn xoay trong thể tịch lặng, chỉ có tự ngã theo duyên khởi, thế nên tự ngã chắng là cái chi chi, nó chỉ là tập hợp rỗng, chứa tất cả khái niệm chấp thủ tưởng như thật.
Ngài Long Thọ phủ định các cặp phạm trù chấp thủ với bát bất như sau:
“Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hý luận…”
Như thế, tất cả hiện tượng chẳng có sinh, diệt, thường, đoạn; cũng chẳng có một hay hai, đến hay đi…vì tất chúng chỉ là duyên khởi. “Thấy được duyên khởi, là thấy Pháp.” (Đức Phật)
Nếu không thấy duyên khởi, không thấy được thực tại thế giới là Không, hay nhận ra bản ngã trống rỗng, chúng ta bất chợt thấy mình là ‘vĩ đại’, và rồi bất chợt thấy mình là ‘thấp hèn’, rồi bất chợt ‘vui’, bất chợt ‘buồn’… cứ mãi ngỡ bản ngã là thật…rồi cứ sinh và diệt tiếp nối, chẳng biết khi nào mới khỏi phiền não vì những tập hợp ràng buộc với cái ‘ta’ trống rỗng.
Thấy ‘ta’ chẳng phải là ‘ta’ thì chúng ta mới thoát khỏi được sự nô lệ ảo tưởng với tâm thức của mình về thế giới mà chúng ta đang sống.
TNTQ
No comments:
Post a Comment