Wednesday, November 13, 2024

Kinh Pháp Cú-Phẩm Phật Đà (14)

Ni Sư Tịnh Quang dịch Việt

179) Yassa jitaṃ nāvajīyati, jitaṃ assa no yāti koci loke;
Taṃ buddhamanantagocaraṃ, apadaṃ kena padena nessatha.
179) Người chiến thắng bất bại,
Chiến thắng của vị ấy,
Thế gian ai đến được.
Cảnh giới Phật vô biên,
Cách nào dẫn nhiếp được,
Với người không dấu vết?

Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「yassa: người kia; jitaṃ: chiến thắng, nā: bất, không; vajīyati: bại, bị chinh phục, bị vứt bỏ; jitaṃ: chiến thắng; assa: vị ấy, người ấy; no = na: không; yāti: đi đến được, theo được; koci: ai, sao; loke: thế gian ; taṃ: vị ấy, người ấy; buddham: Đức Phật; anantagocaraṃ: cảnh giới vô lượng, vô biên (anantago cara-Adj: có một cảnh giới vô tận/ananta-vô tận, vô hạn; gocara-cánh đồng, lãnh vực (cảnh giới)/buddham-ananta-gocaram: cảnh giới phật vô biên); apadaṃ: không dấu vết; kena: nào, ai; padena: phương cách; nessatha: bị ngắt lấy, dẫn đạo」
 
180) Yassa jālinī visattikā, taṇhā natthi kuhiñci netave;
Taṃ buddhamanantagocaraṃ, apadaṃ kena padena nessatha.
180) Người lưới tham, chấp trước,
Và khát ái không còn
Dẫn đi bất cứ đâu;
Cảnh giới Phật vô biên,
Cách nào dẫn nhiếp được,
Với người không dấu vết?
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「yassa: người kia; jālinī: lưới tham dục, dục vọng; visattikā: chấp trước (visattika-N: dục vọng, khát vọng, tình dục); taṇhā: ái dục, khát vọng; natthi: na+ athi = natthi: không có, không còn; kuhiñci: nơi đâu, nơi nào; netave: dẫn đi, khiến đi; taṃ: vị ấy, người ấy; buddham: Đức Phật; anantagocaraṃ: cảnh giới vô lượng, vô biên (anantago cara-Adj: có một cảnh giới vô tận/ananta-vô tận, vô hạn; gocara-cánh đồng, lãnh vực (cảnh giới)/buddham-ananta-gocaram: cảnh giới phật vô biên); apadaṃ: không dấu vết; kena: nào, ai; padena: phương cách; nessatha: bị ngắt lấy, dẫn đạo」
 
181) Ye jhānapasutā dhīrā, nekkhammūpasame ratā;
Devāpi tesaṃ pihayanti, sambuddhānaṃ satīmataṃ.
181) Bậc trí chuyên thiền định,
Thích xuất ly, yên tĩnh;
Chư Thiên cũng ngưỡng mộ,
Bậc chánh niệm, Chánh giác.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「ye: người ấy; jhānapasutā: chuyên tu thiền định (jhana-N: thiền định, chút tâm; pasuta-Adj: truy cầu, ý hướng); dhīrā: bậc trí, người trí; nekkhammūpasame: xuất ly và tịch tĩnh (nekkhamma-N: xuất ly, buông bỏ, upasama-N: an tĩnh, tịch tĩnh); ratā: thích với, vui với; devāpi: chư Thiên cũng (devā: chư Thiên, pi: cũng; tesaṃ: người kia; pihayanti: ngưỡng mộ; sambuddhānaṃ: cụ niệm, chánh niệm (sambuddha-Adj: hoàn toàn giác ngộ; satīmataṃ: bậc Chánh giác (satimant-Adj: chánh niệm, Chánh giác)」
 
182) Kiccho manussapaṭilābho, kicchaṃ maccāna jīvitaṃ;
Kicchaṃ saddhammassavanaṃ, kiccho buddhānamuppādo.
182) Được thân người là khó,
Sinh mạng người là khó,
Nghe chánh pháp là khó,
Phật ra đời là khó.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「kiccho: khó đạt được; manussapaṭilābho: có được thân người (manussapatilabha-N: khó được làm người/manussa: nhân loại, người; patilabha: đạt được, thành tựu); kicchaṃ: khó được, hiếm; maccāna: người, phàm nhân; jīvitaṃ: sinh mạng; kicchaṃ: khó được; saddhammassavanaṃ: nghe chánh pháp (saddhamma-N: chánh pháp; savana-N: nghe); kiccho:  nt; buddhānamuppādo: Phật ra đời, Phật xuất hiện (buddha-Adj: giác ngộ + uppado: xuất hiện, ra đời/buddhānaṃ-uppādo: Phật xuất hiện)」
 
183) Sabbapāpassa akaraṇaṃ, kusalassa upasampadā;
Sacittapariyodapanaṃ, etaṃ buddhāna sāsanaṃ.
183) Không làm các việc ác,
Tích lũy những điều lành,
Tự thanh tịnh tâm mình,
Là lời chư Phật dạy.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「sabbapāpassa: tất cả việc ác (sabba-Adj: tất cả, toàn bộ; papa-Adj: tà ác, xấu); akaraṇaṃ: không làm; kusalassa: việc thiện, điều lành; upasampadā: thu thập, tích lũy, đạt được; sacittapariyodapanaṃ: thanh tịnh tự tâm (sacitta-tự tâm; sa-tự mình; citta-tâm; pariyodapana-N: thanh tịnh, tịnh hóa); etaṃ: đây, cái này; sāsanaṃ: giáo pháp, lời dạy; buddhāna: (của) chư Phật (buddhāna sāsanaṃ giáo pháp của chư Phật)」
 
184) Khantī paramaṃ tapo titikkhā,
nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā;
Na hi pabbajito parūpaghātī,
na samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.
184) Nhẫn nhục và tha thứ,
Là đệ nhất khổ hạnh.
Chư Phật đã thuyết rằng,
Niết bàn là tối thượng.
Xuất gia không hại người,
Người tổn hại kẻ khác,
Không phải Sa môn hạnh.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「khantī: nhẫn, kiên nhẫn; paramaṃ: điều cao nhất (parama-Adj: tối cao, cao nhất); tapo: khổ hạnh (tapo-N: tu hành khổ hạnh, tôn giáo thực hành); titikkhā: tha thứ, kiên nhẫn; nibbānaṃ: Niết bàn; paramaṃ: tối cao; vadanti: thuyết; buddhā: chư Phật; na: không; hi: quả thực; pabbajito: người xuất gia; parūpaghātīi: làm hại hoặc giết hại (para-Adj:  người khác; upaghatin-Adj: tổn hại, giết hại); na: không; samaṇo: người khổ hạnh, Sa môn; hoti: là (na hoti: không phải là ; paraṃ: người ấy; viheṭhayanto: người làm hại (vihethayant-Adj: áp bức, làm tổn hại)」
 
185) Anūpavādo anūpaghāto, pātimokkhe ca saṃvaro;
Mattaññutā ca bhattasmiṃ, pantañca sayanāsanaṃ;
Adhicitte ca āyogo, etaṃ buddhāna sāsanaṃ.
185) Không chê bai, không hại,
Phòng hộ với giới luật,
Ăn uống biết chừng mực,
Độc cư, chuyên thiền định,
Đây là lời Phật dạy.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「anūpavādo: không chê bai, không tìm lỗi (ūpavāda-chỉ trích, đổ lỗi, bắt lỗi, nói xấu); anūpaghāto: không làm hại, không giết hại (upaghata-N: giết chết, gây tổn thương); pātimokkhe: đối với giới luật; ca: và; saṃvaro: khắc chế, phòng hộ; mattaññutā: chừng mực, biết hạn chế (matta: đo lường, số lượng; buta: hiểu biết); ca: và; bhattasmiṃ: trong việc ăn uống (bhatta-N: bữa ăn, thức ăn); pantañca: và độc cư, ở nơi xa (panta-Adj: cô độc, biên giới, xa xôi); sayanāsanaṃ: nhà ở, chỗ ở, chỗ ngồi nằm (sayana: giường,ghế; asana: cái ghế, ghế ngồi); adhicitte: tăng thượng tâm, thiền định; ca: và; āyogo: chuyên chú, phụng hiến; etaṃ: đây, cái này; buddhāna: chư Phật; sāsanaṃ: lời dạy, giáo pháp」
 
186) Na kahāpaṇavassena, titti kāmesu vijjati;
Appassādā dukkhā kāmā, iti viññāya paṇḍito.
186) Dù có mưa tiền đồng,
Cũng không thỏa ham muốn.
Dục ít vui, và khổ,
Người trí rõ như thế.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「na: không; kahāpaṇavassena: dù có mưa đồng tiền (kahapanavassa-N: mưa đồng tiền/kahapana: tiền xu, đồng xu cổ Ấn Độ; vassa: mưa, mưa rào); titti: đủ, thỏa mãn, mãn ý; kāmesu: đối với ham muốn; vijjati: có, được thấy (na vijjati: không có); appassādā: niềm vui rất ít (appa-Adj: rất ít; assada-N: hương vị, vị ngọt, sự hưởng thụ, sự hài lòng); dukkhā: sự khổ; kāmā: cảm quan dục lạc, cảm giác hưởng thụ; iti: như thế, do đây; viññāya: đã rõ biết, hiểu; paṇḍito: người trí」
 
187) Api dibbesu kāmesu, ratiṃ so nādhigacchati;
Taṇhakkhayarato hoti, sammāsambuddhasāvako.
187) Dù dục lạc cõi trời,
Chẳng tìm thấy vui thích.
Nỗ lực diệt ái dục,
Là đệ tử Phật Đà.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「api: thậm chí, dù; dibbesu: ở nơi cõi trời, cõi thần thánh; kāmesu: dục lạc, dục vọng; ratiṃ: vui thích, ái; so: người ấy, nó; nādhigacchati=na adhigacchati: chẳng thể tìm được (adhigacchati: đạt đươc, đạt đến); taṇhakkhayarato: nỗ lực (tận tụy) diệt trừ tham ái, dục vọng (tanha: khát khao, khát vọng; khaya: hủy diệt,giải tán, kết thúc; rata: nỗ lực); hoti: là; sammāsambuddha: Phật Đà, Bậc Đẳng chánh giác; sāvako: Thanh văn, đệ tử (sammāsambuddhasāvako: đệ tử chánh giác Phật Đà)」
 
188) Bahuṃ ve saraṇaṃ yanti, pabbatāni vanāni ca;
Ārāmarukkhacetyāni, manussā bhayatajjitā.
188) Bị sợ hãi thúc đẩy,
Nhiều người đến trú ẩn,
Nơi núi đồi, rừng rậm,
Hoặc vườn cây, đền thờ.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「bahuṃ: nhiều, nhiều lần (bahu-Adj: rất nhiều); ve: quả thực; saraṇaṃ: nơi trú ẩn, nơi lánh nạn, nơi nương tựa (sarana-N: nơi trú ẩn); yanti: đi đến; pabbatāni: núi đồi (pabbata-núi); vanāni: rừng rậm; ca: và; Ārāmarukkhacetyāni: nơi đền thờ trong vườn cây (arama: công viên, hoa viên; rukkha: cây cối; cetya: điện thờ); manussā: mọi người; bhayatajjitā: bị sợ hãi thúc đẩy (bhaya-N: bị sợ hãi; tajjita-Adj: di chuyển, di động, thúc đẩy)」
 
189) N'etaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ, n'etaṃ saraṇamuttamaṃ;
N'etaṃ saraṇamāgamma, sabbadukkhā pamuccati.
189) Nơi nương tựa như vậy,
Không tối thượng-an ổn,
Đến nơi nương tựa này,
Không thoát khỏi khổ đau.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「n'etaṃ= na etaṃ: đây không phải là (na: không; etaṃ: đây); kho: chính xác; saraṇaṃ: nơi trú ẩn, nơi lánh nạn, nơi nương tựa (sarana-N: nơi trú ẩn); khemaṃ: an toàn, an ổn; n'etaṃ: nt; saranam: nt; uttamaṃ: tối thượng, tối hảo; n'etaṃ: nt; saraṇaṃ: nơi trú ẩn, nơi lánh nạn, nơi nương tựa; agamma: đi đến; sabbadukkhā: từ sự khổ đau (sabbadukkha-N: tất cả nỗi thống khổ/sabba-Adj: tất cả; dukkha-N: khổ đau; pamuccati: được thoát khỏi」
 
190) Yo ca buddhañca dhammañca, saṅghañca saraṇaṃ gato;
Cattāri ariyasaccāni, sammappaññāya passati.
190) Và ai nương tựa Phật,
Nương tựa Pháp và Tăng,
Bằng trí tuệ chân chánh.
Thấy được Tứ thánh đế.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「yo: người ấy; ca: và; buddhañca: và Phật; dhammañca: và Pháp; saṅghañca: và Tăng; saraṇaṃ: nơi trú ẩn, nơi lánh nạn, nơi nương tựa (sarana-N: nơi trú ẩn); gato: đi, đến; cattāri: tứ, bốn; ariyasaccāni: Thánh đế (ariya-Adj: cao quý, lương thiện; sacca-N: chân tướng); sammappaññāya: bằng chánh tuệ (trí tuệ chân chánh/samma-Adv: chánh xác, chân chánh; paññāya-N: trí tuệ); passati: nhìn thấy」
 
191) Dukkhaṃ dukkhasamuppādaṃ, dukkhassa ca atikkamaṃ;
Ariyaṃ caṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ, dukkhūpasamagāminaṃ.
191) Khổ và nguyên nhân khổ,
Và sự vượt thoát khổ,
Với Tám Thánh đạo phần,
Chấm dứt những khổ đau.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「dukkhaṃ: khổ; dukkhasamuppādaṃ: khổ tập-nguyên nhân khổ; dukkhassa: vị khổ; ca: và, cùng, với; atikkamaṃ: khắc phục, vượt qua, vượt thoát (dukkhassa atikkamaṃ: khổ diệt đế); ariyaṃ: cao quí (thánh); ca: nt; caṭṭhaṅgikaṃ: và tám trọng, tám chi phần; maggaṃ: đạo lộ, đạo hướng; dukkhūpasamagāminam: để chấm dứt đau khổ, khổ tịch diệt (dukkha: đau khổ; upasama: bình tĩnh, an tĩnh)」
 
192) Etaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ, etaṃ saraṇamuttamaṃ;
Etaṃ saraṇamāgamma, sabbadukkhā pamuccati.
192) Đây thực nơi nương tựa,
Nơi tối thượng, an ổn,
Đến nơi nương tựa này,
Sẽ thoát khỏi khổ đau.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「etaṃ: đây; kho: đích thực; saraṇaṃ: nơi trú ẩn, nơi lánh nạn, nơi nương tựa (sarana-N: nơi trú ẩn); khemaṃ: an ổn, an toàn; etaṃ: nt; saranam: nt; uttamaṃ: tối thượng, tốt nhất; etaṃ: đây; saraṇaṃ: nt; agamma: đến được; sabbadukkhā: từ các khổ đau; pamuccati: được giải thoát, thoát khỏi」
 
193) Dullabho purisājañño, na so sabbattha jāyati;
Yattha so jāyati dhīro, taṃ kulaṃ sukhamedhati.
193) Người cao quý hiếm có,
Không sinh ở khắp nơi;
Nơi nào người trí sinh,
Gia đình ấy hưng thịnh.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「dullabho: hiếm có, khó được (dullabha-Adj: khó đạt được); purisājañño: người xuất thân từ gia đình cao quý (purisa-người; ājañño-cao quý, xuất thân từ cao quý); na: không (na jāyati: không sinh); so: người ấy; sabbattha: tùy xứ, mọi nơi; jāyati: sinh ra; yattha: nơi nào; so: nt; jāyati: nt; dhīro: người trí; taṃ: ấy, đó (taṃ kulaṃ: gia tộc ấy); kulaṃ: gia đình, gia tộc; sukham: rất vui vẻ, hạnh phúc; edhati: tăng trưởng, hưng thịnh」
 
194) Sukho buddhānamuppādo, sukhā saddhammadesanā;
Sukhā saṅghassa sāmaggī, samaggānaṃ tapo sukho.
194) Vui thay, Phật ra đời,
Vui thay, Pháp được giảng,
Vui thay, Tăng hòa hợp,
Vui thay, Chúng cùng tu.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「sukho: vui vẻ, hạnh phúc; buddhānamuppādo: sự ra đời của chư Phật (Buddhanam: chư Phật, Bậc giác ngộ+uppado: sinh, ra đời, xuất hiện); sukhā: vui vẻ, hạnh phúc; saddhammadesanā: sự giảng dạy của chánh pháp (saddhamma: chánh pháp, desana: giảng dạy); sukhā: nt; saṅghassa: Tăng già, Tăng đoàn; sāmaggī: hòa hợp, nhất quán (saṅghassa sāmaggī: sự đoàn kết của Tăng đoàn, hòa hợp); samaggānaṃ: người hài hòa, chúng hòa hợp; tapo: khổ hạnh tu hành, tận tâm tu hành, thiền định; sukho: nt」
 
195) Pūjārahe pūjayato, buddhe yadi va sāvake;
Papañcasamatikkante, tiṇṇasokapariddave.
195) Cúng dường người đáng kính,
Phật hoặc chúng đệ tử,
Bậc vượt qua chướng ngại,
Đã vuợt thoát ưu, sầu.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「pūjārahe: người đáng được cúng dường, đáng tôn kính (puja-kính bái, phụng hiến; araha-xứng đáng, được hưởng); pūjayato: người kính trọng (pujayant-Adj: sùng bái, chí kính); buddhe: chư Phật; yadi: nếu như; va: hoặc, và; sāvake: chúng Thanh văn đệ tử (savaka-người nghe); papañcasamatikkante: vượt qua chướng ngại (papañca: chướng ngại, ảotưởng; samatikkante: siêu việt, khắc phục; tiṇṇasokapariddave: vượt qua (khắc phục) những ưu sầu (tinna-vượt thoát, khắc phục; soka-ưu sầu;  pariddava-nỗi buồn」
 
196) Te tādise pūjayato, nibbute akutobhaye;
Na sakkā puññaṃ saṅkhātuṃ, imettam api kenaci.
196) Ai kính bậc như thế,
Bậc giải thoát, vô uý,
Công đức không thể lường,
Bằng bất cứ cách nào.
 
Đối chiếu Pāḷi-Việt:
「te: những (người) đó; tādise: như thế; pūjayato: người tôn kính; nibbute: bậc giải thoát; akutobhaye: bậc vô úy (kuto: đến từ đâu? tại sao?  Bhaya: nỗi sợ hãi); na sakkā: không thể; puññaṃ: công đức; saṅkhātuṃ: đếm, tính toán, lường; imam-đây+ etam-cái này = imettam: này; api: cho dù; kenaci: bằng bất cứ cách nào」



No comments:

Post a Comment

New York - Buddhism News

Buddhism Lion's Roar

Buddhism | The Guardian

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States