Saturday, November 30, 2024

Kinh Pháp Cú-Phẩm Voi (23)

Ni Sư Tịnh Quang dịch Việt

320) Ahaṃ nāgova saṅgāme, cāpato patitaṃ saraṃ;
Ativākyaṃ titikkhissaṃ, dussīlo hi bahujjano.
320) Như voi trong chiến trận,
Chịu tên bắn từ cung.
Ta chịu đựng phỉ báng,
Ác hạnh, rất nhiều người.

Đối chiếu Pāli-Việt:
ahaṃ: ta; nāgo: con voi; va: giống như; saṅgāme: trong chiến trận, chiến trường (savgama-N: chiến trận, chiến đấu); cāpato: từ cây cung; patitaṃ: bắn, bắn ra (patita-rơi xuống, bắn, thả); saraṃ: mũi tên; ativākyaṃ: phỉ báng, chửi mắng; titikkhissaṃ: sẽ chịu đựng, nhẫn chịu; dussīlo: không có đạo đức, ác hạnh, ác giới (dussila-Adj: suy thoái đạo đức); hi: quả thực; bahujjano: rất nhiều người (bahu- Adj: lớn, rất nhiều; jana-N: người)
 
321) Dantaṃ nayanti samitiṃ, dantaṃ rājābhirūhati;
Danto seṭṭho manussesu, yotivākyaṃ titikkhati.
321) Voi đã điều, dẫn đầu,
Vua cưỡi trên voi ấy.
Người điều ngự-tối thượng,
Nhẫn được sự phỉ báng.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
dantaṃ: sự điều phục (danta-kiềm chế, thuần hóa, kiểm soát, điều phục); nayanti: dẫn đầu, lãnh đạo; samitiṃ: tụ hội, bầy voi (samiti-tập hợp, tập trung); dantaṃ: nt; rāja: vua, quốc vương; abhirūhati: cưỡi, leo lên, thăng lên (rūh-tăng trưởng, abhi-hướng lên, vượt qua/raja+abhirūhati=rajabhirūhati); danto: người điều ngự; seṭṭho: tốt nhất, tối thượng; manussesu: ở trong loài người; yo: người ấy; ativākyaṃ: sự phỉ báng, chửi mắng, chê trách (yo+ativākyaṃ=yotivākyaṃ); titikkhati: nhẫn chịu
 
322) Varamassatarā dantā, ājānīyā ca sindhavā;
Kuñjarā ca mahānāgā, attadanto tato varaṃ.
322) Tốt nhất, con La thuần,
Con ngựa Sindh thuần chủng,
Voi lớn Kuñ-jarā;
Người tự điều, hơn hẳn.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
varam: tốt nhất; assatarā: con La (một loài thú nửa lừa, nửa ngựa); dantā: thuần phục (danā-Adj: kiềm chế, thuần hóa, kiểm soát/dantā assatarā: con la thuần hóa); ājānīyā: thuần chủng (ājānīyā-Adj:  xuất thân tốt, thuần chủng); cā: và; sindhavā: con ngựa Sindh; kuñjarā: tên của con voi; cā: và; mahānāgā: con voi to lớn/mahant-Adj: lớn, vĩ đại; naga-N: đại tượng/kuñjarā mahānāgā: Tỳ Gia La đại tượng); attadanto: người tự điều phục mình; tato: vì vậy; varam: tốt nhất, hơn hẳn
 
323) Na hi etehi yānehi, gaccheyya agataṃ disaṃ;
Yathāttanā sudantena, danto dantena gacchati.
323) Không phải phương tiện ấy,
Đến được nơi chưa đến.
Như khéo điều phục mình,
Người điều phục đến được.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không phải, hi: quả thực; etehi: những cái này; yānehi: phương tiện, công cụ giao thông (yana-xe ngựa, xe cộ); gaccheyya: có thể đi đến; agataṃ: không đi đến, chưa đi đến; disaṃ: nơi, địa phương (disa-N: phương hướng/agataṃ disaṃ phương hướng, chỗ chưa đi qua); yathā: như; attanā: tự mình; sudantena: khéo điều phục; danto: người điều phục; dantena: điều phục; gacchati: đi, đi đến
 
324) Dhanapālo nāma kuñjaro, kaṭukabhedano dunnivārayo;
Baddho kabaḷaṃ na bhuñjati, sumarati nāgavanassa kuñjaro.
324) Voi Dhana-pāla,
Phát dục bệnh, khó chế.
Bị trói, không chịu ăn,
Voi chỉ nhớ rừng voi.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
Dhanapālo nāma: tên là Dhanapāla (Tài Hộ)/dhanapala-N: tên của con voi/dhana-N: tài phú; pala-N: người giám hộ, người bảo vệ; nāma-N: tên); kuñjaro: con voi lớn; kaṭukabhedano: bệnh phát dục, bệnh phát bài tiết (katukabhedana-Adj: trong lối mòn, vết mòn/katuka-N: vị đắng, cay, chua; bhedana-N: phá vỡ, phá hủy, bhid-phá); dunnivārayo: khó khống chế được (du-khó, khốn đốn, hư; nivaraya-bị ức chế, bị ngăn cản, bị khống chế ); baddho: trói buộc; kabaḷaṃ: thức ăn (kabala-thức ăn, món ăn, những thứ ăn được, đầy miệng); na: không; bhuñjati: ăn; sumarati: nhớ, tưởng nhớ; nāgavanassa: rừng voi (nagavana-N: rừng voi/naga-đại tượng; vana-rừng cây); kuñjaro: con voi
 
325) Middhī yadā hoti mahagghaso ca, niddāyitā samparivattasāyī;
Mahāvarāhova nivāpapuṭṭho, punappunaṃ gabbhamupeti mando.
325) Người biếng nhác, tham ăn,
Tham ngủ, nằm lăn lóc,
Như lợn béo được nuôi,
Giải đãi sẽ tái sanh.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
middhī: hôn trầm, biếng nhác; yadā: khi; hoti: là; mahagghaso: ăn rất nhiều, tham ăn (mahagghasa-Adj: ăn quá nhiều/mahant-to, nhiều; ghasa-ăn, người ăn); cā: và; niddāyitā: tham ngủ (niddayitar-N: một người hôn trầm muốn ngủ/nidda-ngủ); samparivattasāyī: nằm ngủ lăn lóc (samparivatta-Adj: lăn, xoay, chuyển động; sayin-Adj: nằm xuống, ngủ); mahāvarāho: lợn bự/mahant-Adj: to lớn, rất nhiều; varaha-N: con lợn, lợn rừng; va: như; nivāpapuṭṭho: nuôi ăn, cho ăn (nivapa-N: đồ ăn, thức ăn ném cho động vật; puttha-Adj: nuôi dưỡng, cho ăn); punappunaṃ: lần này rồi lần khác, tái sanh; gabbham: tử cung; upeti: đi đến, đi vào; mando: người giải đãi
 
326) Idaṃ pure cittamacāri cārikaṃ,
yenicchakaṃ yatthakāmaṃ yathāsukhaṃ;
Tadajjahaṃ niggahessāmi yoniso,
hatthippabhinnaṃ viya aṅkusaggaho.
326) Trước tâm này lang thang,
Tùy ý, theo dục, lạc,
Nay ta điều phục cả,
Giống như người quản tượng,
Điều con voi động dục.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
idaṃ: này, cái này (idaṃ cittam: tâm này); pure: quá khứ, từ trước; cittam: tâm; acāri: lang thang; cārikaṃ: cuộc du hành, hành trình; yenicchakaṃ: tùy ý, tùy theo ý muốn (yena: yad-cái đó, đó; icchaka-Adj: hy vọng, khát vọng); yatthakāmaṃ: theo dục vọng ấy (kama-dục vọng); yathāsukhaṃ: theo sở lạc ấy (yatha-Adv: như; sukha-N: lạc, hạnh phúc); tad: nó, kẻ ấy, điều đó; ajja: hôm nay; ahaṃ: ta; niggahessāmi: điều phục, khắc phục; yoniso: căn gốc, cả thảy; hatthippabhinnaṃ: voi động dục (hatthippabhinna-N: con voi trong lối mòn/hatthin-N: voi; pabhinna-Adj: gãy, nổ tung, nước chảy ra (voi đang động dục); viya: như; aṅkusaggaho: điều tượng sư, người quản tượng (avkusaggaha-N: người điều khiển voi, quản tượng/avkusa-N: cái móc của quản tượng; gaha-N: bắt, nắm lấy)
 
327) Appamādaratā hotha, sacittamanurakkhatha;
Duggā uddharathattānaṃ, paṅke sannova kuñjaro.
327) Nỗ lực không phóng dật,
Hãy bảo hộ tự tâm.
Ra khỏi nơi khó khăn,
Như voi khỏi chìm bùn.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
appamādaratā: nỗ lực không phóng dật (appamada-N: chịu trách nhiệm, không cẩu thả; rata-Adj: tận tụy, tập trung vào, vui mừng); hotha: là; sacittam: tự tâm; anurakkhatha: hãy nên bảo hộ (rakkh-bảo hộ); duggā: nơi khó khăn (dugga-N: Địa điểm xấu, đường đi khó khăn); uddharatha: hãy ra khỏi, vượt qua, tăng lên (dhar-giữ, ud-hướng lên); attānaṃ: tự mình; paṅke: nơi bùn lầy (panka-N: bùn, bụi bẩn); sanno: chìm, sụt lún; va: như; kuñjar: con voi
 
328) Sace labhetha nipakaṃ sahāyaṃ,
saddhiṃcaraṃ sādhuvihāridhīraṃ;
Abhibhuyya sabbāni parissayāni,
careyya tenattamano satīmā.
328) Nếu có được bạn trí,
Người đồng hành: tuệ, hạnh,
Vượt qua những nguy nan,
Hãy đi cùng nguời ấy,
Với chánh niệm, hỷ lạc.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
sace: nếu; labhetha: có được, có thể tìm được; nipakaṃ: thông minh, có trí; sahāyaṃ: bạn, bạn lữ; saddhiṃcaraṃ: người đồng hành (saddhim-Adv: cùng nhau, đồng nhau, cùng với; carant-Adj: người lang thang); sādhuvihāridhīraṃ: có trí tuệ và thiện hạnh (sadhu-Adv: thiện, tốt; viharin-Adj: hành vi, sinh hoạt; dhira-Adj: tuệ trí/saddhiṃcaraṃ sādhuvihāridhīraṃ: người đồng hành có thiện hạnh và trí tuệ); abhibhuyya: có thể khắc phục, vượt qua được; sabbāni: tất cả, mọi điều; parissayāni: nguy nan (parissaya-nguy hiểm, rắc rối, vấn đề/sabbāni parissayāni mọi nguy nan); careyya: hãy bước đi, có thể bước/car-đi bộ); tena: với người ấy; attamano: hỷ lạc, vui vẻ (atta-nâng lên; mano-tâm); satīmā: cụ niệm, chánh niệm
 
329) No ce labhetha nipakaṃ sahāyaṃ,
saddhiṃ caraṃ sādhuvihāridhīraṃ;
Rājāva raṭṭhaṃ vijitaṃ pahāya,
eko care mātaṅgaraññeva nāgo.
329) Nếu không gặp bạn trí,
Người đồng hành: tuệ, hạnh,
Hãy như vua rời bỏ
Quốc độ đã chinh phục.
Độc bước, như voi rừng.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
no: không; ce: nếu; labhetha: có được, có thể tìm được; nipakaṃ: thông minh, có trí; sahāyaṃ: bạn, bạn lữ; saddhiṃcaraṃ: người đồng hành (saddhim-Adv: cùng nhau, đồng nhau, cùng với; carant-Adj: người lang thang); sādhuvihāridhīraṃ: có trí tuệ và thiện hạnh (sadhu-Adv: thiện, tốt; viharin-Adj: hành vi, sinh hoạt; dhira-Adj: tuệ trí/saddhiṃcaraṃ sādhuvihāridhīraṃ: người đồng hành có thiện hạnh và trí tuệ); rājā: vua, quốc vương; va: giống như; raṭṭhaṃ: quốc độ, quốc gia; vijitaṃ: đã chinh phục, đã chiến thắng; pahāya: đã rời bỏ, xả bỏ; eko: một mình, một người; care: bước đi, du hành; mātaṅgaraññe: rừng voi (mātaṅga-voi, araññe-rừng cây); va: nt; nāgo: con voi
 
330) Ekassa caritaṃ seyyo, natthi bāle sahāyatā;
Eko care na ca pāpāni kayirā,
appossukko mātaṅgaraññeva nāgo.
330) Tốt hơn, sống một mình,
Không kết giao kẻ ngu.
Độc hành, không làm ác,
Thiểu dục như voi rừng.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
ekassa: một mình, một người (eka: một); caritaṃ: sống, sinh hoạt; seyyo: tốt hơn; natthi: không có; bāle: người ngu (bala-Adj: trẻ con, tuổi nhỏ); sahāyatā: kết giao, qua lại; eko: một người; care: nên du hành, bước đi; na: không; ca: và; pāpāni: việc ác (papa-Adj: tà ác, sai trái); kayirā: nên làm/kar- làm); appossukko: thiểu dục, ít ham muốn (appa-Adj: ít, rất ít; ussukka-Adj: tham lam, dục vọng, ham muốn); mātaṅgaraññe: rừng voi (mātaṅga-voi, araññe-rừng cây); va: nt; nāgo: con voi
 
331) Atthamhi jātamhi sukhā sahāyā, tuṭṭhī sukhā yā itarītarena;
Puññaṃ sukhaṃ jīvitasaṅkhayamhi,
sabbassa dukkhassa sukhaṃ pahānaṃ.
331) Bạn khi cần là vui,
Biết tri túc là vui,
Chết thiện nghiệp là vui,
Diệt hết khổ là vui.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
atthamhi: cần thiết (attha-N: ý nghĩa, ý nghĩa của sự nhu cầu); jātamhi: xuất hiện; sukhā: sự vui vẻ  (sukhā-Adj: đồng ý, tốt, khiến người vui vẻ); sahāyā: bạn, đồng bạn; tuṭṭhī: hài lòng, tri túc; sukhā: nt; yā: người ấy, điều ấy; itarītarena: bất kể như thế nào (itarītarena-Adj: cái này hay cái kia, bất kể như thế nào/itara-Adj: khác, bất đồng/itara- + itara- = itaritara); puññaṃ: công đức, thiện nghiệp; sukhaṃ: vui vẻ; jīvitasaṅkhayamhi: khi mạng chung, chết (jivita-N: sanh mạng; savkhaya-N: hoại mất, tử vong); sabbassa: tất cả, triệt để; dukkhassa: sự khổ đau; sukhaṃ: vui vẻ; pahānaṃ: diệt tận (pahana-buông bỏ, từ chối, lìa bỏ)
 
332) Sukhā matteyyatā loke, atho petteyyatā sukhā;
Sukhā sāmaññatā loke, atho brahmaññatā sukhā.
332) Hiếu kính mẹ là vui,
Hiếu kính cha là vui,
Kính Sa-môn là vui,
Kính Phạm-chí là vui.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
sukhā: sự vui vẻ; matteyyatā: hiếu kính đối với mẹ (matar-mẹ); loke: thế giới, cõi đời; atho: và; petteyyatā: hiếu kính đối với cha (pitar-cha); sukhā: vui vẻ; sāmaññatā: tôn kính đối với Sa môn (samana-xuất gia, tu sĩ, ẩn sĩ); loke: nt; atho: nt; brahmaññatā: tôn kính đối với Bà la môn (Phạm chí)/brāhmaṇa-N: thành viên Bà La môn, tính chất Bà la môn); sukhā: vui vẻ
 
333) Sukhaṃ yāva jarā sīlaṃ, sukhā saddhā patiṭṭhitā;
Sukho paññāya paṭilābho, pāpānaṃ akaraṇaṃ sukhaṃ.
333) Già có giới* là vui,
Đức tin vững là vui,
Đạt trí tuệ là vui,
Không làm ác là vui.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
sukhaṃ: vui vẻ; yāva: đến khi; jarā: tuổi già; sīlaṃ: giới, đạo đức; sukhā: vui; saddhā: đức tin; patiṭṭhitā: vững, kiên cố (patiṭṭhitā-Adj: được kiến lập, cố định, chắc chắn); sukho: vui vẻ; paññāya: trí tuệ; paṭilābho: đạt được, có được, thành tựu; pāpānaṃ: việc ác; akaraṇaṃ: không làm; sukhaṃ: vui vẻ
*sīlaṃ: giới, cũng có nghĩa là đức hạnh, phẩm chất đạo đức



No comments:

Post a Comment

New York - Buddhism News

Buddhism Lion's Roar

Buddhism | The Guardian

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States