Sau bốn mươi chín ngày đêm tham thiền nhập định, Đức Phật đã chứng Đạo, chấm dứt hoàn toàn vọng tưởng, giác ngộ tự tâm trong sáng viên mãn, đầy đủ bi trí, được xưng là Phật. Bài pháp đầu tiên Ngài giảng dạy cho năm anh em Kiều Trần Như đó là Tứ diệu đế, một bài pháp với ‘tam chuyển thập nhị hành’ mà năm vị này nghe xong liền chứng đắc A-la-hán (Thánh quả không còn sinh tử).
Trong bài pháp này, Đức Phật chỉ đề cập đến kinh nghiệm của khổ, nguyên nhân khổ, và con đường chấm dứt khổ và Thánh đạo Vô ngã. Chân lý đầu tiên đơn giản, mộc mạc, và một bậc Thầy Vô thượng trao truyền cho đệ tử chân thành chỉ chừng ấy. Hàng nghìn năm sau, hình tượng và bài pháp thoại đầu tiên này trở thành đề tài ngút ngàn vi diệu, ai cũng hiểu, nhưng năng lượng giải thoát của một Bậc Thầy vĩ đại và những vị học trò tương ưng tâm như thế quả thực hy hữu.
Trong bốn mươi chín năm thuyết pháp, lời của Ngài được Đức A-Nan (thị giả) ghi nhớ nằm lòng. Sau ba tháng Phật nhập diệt, giáo pháp của Đức Bổn sư được Đức A-Nan trùng tuyên vào lần kiết tập đầu tiên. Những vị có mặt trong kỳ kiết tập này ghi nhớ lời Phật và truyền khẩu từ thầy xuống trò.
100 năm sau Phật nhập diệt, vì sự bất đồng quan điểm về giới luật, giáo pháp được kiết tập lần thứ hai; trong kỳ kiết tập này, cũng vì sự bất đồng đó mà Tăng sĩ chia làm hai: Thượng toạ phái (bảo thủ) và Đại chúng phái (cấp tiến); vào giai đoạn này, giáo pháp vẫn còn truyền khẩu, chưa có kinh văn.
Vào thế kỷ thứ 3 B.C.E, nhằm thời của Đại đế A-Dục, vì bất đồng về dị giáo, giáo pháp được kiết tập lần thứ ba, giáo pháp được trùng tuyên bằng tiếng Pali dựa trên ngôn ngữ Magadhi được nói bởi Đức Phật. Một số học giả cho rằng trong khoảng thời gian đầu của Kỷ nguyên, dưới thời Kuṣāṇas (30-375) Phật tử ở phía Tây bắc Ấn Độ đã sử dụng tiếng Sanskrit như ngôn ngữ chung của họ. Trước đó đã có một quá trình Sanskrit hóa (sanskritization), đặc biệt là với Gāndhārī (cổ ngữ Ấn Độ).
Cuối thế kỷ 1 B.C.E, cách Phật hơn 500 năm, kỳ kiết tập lần thứ tư diễn ra để bảo tồn giáo pháp, trong thời kỳ này Tam tạng được hình thành sơ khởi, giáo pháp được ghi bằng văn bản chữ viết trên lá cọ.
Như thế hơn 500 năm, giáo pháp được truyền khẩu từ thầy xuống trò, trong vòng 5 thế kỷ dài lâu chúng ta mới có chữ viết. Khi chúng ta đã có chữ viết, hẳn nhiên giáo pháp được nhìn và đọc nhiều hơn là nghe và nhớ.
Sự nghe và nhớ được truyền thừa từ thầy sang trò đơn giản, nhưng sức ảnh hưởng không phải nhỏ. Giáo pháp như chiếc bè, và ngôn ngữ khi đã trở thành phương tiện, ngày càng nhiều phương tiện phong phú, và vì thế nhiều hệ phái, nhiều chiếc bè đều trôi trên một con sông, và không sao tránh khỏi sự va chạm.
Từ giáo pháp sơ khởi đơn thuần, lăn theo đường ngôn ngữ, trải qua hơn 15 thế kỷ, chúng ta có được 3 kho tàng lớn của kinh-luật-luận của cả Nam truyền và Bắc truyền. Từ một tâm thiền tĩnh đơn sơ, bây giờ trở thành một rừng ngôn ngữ, ngôn ngữ là một phương tiện, ngôn ngữ ngày càng thăng hoa theo thời đại, và kinh văn cũng theo đường phương tiện, bay bổng và nhiều hơn.
Giáo pháp (lời dạy) như chiếc bè, chiếc bè ấy thông qua chữ viết, kê theo kinh sách, và nhiều thế hệ tiếp nối diễn đạt và phát triển thêm cho phù hợp, đến bây giờ chúng ta có được ‘gia tài đồ sộ’ ấy.
Và chúng ta làm gì với ‘gia tài đồ sộ’ này, hay chỉ để ngắm và để nói?
Khi chữ viết ngày càng lên ngôi cũng là lúc sự thuần túy ngày càng bị che khuất. Đó là lý do Đức Phật nói rằng: “Trong 49 năm ta chưa nói một lời.” Có lẽ Ngài đã tiên tri cơ sự.
Vào đầu thế kỷ 5, Đức Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc truyền giáo (giai đoạn này Phật giáo Đại thừa phát triển rực rỡ tại Trung Quốc), ở thời kỳ này ngôn ngữ, văn chương, văn học phát triển rực rỡ tại đây, nơi một nước lấy nền văn minh kinh điển của Phật giáo làm quốc giáo, nhưng Ngài chỉ truyền: “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm…” là một điều lạ! Tại sao văn tự là ‘giáo ngoại’, ngoài giáo pháp (?) Có lẽ ngài nhận ra cái thị hiếu, lầm chấp, ảo tưởng của con người đối với chữ nghĩa phát triển, nhận lầm chân lý là chiếc bè, mà quên đi cái tâm tịch lặng hiện tiền của mình. Khi vua Lương hỏi việc công đức của mình làm đối với Phật giáo, Ngài trả lới “không có công đức.” (mà làm sao có công đức, có tu tâm tánh đâu, thân vốn không thì hai chữ công đức dựa vào đâu (?)). Trong một xã hội tôn giáo chỉ tôn vinh bề mặt, tôn vinh chân lý qua chữ nghĩa, ngài lặng thầm quay mặt vào vách 9 năm, tự tình với chiếc bóng thầm lặng.
Kinh điển và chữ nghĩa quá hay, đến đời Thiền tổ thứ năm Tăng chúng cũng còn nhầm lẫn thuyết giáo. Khi ngài Thần Tú trình thi kệ nói rằng ‘tâm là cội bồ đề, là đài gương sáng phải lau chùi luôn luôn, đừng để nó bám bụi.’ Nhưng đối với người không biết chữ, chỉ lo giã gạo và nghe kinh Kim cương mà ngộ ra rằng ‘tâm (hay tánh) không phải là một cái cội hay cái đài gì đó, xưa nay nó không phải là vật thì lấy gì nhiễm trần!” Một người chữ nghĩa giỏi, luôn nhắc mình tu cho giỏi, quét đi bụi bặm dơ dáy… làm mô phạm cho đời; một người thì quê mùa, chỉ biết trú với tâm chẳng có hình tướng thì làm gì mà có bụi bặm! Thực vậy, tâm như không khí, không hình tướng làm sao mà quét. Ngay như chiếc xe mới ken, có hình tướng mà chúng ta cứ cầm cây chủi để phủi qua phủi lại hoài là có vấn đề tâm bệnh rồi còn gì.
Cái bệnh này truyền thừa tới bây giờ, cứ chấp ngôn ngữ là hình tướng giống như cái gì đó, đưa chúng ta tới bờ chân lý. Nói tràng giang đại hải, viết tràng giang đại hải cho nhiều để làm gì? Mấy người đọc? Ai rảnh đọc? Nói tâm chẳng ai hiểu. Lên FB mấy ai thích, likes thật bao nhiêu? Likes ảo bao nhiêu? Mà người likes thật có thật lòng likes không? Xã hội và Tôn giáo ở trong ảo tưởng của number 1, number likes.
Truyền thuyết cho rằng trên hội Linh Sơn Đức Phật ‘dĩ tâm truyền tâm’, ngài im lặng, chỉ đưa một cành hoa sen lên và chỉ có Ca Diếp hiểu và mỉm cười. Ngày nay chúng ta nói nhiều, viết nhiều, chữ nghĩa nhiều, thư viện nhiều, và rồi ảo nhiều quá. Chúng ta chấp cái ảo làm thực, ta cứ nghĩ danh là thực, với Đức Phật thì đó chỉ là hư (dối) danh. Danh như khói, được lan truyền từ lời nói và chữ viết, với bóng dáng và mặt mũi của tự ngã được lồng trong chữ Không, và ta chấp làm thực, thực chất thì hư huyễn vô cùng.
Và cái ‘chứng’ cũng vậy, chỉ là dụ thôi, dụ cho ‘xe trâu xe dê’ để mình theo đó mà đi cho khỏi bị ‘cháy’ đời, và hiện trú nơi bản tâm vô niệm tịch lặng để không bị cái ảo che mắt mà thôi.
Về với thuở sơ khai, nơi không còn nô lệ cho ngôn ngữ, người ta mới có thể thấy được bản tâm thuần tịnh của mình. Ai đó nói rằng tu cao, tu giỏi, mà không biết tu gì, từ ngày bước chân vào chùa chỉ được thầy tổ o bế, ăn rồi lo học để thành danh, để hoằng pháp, ai cũng kính nể, cái danh to đùng, ai cũng bái lạy, vô ngã ở chỗ nào?
Từ nhỏ tới lớn, sống trong cảnh giàu sang, chưa hề biết đói lạnh, chưa tận cùng của khổ đau, tuổi trẻ hưởng thụ dục lạc thế nhân, làm sao hiểu được thống khổ của kiếp người, làm sao tương ngộ được tha nhân mà nói đạo, hoặc đạt đạo?
Để nhận diện được bổn tâm, để sống với sự sơ khai của Đạo, thiết nghĩ ai cũng phải luôn thẩm vấn lại chính mình.
TNTQ
No comments:
Post a Comment