Có một
điều mà không ai không thích: cái thực, cái đẹp. Cái thực và cái đẹp tìm ở đâu?
nơi ta? nơi người? Đời này có ai thực sự tìm được cái thật cái đẹp cho mình
chưa?
Đi
tìm cái đẹp bên ngoài có thực sự là hoàn toàn đẹp? Và cái đẹp ấy có bền không?
Đi tìm cái thực, không bị méo mó ở đâu? Cái thực ấy được bao lâu? Thực là thực
như thế nào? Cái đẹp và cái thật chỉ ở trong lòng người, không thay đổi, và
chúng có thể là mãi mãi với ý tưởng của chúng ta không?
Một
đứa trẻ theo mẹ đi chùa, thích ăn chay, phóng sanh, giúp người, thương vật…vài
năm sau lớn lên, lấy vợ, theo vợ, theo đạo khác không còn tánh thiện, sát sinh,
câu cá…,thiện tâm, cái đẹp hôm nao giờ đây biến mất, vô thường…!
Vậy
thì tất cả tướng bên ngoài mà chúng ta thấy đều là ‘phi tướng’, cái tướng chẳng
thực, không thể xác định, thay đổi không ngờ.
Tất
cả các hình tướng thể hiện không có một định luật cố định. Hẳn nhiên, chủ thể
nhận thức cũng không phải ngoại lệ. Chủ và khách trong một phối cảnh tương ưng
và bất tương ưng. Tương ưng vì ở trong hoàn cảnh của một định đề; bất tương ưng
vì hằng chuyển.
Một
định đề được xác định là đúng là hay khi nó nêu lên hay thể hiện khả tính của vấn
đề cần có. Chủ thể (vấn đề) và khách thể (ý niệm) đều tương tác một cách chặt
chẽ. Mặt khác, một định đề đưa ra, không phù hợp với nhận thức; hoặc một định đề
với bố cục không thể xác định, coi như là bất tương ưng pháp.
Nhìn
các sự tướng bằng ý niệm hay cái nhìn từ ta, chúng sẽ cho ra cảm thọ khổ - lạc
dựa theo ngoại cảnh. Nếu cái nhìn chỉ là nhìn hay cái thấy sự tướng là phi tướng,
chúng ta sẽ không bị cái ‘đẹp’ hay cái ‘thật’ dẫn dắt chúng ta lang thang; đối
với âm thanh cũng thế. Tham “tiếng vỗ của bàn tay” rồi cái nghe chẳng có chi để
mà nghe cả, chỉ cười, ngộ.
Thực
tướng của cái đẹp và thực là ‘không ngờ’, nhưng bổn lai của chúng vẫn là ‘tịch
diệt’, vắng lặng, chỉ vì ‘duyên’ nên mới có hình trạng và biểu hiện thay đổi.
Thấy sự tướng từ tâm rỗng rang vắng lặng, tướng không ngoài thể, phiền não từ
đâu mà sinh khởi (?)
Kinh
nói rằng, tất cả chúng sinh Phật tánh vốn đồng, chỉ một niệm bất giác khởi nên
mới trôi lăn; nếu cái nhìn không có trôi lăn tức là Phật. Phật tánh vốn đã sẵn,
như cơ thể có 75% nước, chỉ biết rằng mình vốn là nước, chứ chẳng phải trải qua
hay ‘chứng’ hay ‘đắc’ được cái thể nước trong người mình.
Ngộ
được cái ‘đẹp’ và cái ‘thực’ là hằng chuyển động trong thể tịnh lặng, bổn lai sự
tướng là vậy mà nói với ai để tương ưng, để nghe được lời mà không lời… lúc này
chỉ có thể “trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” hay như tiếng sói hú thăm thẳm
trong rừng sâu giữa màn đêm cô tịch, giữa bốn bề lạnh lẽo băng tuyết; nơi đây
cái ‘đẹp’ và ‘thực’ tương ngộ trong ý niệm tự tại, siêu thoát.
TNTQ
No comments:
Post a Comment