Saturday, November 23, 2024

Kinh Pháp Cú-Phẩm Pháp Trụ (19)

Ni Sư Tịnh Quang dịch Việt

256) Na tena hoti dhammaṭṭho, yenatthaṃ sāhasā naye;
Yo ca atthaṃ anatthañca, ubho niccheyya paṇḍito. 
256) Không phải người trụ pháp,
Nên vội phán rằng tốt.
Điều ấy đúng và sai,
Người trí xét cả hai.

Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không; tena: bởi vì, do đây; hoti: là (na hoti: không phải là); dhammaṭṭho: người trụ pháp, người tuân thủ pháp (dhammattha-Adj: đứng vững hoặc dựa vào (trụ) Pháp, chánh trực/dhamma: pháp-ṭṭho: người đứng vững, người công chánh ); yena:  điều ấy, người ấy; atthaṃ: điều tốt, có nghĩa lý, phúc lợi (yena + atthaṃ = yenatthaṃ); sāhasā: vội vàng, tùy ý; naye:  phán định, được hướng dẫn; yo:  điều đó ; ca: và; atthaṃ: điều tốt, điều đúng, phúc lợi; anatthañca: và điều sai, và không có nghĩa lý (anattha-N: bất lợi, tổn thất, bất hạnh, tổn thương); ubho: hai bên; niccheyya: nên xác định, điều tra, xét; pandito: người trí, người có học vấn
 
257) Asāhasena dhammena, samena nayatī pare;
Dhammassa gutto medhāvī, ‘dhammaṭṭho’ti pavuccati.
257) Y pháp, không vội vàng,
Công bằng phán xét người.
Người trí bảo vệ Pháp,
Được xưng: “Người trụ pháp”.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
asāhasā: không vội vàng, không tùy ý; dhammena: y pháp, dùng pháp; samena: một cách công bằng, trung lập; nayatī: phán xét, hướng dẫn; pare: người khác; dhammassa: pháp; gutto: bảo hộ, giám hộ; medhāvī: người trí; dhammaṭṭho’ti: “người trụ pháp”, “người tuân thủ pháp”, (dhammattha-Adj: đứng vững hoặc dựa vào (trụ) Pháp, chánh trực/dhamma: pháp-ṭṭho: người đứng vững, người công chánh-ti=iti“ …” câu trích dẫn); pavuccati: được xưng là
 
258) Na tena paṇḍito hoti, yāvatā bahu bhāsati;
Khemī averī abhayo, ‘paṇḍito’ti pavuccati.
258) Không phải là người trí, 
Bởi vì nói quá nhiều.
Tĩnh, không sân, không sợ,
Được gọi là “người trí”.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không; tena: do đây; paṇḍito: người trí; hoti: là (na hoti: không phải là); yāvatā: bởi vì; bahu: quá nhiều; bhāsati: nói; khemī: bình tĩnh; averī: không sân, không oán (averin-Adj: không ghét, không sân hận); abhayo: không sợ hãi; paṇḍito’ti: “người trí” (ti “… ”); pavuccati: được gọi là
 
259) Na tāvatā dhammadharo, yāvatā bahu bhāsati;
Yo ca appampi sutvāna, dhammaṃ kāyena passati;
Sa ve dhammadharo hoti, yo dhammaṃ nappamajjati.
259) Không phải người trì Pháp,
Bởi vì nói quá nhiều.
Ai đó dù nghe ít,
Nhưng tự thân thấy Pháp,
Không buông lung trong Pháp,
Mới thực người trì pháp.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không; tāvatā: do đây; dhammadharo: người trì pháp (dhamma-N: lời dạy của Đức Phật, pháp luật; dhara-Adj: bảo trì, nắm giữ, hiểu biết); yāvatā: bởi vì, chỉ bởi; bahu: quá nhiều; bhāsati: nói; yo: người ấy; ca: và; appam: rất ít, một chút; pi: dù, chỉ; sutvāna: đã nghe; dhammaṃ: pháp; kāyena: nơi tự thân, trực tiếp (kaya-N: thân thể); passati: thấy được, đã thấy (kāyena passati: trực tiếp thấy được; sa: người ấy; ve: quả thực; dhammadharo: người trì pháp; hoti: là; yo: nt; dhammaṃ: pháp; nappamajjati: không buông lung, không phóng dật (yo dhammaṃ nappamajjati: người không buông lung trong Pháp)
 
260) Na tena thero so hoti, yenassa palitaṃ siro;
Paripakko vayo tassa, ‘‘moghajiṇṇo’’ti vuccati.
260) Không phải là Trưởng lão, 
Vì người ấy đầu bạc.
Chỉ với tuổi già nua,
Được gọi: “già luống uổng”.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không; tena: do đây; thero: trưởng lão, cao tăng; so: người ấy; hoti: là; yena: do vì (yena + assa = yenassa); assa: người ấy, nó; palitaṃ: tóc bạc, màu xám (palita-màu xám); siro: đầu; paripakko: già nua, trưởng thành; vayo: tuổi tác, sanh mạng; tassa: người ấy; moghajiṇṇo’ti: “già luống uổng”, “người già vô dụng” (moghajinna-Adj: già đi một cách vô ích/mogha-Adj: phù phiếm, vô dụng; jinna-Adj: cũ, già, kiệt sức); vuccati: được gọi là
 
261) Yamhi saccañca dhammo ca, ahiṃsā saṃyamo damo;
Sa ve vantamalo dhīro, thero’ iti pavuccati.
261) Người chân thật với Pháp,
Không gây hại, tự điều,
Là bậc trí, vô cấu,
Xứng gọi là “Trưởng lão”.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yamhi: người đó, với người như vậy; saccañca: và chân thật (ca: và); dhammo: pháp; ca: nt; ahiṃsā: không gây hại; saṃyamo: tự khắc chế (sajyama-N: sự khắc chế, sự tự chủ); damo: điều phục; sa: người ấy; ve: quả thực; vantamalo: vô cấu (vanta-vứt bỏ, nôn mửa; mala-tạp chất, cấu bẩn, vết bẩn); dhīro: bậc trí, người trí; thero’ iti:  “trưởng lão”; pavuccati: được gọi là
 
262) Na vākkaraṇamattena, vaṇṇapokkharatāya vā;
Sādhurūpo naro hoti, issukī maccharī saṭho.
262) Không phải dùng lời nói,
Hoặc nhan sắc tuyệt đẹp,
Là người thiện-đáng kính,
Nếu đố kỵ, dối, tham.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không (na hoti: không phải là); vākkaraṇamattena: dùng vài lời nói  (vakkaranamatta-Adj: chỉ là ngôn ngữ hành động/vāk-N: ngôn ngữ, lời nói; karana-N: việc làm, hành vi; matta-Adj: một ít, chỉ là, số lượng); vaṇṇapokkharatāya: dùng nhan sắc tuyệt đẹp (vannapokkharata-N: sắc đẹp/vanna-N: nhan sắc, vẻ đẹp; pokkharata-N: rực rỡ, như hoa sen); vā: hoặc; sādhurūpo: đáng kính (sādhu-Adj: thiện, tốt, có đức hạnh; rūpa-N: rūpa-N: màu sắc, dáng vẻ, dung mạo); naro: người; hoti: là; issukī: đố kỵ, ghen tị; maccharī: tham lam, keo kiệt (maccharin-Adj: nhỏ nhen, keo kiệt, ích kỷ, tham lam); saṭho: lừa dối, xảo quyệt (satha-Adj: gian dối, lừa đảo)
 
263) Yassa cetaṃ samucchinnaṃ, mūlaghaccaṃ samūhataṃ;
Sa vantadoso medhāvī, sādhurūpo’ti vuccati.
263) Điều ấy đã cắt đứt,
Đã diệt gốc, loại bỏ,
Người trí xả sân hận,
Xứng gọi: “người đáng kính”.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yassa: người đó; cetaṃ (ca+etam): với điều ấy; samucchinnaṃ: đã cắt đứt, phá hủy; mūlaghaccaṃ: đã hủy diệt từ gốc (mula-N: gốc, nền tảng; ghacca-N: hủy diệt/từ ghan-giết chết, đánh đập); samūhataṃ: đã loại bỏ; sa: người ấy; vantadoso: xả bỏ sân hận, xả bỏ thù hận (vanta-Adj: vứt bỏ, nôn ra; dosa-N: ác ý, hù hận , giận dữ); medhāvī: người trí; sādhurūpo’ti: “người đáng kính”; vuccati: được gọi là
 
264) Na muṇḍakena samaṇo, abbato alikaṃ bhaṇaṃ;
Icchālobhasamāpanno, samaṇo kiṃ bhavissati.
264) Cạo đầu, không Sa môn,
Nếu không giới, nói dối.
Ai còn nhiều dục, tham,
Sao thành Sa môn được?
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không; muṇḍakena: cắt tóc, cạo đầu; samaṇo: sa môn (samana-ẩn sĩ, người tu khổ hạnh, tăng lữ); abbato: không giới, không đạo đức; alikaṃ: lời dối gạt, lời không thật; bhaṇaṃ: nói, phát ngôn; icchālobhasamāpanno: người nhiều dục vọng và tham lam (iccha-N: dục vọng, ham muốn; lobha-N: tham lam; samapanna-Adj: sở hữu, có); samaṇo: nt; kiṃ: làm sao, như thế nào; bhavissati: sẽ là, sẽ thành
 
265) Yo ca sameti pāpāni, aṇuṃ thūlāni sabbaso;
Samitattā hi pāpānaṃ, ‘samaṇo’ti pavuccati.
265) Ai chinh phục điều ác,
Gồm cả lớn và nhỏ,
Do diệt được điều ác,
Thực xứng gọi: “Sa môn”.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yo: người ấy; ca: và; sameti: nhìn thấy (chinh phục), đối ứng; pāpāni: các điều ác; aṇuṃ: nhỏ; thūlāni: lớn; sabbaso: hoàn toàn; samitattā: do chinh phục, do hủy diệt; hi: quả thực; pāpānaṃ: những điều ác; samaṇo’ti: “sa môn”; pavuccati: được xưng là, xứng gọi
 
266) Na tena bhikkhu so hoti, yāvatā bhikkhate pare;
Vissaṃ dhammaṃ samādāya, bhikkhu hoti na tāvatā.
266) Không phải là Tỷ kheo,
Vì khất thực từ người.
Tiếp thọ đủ pháp tắc,
Đâu phải chỉ khất thực.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không; tena: do đây, từ điều đó; bhikkhu: Tỳ kheo; so: người ấy; hoti: là (na hoti: không phải là); yāvatā: bởi vì, chỉ như thế; bhikkhate: khất thực, ăn xin; pare: người khác; vissaṃ: toàn bộ, đầy đủ, mọi điều; dhammaṃ: pháp, qui tắc; samādāya: đã tiếp thọ, đã đảm nhận; bhikkhu: nt; hoti: nt; na: không; tāvatā: do đây, do nơi việc này
 
267) Yodha puññañca pāpañca, bāhetvā brahmacariyavā;
Saṅkhāya loke carati, sa ve ‘bhikkhū’ti vuccati.
267) Ngay đây lìa thiện, ác,
Sống cuộc sống phạm hạnh,
Rõ bước đi trong đời,
Thực xứng gọi: “Tỷ kheo”.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yodha: nơi đây (yo + idha = yodha) yo: người như vậy, người đó; idha: nơi đây); puññañca: với thiện (pubba-N: việc lành, công đức); pāpañca: và ác (papa-N: việc ác, hành vi sai quấy/puññañca pāpañca: với thiện và ác); bāhetvā: đã xa lìa, đã từ bỏ, đã ở bên ngoài (bahi-Adv: bên ngoài); brahmacariyavā: sống cuộc sống phạm hạnh (brahma-Adj: phạm hạnh, thánh thiện, Bà la môn, ngoan đạo; cariyavant-N: có hành vi, hành động); saṅkhāya: đã rõ, đã xem xét, đã hiểu; loke: ở trong đời, ở tại thế gian; carati: bước đi, hành vi, thực hành; sa: người ấy; ve: quả thực; bhikkhū’ti: “tỳ kheo”; vuccati: xứng gọi, được gọi là
 
268) Na monena munī hoti, mūḷharūpo aviddasu;
Yo ca tulaṃva paggayha, varamādāya paṇḍito.
268) Im lặng, không phải Thánh,
Là kẻ ngu, vô tri.
Người trí như cầm cân,
Giữ lấy điều tốt nhất.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không phải; monena: bởi im lặng; munī: thánh nhân, người trí; hoti: là; mūḷharūpo: ngu si (mulharupa-Adj: ngu si, bị mê hoặc/mulha-Adj: ngu si, bị lừa dối; rupa-N: hình thái, hình dáng, màu sắc); aviddasu: kẻ vô tri, không có kỹ năng; yo: người ấy; ca: và; tulaṃ:cái cân; va: như; paggayha: cầm, giữ; varam: điều tốt nhất; ādāya: giữ lấy, chấp thủ, lấy; paṇḍito: người trí, người có học
 
269) Pāpāni parivajjeti, sa munī tena so muni;
Yo munāti ubho loke, ‘muni’ tena pavuccati.
269) Người tránh xa điều ác,
Là bậc trí, thánh nhân.
Ai hiểu cả hai đời,
Xứng gọi là “Muni’.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
pāpāni: các điều ác; parivajjeti: nên (khiến) …tránh xa; sa: người ấy; munī: bậc trí, thánh nhân; tena: bởi vì; so: người ấy; munī:  nt; yo: người như thế; munāti: hiểu, biết rõ; ubho: cả hai; loke: đời, ở thế giới; muni’: “Muni”; tena: do đây; pavuccati: được gọi là, xứng gọi
 
270) Na tena ariyo hoti, yena pāṇāni hiṃsati;
Ahiṃsā sabbapāṇānaṃ, ‘ariyo’ti pavuccati.
270) Không phải bậc thánh thiện,
Bởi làm hại chúng sinh.
Ai không hại chúng sinh,
Được xưng là ‘Bậc thánh’.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không; tena: do đây; ariyo: bậc cao quí, thánh thiện; hoti: là (na hoti: không phải là); yena: do vì; pāṇāni: sinh vật, sinh mạng (pana-hơi thở, sự sống, sinh vật); hiṃsati: làm hại, giết hại; ahiṃsā: không hại (ahimsa-N: bất hại, phi bạo lực; sabbapāṇānaṃ: chúng sinh (sabbapana: tất cả sinh vật/sabba-Adj: tất cả, toàn bộ; pana: hơi thở, sự sống, sinh vật); ariyo’ti: “bậc thánh”; pavuccati: được xưng là
 
271) Na sīlabbatamattena, bāhusaccena vā pana;
Atha vā samādhilābhena, vivittasayanena vā.
271) Không chỉ bởi giới luật,
Hoặc chỉ bởi đa văn,
Hoặc đắc được thiền định,
Hoặc do sống một mình…
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không; sīlabbatamattena: chỉ tuân theo nghi thức (giới điều) của tôn giáo (sila-N: quy tắc, đức hạnh, đạo đức; bata-N: nghĩa vụ tôn giáo, nghi lễ, giới luật; matta-Adj: trắc lượng, chỉ là, chỉ có); bāhusaccena: bởi đa văn, học vấn rất nhiều (bahusacca-N: bác học đa tài, tri thức sâu sắc/bahusacca-Adj: học vấn rất nhiều; bahu-Adj: lớn, phi thường, rất nhiều; sacca- or suta-Adj: nghe); vā: hoặc; pana: quả thực như thế; atha: sau đó, cũng; vā: hoặc; samādhilābhena: bởi đắc định, tam muội (samadhi-N: sự tập trung, tâm kiên định; labha-N: đạt được, sở hữu); vivittasayanena: do sống một mình (vivitta-Adj: phân ly, cô độc, hẻo lánh; sayana-N: giường, ghế dài); vā: hoặc
 
272) Phusāmi nekkhammasukhaṃ, aputhujjanasevitaṃ;
Bhikkhu vissāsamāpādi, appatto āsavakkhayaṃ.
272) Hoặc cảm thọ xả lạc,
Mà phàm phu không thể…
Tỷ kheo nếu đắc ý,
Chưa đạt được lậu tận.

Đối chiếu Pāli-Việt:
「phusāmi: cảm thọ được, xúc chạm; nekkhammasukhaṃ: giải thoát lạc, xả lạc (nekkhammasukha: hạnh phúc của việc xả bỏ/nekkhamma-N: từ bỏ, xả bỏ [thế gian]; sukha-N:  an lạc, hạnh phúc); aputhujjanasevitaṃ: điều mà người phàm phu không thể đạt được (aputhujjana-N: không phải là phàm phu (người thường); puthu-Adj: đa dạng, nhiều, đại đa số; jana-N: nhân loại, người; sevita-Adj: thực tập, liên hệ); Bhikkhu: Tỷ kheo; vissāsam: đắc ý, mãn ý (vissasa-mãn ý, sự tin tưởng, sự tự tin); āpādi: thấy, đi vào, có được; appatto: chưa đạt được; āsavakkhayaṃ: lậu tận, tiêu trừ hết phiền não (āsava-N: ô điểm, lậu; khaya-N: phá hủy, giải tán, kết thúc/appatto āsavakkhayaṃ: chưa đạt đến lậu tận)」



No comments:

Post a Comment

New York - Buddhism News

Buddhism Lion's Roar

Buddhism | The Guardian

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States