Cuộc sống chẳng có ý nghĩa khi chúng ta chưa (hay không) thực sự sống với nó một cách hiện thực. Sự tồn tại thực sự là những gì chúng ta đang làm và đang suy nghĩ, không phải là những chủ thuyết phát triển qua thời gian. Sự trải nghiệm ngay bây giờ là thực tế hơn tất cả những lý tưởng trừu tượng nào.
Vũ trụ hằng chuyển một cách vô tư, không cố hữu, không phụ thuộc tôn giáo, thần thánh hay những suy nghĩ của chúng ta. Cuộc sống vốn chẳng có ý nghĩa gì ngoài sự lắp ráp của tư tưởng con người để hình thành nên ý nghĩa của tốt và xấu. Chân lý vốn không có ‘mục đích’, chân lý là khách quan, ý nghĩa hiện tại quan trọng hơn bất kỳ quan niệm nào hình thành trước và sau chúng ta.
Với chủ thuyết siêu nghiệm, con người có niềm tin vào tôn giáo, sự cứu rỗi từ tha lực…với chủ thuyết hư vô, người ta chỉ tập trung vào kinh nghiệm của con người. Trong hư vô tuyệt đối, ý nghĩa và mục đích của đời sống là không có nghĩa ngoài duy lý và sự tiếp xúc trên bình diện nhận thức duy hợp. Một người với ý thức siêu nghiệm, có thể bị bắn bị giết khi đang thành tâm nguyện cầu…và kẻ vô vi chỉ coi tất cả đó là sự răm rủi. Có thể đúng, bởi vì không ai có thể cứu rỗi (hay cứu độ) hắn, cho dù hắn nguyện cầu khan cả họng, tin tưởng ngập cả óc…nhưng quan trọng trong giờ phút cuối hắn có chăng một cõi lòng thanh thản, hay nụ cười gửi lại nhân gian với siêu nghiệm ấy (?)
Sự phi lý của Albert Camus chính là sự vô tận, nụ cười của Sisyphus chính là sự trôi lăn, hạnh phúc của thế gian chỉ là lăn theo hòn đá rồi lăn nó lên lại đồi cao, tự do không phải là lựa chọn mà là không chấp tất cả.
Từ quan điểm, chúng ta có hạnh phúc hay khổ đau. Giữa siêu nghiệm và hư vô, những bông hoa vẫn thản nhiên nở hay tàn; không nhắm đến đích, không suy tư, không vọng, là đang sống.
No comments:
Post a Comment