Hành
uẩn ( Sa: Samskara, Pa:sankhara) được đề cập nhiều trong lời dạy của Đức Phật.
Trong chuỗi 12 nhân duyên, chi Hành ở vị trí thứ hai; trong 5 uẩn (skandha),
hành uẩn nhóm khởi thứ tư. Tuy là nhóm uẩn thứ tư, nhưng hành uẩn có khả năng
dẫn khởi tác nghiệp phiền não trong tiến trình tư duy nhận thức. Nhận thức đưa
tới sự nô lệ hay sự tự do của chúng ta đều tùy thuộc vào Hành uẩn hay niệm
khởi.
Sankhara
(hành) là nhận thức ảnh tượng của tâm niệm, duyên khởi, ý hướng, nhân tố khởi
động, là năng lượng hình thành nhận thức hay thói quen, nó liên kết chặt chẽ
với Nghiệp (Karma).Theo Ngài Bhikkhu Bodhi, từ sankhara (samskara) có nguồn gốc
từ tiền tố ‘sam’, nghĩa là 'cùng nhau' (together), kết với danh từ kara là tạo,
làm (doing, making). Như thế, Sankharas là 'đồng hành, đồng khởi, đồng nghiệp',
là những điều được tạo ra bởi sự kết hợp của những điều khác.
Kết
nối từ thị giác sắc uẩn (rupa), thọ uẩn (vedana) và tưởng uẩn (saṃjñā ), hành
uẩn là điều kiện duy trì tác tác động tâm - vậy lý của nhóm 5 uẩn (skandha), để
hình thành thức uẩn (vijñāna): nhận thức, phân biệt, đặc trưng của một cá nhân.
Sankhara
như một cây cầu nối liền giữa tiến trình vật lý và tâm lý, một chức năng vận
hành giữa sắc pháp, cảm thọ và khởi tưởng để kết thành nhận thức thuần túy. Như
khi nhìn một chiếc là bay (sắc), ta có cảm giác (thọ) thích , rồi nghĩ (tưởng)
về chiếc lá, và sự nghĩ tưởng ấy được duy trì và vận hành tương tục với những
niệm khởi bất tận, rồi phát sinh ra phân biệt, định kiến hay thành kiến của
nhận thức hay tư duy phiến diện một cách chủ quan.
Với
sự kết nối của skandhas để tạo ra kinh nghiệm hay điều kiện tâm lý của chúng
ta, mỗi chức năng của skandhas không có tác dụng gì nếu không có sự kết hợp
đồng thời. Trong hệ thống tâm lý này, hầu hết hành động chủ ý của chúng ta đều
bị samskara (hành) điều khiển. Và hành động này cũng là lực thúc đẩy để tạo nên
Nghiệp (Karma).
Trong
triết lý Yogacara (Duy Thức học) của Phật giáo Đại thừa, samskara là những ấn
tượng huân tập trong tiềm thức hoặc alaya-vijnana (sa. Ālayavijñāna 阿賴耶識). Hạt giống chủng tử của tâm hành tương tục khởi động, luôn
chuyển biến như dòng nước mãi tuôn chảy (恒轉如瀑流)
và với những hạt giống luôn biến chuyển này đã tạo thành Hoặc-Nghiệp-Khổ trong
12 duyên khởi luân chuyển trong quỹ đạo sống chết. Mười hai liên kết này cũng
là vòng tròn hoạt động của tinh thần dẫn đến ưu bi đau khổ.
Khởi
đầu của duyên khởi (Paticcasamuppada) là avidya (vô minh). Avidya là sự thiếu
hiểu biết về bản chất của thực tại, từ sự thiếu hiểu biết này dẫn đến samskara
(hành)-niệm khởi, chấp thủ ý tưởng về tâm và pháp, tạo thành Nghiệp hay nghiệp
thức (vijnana), từ đây sinh khởi nama-rupa (danh sắc), và bắt đầu cho cái tôi,
tự ngã…ái (tanha), thủ (upadàna)… sinh (Jati): lão tử (Jaramrana)-chu trình đau
khổ.
Như
thế Samskara là những điều kiện tạo thành Vijnana (thức) phân biệt trong nhóm 5
uẩn và trong tiến trình thập nhị nhân duyên. Tâm hành samskara là điều kiện dẫn
khởi tương tục cho nhận thức phân biệt, chấp thủ, vắng mặt Samkara là sự tan rã
của nhóm skandhas (uẩn/ấm) hay một tập thể của paticcasamuppada (duyên sinh).
Khi
con mắt chúng ta thấy một nụ hoa (rupa), ta có cảm giác thích, ghét hay vô cảm
với nó (vedana) từ hệ thống kích hoạt dopamine, noradrenaline, và serotonin của
khu thần kinh limbic xuyên qua sự trải nghiệm tâm sinh lý phức tạp của trạng
thái tâm trí cá nhân khi nó tương tác với các ảnh hưởng sinh hóa (bên trong) và
môi trường (bên ngoài); khi hệ thống kích hoạt cao, cerebral cortex có độ rung
nhất định tạo ra những ý tưởng tích cực (hay tiêu cực) cao hơn cảm giác (saṃjñā),
bên dưới hệ thống thần kinh trải nghiệm tự động, sự phát sinh samskara-hành
khởi của tâm để duy trì trạng thái ý tưởng (saṃjñā) một cách tương tục. Ta
thích một nụ hoa, ta có ý tưởng về nụ hoa, nhưng để những nụ hoa ấy trở nên
hằng hữu phải có sự có mặt của hành uẩn Samskara hay bộ nhớ tham chiếu
(reference memory), khi tâm hành khởi động, kinh nghiệm nhận thức, phân biệt
/vijñāna từ frontal lobes theo đó mà tác thành đối với ảnh tượng của nụ
hoa/kinh nghiệm bên trong của tự ngã (nama-rupa); như thế với tiến trình
skandhas, đã hình thành đặc tính cố hữu của cá nhân hay một chúng sinh.
Với
đặc tính cố hữu từ những Uẩn này, chúng ta đã đồng nhất mình với nhận thức của
đau khổ hay hạnh phúc theo tiến trình sinh khởi tương tục của samskara. Và để
không còn lệ thuộc vào tâm hành này, chúng ta cần nhận diện nó, chú ý sự sinh
khởi của nó, chứ không phải cắt đứt samskara. Chúng ta không thể chặn một dòng
thác đang chảy miên man, chúng ta chỉ nhìn nó, và không lao vào nó, hay cuốn
vào nó. Nhìn vào sự sinh khởi của samskara phiền não như nhìn những khách trần
bên ngoài, biết chúng là vọng, không phải là thuộc hữu bên trong, đó là sự giải
thoát.
Chúng
ta không thể đóng kín các giác quan của sắc (rupa) trần hay cảm thọ (vedana),
hành khởi có phạm vị đặc thù của nghiệp khởi. Thử nhìn một người mù và điếc, dù
không thấy nghe, nhưng sự suy tưởng (saṃjñā) của họ đôi khi còn cao hơn chúng
ta, họ vẫn nói cười một mình, luôn nghĩ tưởng và bị cuốn theo tâm hành
samskara, và đôi khi sự cố chấp (vijñāna) của họ cao hơn một người bình thường
đầy đủ tất cả các giác quan.
Như
thế, phiền não, vọng tưởng là những thói quen từ tâm hành duyên khởi. Nhận diện
tâm hành là sự chú tâm hay theo dõi dòng niệm khởi samskara:
“Và
những gì khiến tăng trưởng sự chú tâm … đưa đến chánh niệm và tỉnh giác? Tỳ
kheo, nhận biết cảm thọ khi chúng phát sinh, nhận biết khi chúng tồn tại, nhận
biết khi chúng lắng xuống… Nhận biết ý nghĩ khi chúng nảy sinh, khi chúng tồn
tại, khi chúng lắng xuống. Đây là sự phát triển của sự chú tâm mà khi được tu
tập và tăng trưởng sẽ đưa đến chánh niệm & sự tỉnh giác.” (katamā ca,
bhikkhave, samādhi•bhāvanā bhāvitā bahulīkatā sati•sampajaññāya saṃvattati?
idha, bhikkhave, bhikkhuno viditā vedanā uppajjanti, viditā upaṭṭhahanti,
viditā abbhatthaṃ gacchanti; viditā saññā uppajjanti, viditā upaṭṭhahanti,
viditā abbhatthaṃ gacchanti; viditā vitakkā uppajjanti, viditā upaṭṭhahanti,
viditā abbhatthaṃ gacchanti. ayaṃ, bhikkhave, samādhi•bhāvanā bhāvitā
bahulīkatā sati•sampajaññāya saṃvattati./Samādhibhāvanā Sutta/AN 4.41).
Chánh
niệm, tỉnh giác cũng là một tên gọi khác của định lực-năng lực giải thoát phiền
não. Nhận biết tâm hành samskara, nhận rõ những sự tiếp nối của ý tưởng phát
sinh, như nhìn những ánh nắng chập chờn giữa vườn cây, chúng ta sẽ nhận ra sự
chóng vánh và hư huyễn, không thể nắm bắt hay ghi nhận đâu là thực ảnh của ý
nghĩ. Chỉ cần nhìn, chứ không đồng nhất mình với nó, đó là một sự tỉnh giác,
không còn ràng buộc hay hệ lụy từ niệm khởi tương tục, không cần phải qua một
quá trình dài luyện công để đối trị phiền não, chúng ta vẫn đạt được tự do thực
sự ngay nơi ảo tưởng của chính mình. Kinh Viên Giác nói: “Biết huyễn liền buông
đâu cần phương tiện, lìa huyễn liền giác không cần thứ lớp” (知幻即离,不假方便;离幻即觉,亦无渐次/圆觉经).
TNTQ
No comments:
Post a Comment