Tuesday, December 3, 2024

Kinh Pháp Cú-Phẩm Ái Dục (24)

Ni Sư Tịnh Quang dịch Việt

334) Manujassa pamattacārino, taṇhā vaḍḍhati māluvā viya;
So plavatī hurā huraṃ, phalamicchaṃva vanasmi vānaro.
334) Người mà sống buông thả,
Ái tăng như dây leo.
Chuyển đời này đời khác,
Như khỉ rừng thèm quả.

Đối chiếu Pāli-Việt:
manujassa: đối với người (manuja-N: người, loài người); pamattacārino: sống buông thả, hành vi phóng dật (pamatta-Adj: buông thả, phóng dật; carin-N: sinh hoạt, hành vi); taṇhā: ái dục, ham muốn; vaḍḍhati: tăng trưởng; māluvā viya: giống như dây leo, dây nho (māluvā-cây nho, viya-giống với); so: người ấy; plavatī: lưu chuyển, trôi nổi; hurāhuraṃ: từ sự tồn tại này đến sự tồn tại khác, từ nơi này đến nơi khác (hurah: ở đó, ở một thế giới khác); phalamicchaṃva: như thèm muốn trái cây (phala: trái cây, icchant: thèm muốn, ham muốn; va: như,  giống); vanasmi: ở trong rừng (vana-N: rừng cây); vānaro: con khỉ
 
335) Yaṃ esā sahatī jammī, taṇhā loke visattikā;
Sokā tassa pavaḍḍhanti, abhivaṭṭhaṃva bīraṇaṃ.
335) Ai hèn hạ khuất phục,
Với ái chấp thế gian,
Sầu khổ sẽ tăng trưởng,
Như cỏ sau cơn mưa.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yaṃ: người ấy, người nào đó; esā: điều này; sahatī: khuất phục, chinh phục; jammī: đáng khinh, hèn hạ; taṇhā: ái dục, khát cầu, thèm muốn; loke: ở thế gian; visattikā: tình chấp, khát vọng, tình dục; sokā: sầu khổ, bi thương; tassa: người ấy; pavaḍḍhanti: tăng trưởng, sanh trưởng, tăng thêm; abhivaṭṭhaṃ: đã qua mưa (abhivattha-Adj: trời mưa, nước tưới); va: giống như; bīraṇaṃ: cỏ Birana, một loại cỏ mọc nhanh khi gặp mưa
 
336) Yo cetaṃ sahatī jammiṃ, taṇhaṃ loke duraccayaṃ;
Sokā tamhā papatanti, udabinduva pokkharā.
336) Ai điều được hèn mạt,
Từ ái dục khó điều,
Sầu rơi khỏi người ấy,
Như giọt nước hoa sen.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yo: người ấy, người như vậy; cetaṃ: với điều này; sahatī: điều phục, chiến thắng; jammiṃ: sự hèn hạ, đáng khinh (jamma-khốn khổ, đáng thương, đáng khinh); taṇhaṃ: ái dục (taṇhā: khát ái, mong muốn); loke: ở đời; duraccayaṃ: sự khó điều phục (duraccaya-Adj: khó vượt qua được/i-đi; dur-khó khăn, hư hại; ati-vượt qua, kết thúc); sokā: sầu khổ, bi thương; tamhā: từ nơi người ấy; papatanti: rơi khỏi, ngã xuống; udabindu: giọt nước (uda-nước; bindu-rơi xuống); va: giống như; pokkharā: hoa sen, hoa súng
 
337) Taṃ vo vadāmi bhaddaṃ vo, yāvantettha samāgatā;
Taṇhāya mūlaṃ khaṇatha, usīratthova bīraṇaṃ;
Mā vo naḷaṃva sotova, māro bhañji punappunaṃ.
337) Ta nói việc lành này:
Các ngươi cùng đến đây,
Hãy nhổ tận gốc ái,
Như người cần rễ thơm,
Nhổ cỏ Birana.
Đừng như cây lau sậy,
Theo dòng suối nước chảy.
Ma*phá hoại nhiều lần.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
vo: các ngươi; vadāmi: (ta) nói, bảo/vad-(nói); bhaddaṃ: phước lành, ban phước (bhadda-N: may mắn, phước lợi); vo: các ngươi; yāvantettha: vân tập nơi đây/yavanto: đông nhiều…giống như; ettha: nơi đây (yavanto+ettha=yavantettha); samāgatā: hãy đến (samagata-Adj: tập hợp, đến cùng nhau); taṇhāya: ái dục; mūlaṃ: gốc, căn nguyên; khaṇatha: nhổ, bứng khỏi; usīratthova: như người cần cầu rễ (cỏ) thơm (usirattha-muốn cần gốc rễ/usira-rễ cỏ thơm; attha-lợi ích, tăng ích); bīraṇaṃ: cỏ Birana; mā: không, đừng nên; vo: các ngươi; naḷaṃva: như cây lau sậy; sotova: (theo) với dòng suối chảy; māro: ma (mara-hóa thân của cái chết, kẻ tà ác, ma quỷ); bhañji: phá hoại được, có thể phá hoại; punappunaṃ: lần này đến lần khác
*Ma còn nghĩa là sự chết, cái ác, sự tái sanh tương tục
 
338) Yathāpi mūle anupaddave daḷhe,
chinnopi rukkho punareva rūhati;
Evampi taṇhānusaye anūhate,
nibbattatī dukkhamidaṃ punappunaṃ.
338) Như rễ cứng chưa phá,
Chặt rồi, cây mọc lại.
Ái dục ngầm chưa đoạn,
Đau khổ sẽ tái sinh.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yathā: giống như, đúng như; pi: cũng, thậm chí; mūle: rễ, cơ sở; anupaddava: chưa được phá hoại (anupaddava-Adj: không bị thương, không gặp nguy hiểm, an toàn); dalhe: cứng, kiên cố; chinno: đã chặt đứt (chinna-Adj: cắt đứt, hủy hoại); pi: nt; rukkho: cây cối; puna: tiếp tục, lại lần nữa; iva (eva): chỉ, chỉ là; rūhati: mọc lên, sanh trưởng; evam: như thế; pi: nt; taṇhānusaye: ái dục ngủ ngầm (tanhanusaya-N: tùy miên ái dục, ham muốn ngủ ngầm/tanha-N: khát ái, ham muốn; anusaya-N: chỗ ngủ nghỉ); anūhate: chưa đoạn tuyệt (uhata-Adj: cắt đứt, đoạn diệt); nibbattatī: sản sinh, tái sinh, tồn tại; dukkham (idaṃ-này): đau khổ; punappunaṃ: lần này đến lần khác, thêm một lần nữa
 
339) Yassa chattiṃsati sotā, manāpasavanā bhusā;
Vāhā vahanti duddiṭṭhiṃ, saṅkappā rāganissitā.
339) Ba mươi sáu dòng nước*,
Chảy mạnh về lạc thú,
Dẫn theo những tà kiến,
Nương ái dục tư duy.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yassa: ấy, những người ấy; chattiṃsati: ba mươi sáu; sotā: dòng, suối nước; manāpasavanā: chảy về phía mong muốn, chảy về lạc thú (manapa-Adj: thú vị, khiến người dễ chịu; savana-N: chảy, lưu động); bhusā: mạnh mẽ, rộng lớn; vāhā: đưa, mang, dẫn; vahanti: mang theo, chấp lấy; duddiṭṭhiṃ: tà kiến, ác kiến (du-ác, xấu, sai trái; ditthi-quan điểm, niềm tin, lý luận, ý tưởng); saṅkappā: tư duy, tư tưởng; rāganissitā: nương vào ái dục, trói buộc vào tình ái (raga-N: ham muốn, dục vọng, đam mê; nissita-Adj: bám víu, gắn liền với)
*Dòng ái dục bao gồm 3 nhóm: dục ái (12), hữu ái (12), phi hữu ái (12), mỗi nhóm gồm có 12 xứ (sáu căn và sáu trần)
 
340) Savanti sabbadhi sotā, latā uppajja tiṭṭhati;
Tañca disvā lataṃ jātaṃ, mūlaṃ paññāya chindatha.
340) Dòng nước chảy khắp nơi,
Dây leo sinh và trụ.
Thấy cây leo mọc lên,
Dùng trí tuệ đoạn gốc.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
savanti: con sông, dòng nước, dòng chảy; sabbadhi: đến khắp nơi, có mặt khắp nơi; sotā: chảy (dòng nước); latā: dây nho, cây leo; uppajja: sinh ra, leo lên, bộc phát; tiṭṭhati: trụ lập, tồn tại; tañca (tam+ca): và (người) đó; disvā: thấy được, đã thấy; lataṃ: dây leo; jātaṃ: mọc lên, sanh trưởng; mūlaṃ: gốc (mūla-N: gốc, mặt đất, nền tảng); paññāya: dùng trí tuệ; chindatha: chặt đứt, đoạn
 
341) Saritāni sinehitāni ca, somanassāni bhavanti jantuno;
Te sātasitā sukhesino, te ve jātijarūpagā narā.
341) Dòng chảy tràn dục vọng,
Trong hỷ lạc thế nhân.
Người dính mắc lạc thú,
Và theo đuổi hạnh phúc,
Phải trải nghiệm sanh, già.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
saritāni: dòng chảy, lưu chuyển; sinehitāni: tràn đầy dục vọng, sự háo sắc (sineh-ham muốn, khao khát/aritāni sinehitāni: chảy và tràn đầy dục vọng); ca: và; somanassāni: hỷ lạc (somanassa-hạnh phúc, khoái lạc, niềm vui); bhavanti: là (ở trong đó); jantuno: con người (jantu-sự tồn tại, con người, sinh vật); te: những ai đó; sātasitā: chấp trước (dính mắc) vào lạc thú (satasita-Adj: chấp trước vào lạc thú/sita-Adj: gắn liền với, chấp trước); sukhesino: những người theo đuổi hạnh phúc lạc thú (sukha-N: hạnh phúc; esin-Adj: tìm kiếm, theo đuổi, hy vọng, mong muốn); te: những (người) đó; ve: quả thực; jātijarūpagā: trải qua sinh và già (jati-N: sinh, tái sinh; jara-N: tuổi già; upaga-Adj: kinh nghiệm, đến, trải nghiệm); narā: họ, những người
 
342) Tasiṇāya purakkhatā pajā, parisappanti sasova bandhito;
Saṃyojanasaṅgasattakā, dukkhamupenti punappunaṃ cirāya.
342) Người tùy thuận ái dục,
Trườn như thỏ bị trói.
Bị kiết sử ràng buộc,
Còn chịu khổ lâu dài.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
tasiṇāya: ái dục; purakkhatā: tùy thuận, ca ngợi…; pajā: con người; parisappanti: bò, trườn, chạy; saso: con thỏ/va: giống như; bandhito: bị trói, bị bắt; saṃyojanasaṅgasattakā: người bị kiết sử và chấp trước ràng buộc (sajyojana-N: kiết sử, kiết phược; saṅga-N: chấp trước, bám vào; sattaka-N: sự gắn bó, sự ràng buộc); dukkham: khổ; upenti: tiếp cận, trải qua; punappunaṃ: lặp lại; cirāya: thời gian lâu dài/cira-Adj: dài (thời gian)
 
343) Tasiṇāya purakkhatā pajā, parisappanti sasova bandhito;
Tasmā tasiṇaṃ vinodaye, ākaṅkhanta virāgamattano.
343) Người tùy thuận ái dục,
Trườn như thỏ bị trói.
Vậy hãy đoạn khát ái,
Tự khát cầu ly dục.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
tasiṇāya: ái dục; purakkhatā: tùy thuận, ca ngợi…; pajā: con người; parisappanti: bò, trườn, chạy; saso: con thỏ/va: giống như; bandhito: bị trói, bị bắt; tasmā: do vậy; tasiṇaṃ: khát ái; vinodaye: hãy loại bỏ, tiêu trừ, vứt bỏ; ākaṅkhanta: hãy khát cầu, hy vọng (kaṅkha-(mong đợi, mong muốn); virāgam: sự ly dục  (viraga-N: thiếu ham muốn, thiếu đam mê); attano: tự mình
 
344) Yo nibbanatho vanādhimutto, vanamutto vanameva dhāvati;
Taṃ puggalametha passatha, mutto bandhanameva dhāvati.
344) Bỏ dục tâm hướng rừng,
Ly dục, chạy về lại,
Hãy nhìn người như thế,
Được thoát, trở lại buộc!
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yo: người ấy; nibbanatho: bỏ rừng, không rừng (chỉ cho người không có dục vọng/nibbanatha-Adj: không có bụi cây, ngụ ý cuộc sống không có đời sống gia đình); vanādhimutto: tâm hướng rừng (vana-N: rừng cây/đời sống xuất gia; adhimutta-Adj: ý định, khuynh hướng, cấp cho); vanamutto: thoát khỏi, viễn ly rừng/chỉ cho người ly dục (vana-N: rừng cây; mutta-Adj: xả, bỏ); vanam: rừng; eva: chỉ; dhāvati: chạy, chạy tới; taṃ puggalam: người ấy; etha: đến, tới; passatha: hãy nhìn; mutto: người được thoát; bandhanam: trói buộc; eva: nt; dhāvati: chạy, chạy đến
 
345) Na taṃ daḷhaṃ bandhanamāhu dhīrā,
yadāyasaṃ dārujapabbajañca;
Sārattarattā maṇikuṇḍalesu,
puttesu dāresu ca yā apekkhā.
345) Bậc trí đã nói rằng,
Xiềng xích ấy không chắc,
Dù làm bằng sắt, gỗ,
Hoặc dây babbaja;
Ái của báu, vợ, con,
Là xiềng xích mãnh liệt.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
na: không; taṃ: cái ấy; daḷhaṃ: kiên cố, chắc chắn; bandhanam: xiềng xích, dây trói buộc, nhà tù; āhu: đã nói, tuyên bố; dhīrā: người trí; yad: cái ấy, những người ấy; āyasaṃ: sắt, làm bằng sắt (ayo-sắt); dāruja: làm bằng gỗ; pabbaja: dây cỏ babbaja (cỏ đăng tâm)/pabbaja-Adj: do cỏ babbaja grass chế thành); ca: và; sārattarattā: ái luyến mãnh liệt (saratta-Adj: chấp trước, phụng hiến, nương theo; ratta-Adj: say mê, mê đắm); maṇikuṇḍalesu: đối với báu thạch và đồ trang sức (mani-N: đá quý, pha lê; kundala-N: bông tai, đồ trang sức); puttesu: đối với con; dāresu: đối với vợ; ca: và; yā: cái đó, kẻ đó; apekkhā: có ham muốn, khát ái
 
346) Etaṃ daḷhaṃ bandhanamāhu dhīrā,
ohārinaṃ sithilaṃ duppamuñcaṃ;
Etampi chetvāna paribbajanti,
anapekkhino kāmasukhaṃ pahāya.
346) Bậc trí đã nói rằng,
Xiềng xích này vững chắc,
Và khiến người đọa lạc,
Lỏng lẻo mà khó thoát.
Xuất gia chặt đứt nó.
Xả dục, người vô dục.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
etaṃ: cái này; daḷhaṃ: kiên cố, chắc chắn (dalha-Adj: kiên cố, kiên định); bandhanam: xiềng xích, dây trói buộc, nhà tù; āhu: đã nói, tuyên bố; dhīrā: người trí; ohārinaṃ: đọa lạc, bị kéo xuống; sithilaṃ: lỏng lẻo, thuận tùng (sithila-Adj: lỏng lẻo, khuất phục); duppamuñcaṃ: khó thoát khỏi (pamubca-Adj: thả lỏng, thư giãn (muc-tự do, du-khó, xấu); etaṃ: cái này; pi: cũng; chetvāna: đã chặt đứt, phá hủy; paribbajanti: xuất gia du phương khất thực (bốn phương du lãng/vaj-(đi), pari-(châu vi, xung quanh); anapekkhino: người vô trước, người vô dục; kāmasukhaṃ: khoái cảm dục lạc (kamasukha Lạc thú giác quan/kama-N: khoái lạc, hưởng thụ, ham muốn nhục dục; sukha-N: hạnh phúc, thoải mái, phúc lợi); pahāya: đã xả bỏ
 
347) Ye rāgarattānupatanti sotaṃ, sayaṃkataṃ makkaṭakova jālaṃ;
Etampi chetvāna vajanti dhīrā, anapekkhino sabbadukkhaṃ pahāya.
347) Rơi vào dòng đắm dục,
Như nhện tự dệt lưới.
Bậc trí đoạn, lìa khỏi,
Dứt khổ, người vô dục.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
ye: người ấy; rāgarattā: đắm dục, say đắm tham dục (rāga-N: đam mê, khát khao, tình dục; rattā-Adj: phấn khích, mê hoặc, mê đắm); anupatanti: rơi vào, theo; sotaṃ: dòng nước, dòng suối; sayaṃkataṃ: tự làm (sayav-Adv: tự mình, tự ngã; kata-Adj: hoàn thành, chế tác, tạo ra/kar-(làm); makkaṭakova: giống như một con nhện (va: giống như); jālaṃ: lưới, bẫy; etaṃ: điều này; pi: cũng (etampi-đây cũng là); chetvāna: đã đoạn dứt, phá hủy (chid-chặt đứt); vajanti: rời đi, lang thang, bước đi; dhīrā: bậc trí, người hiền; anapekkhino: người vô dục cầu; sabbadukkhaṃ: tất cả khổ (sabba-Adj: mọi thứ, tất cả; dukkha-N: phiền muộn, đớn đau, đau khổ); pahāya: đã xả bỏ, dứt trừ
 
348) Muñca pure muñca pacchato, majjhe muñca bhavassa pāragū;
Sabbattha vimuttamānaso, na punaṃ jātijaraṃ upehisi.
348) Buông quá, hiện, vị lai,
Sẽ đến được bờ kia.
Người tâm giải thoát hẳn,
Sẽ không còn sanh, lão.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
muñca: buông bỏ, phóng thích; pure: từ trước, từ quá khứ; muñca: nt; pacchato: vị lai, tương lai; majjhe: ở trung gian, hiện tại; muñca: nt; bhavassa: sẽ là, sẽ trở thành (bhava-N: trở thành, tồn tại); pāragū: đến được bờ kia (para-bờ đối diện, phía bên kia; gu-đi, đã đi đến rồi); sabbattha: tất cả, đến chỗ, mỗi nơi; vimuttamānaso: người với tâm giải thoát (vimutta-Adj: giải thoát, tự do, phóng thích; manasa-N: tâm, suy nghĩ, ý định, tâm trí); na: không; punaṃ: lần nữa, tiếp tục; jātijaraṃ: sanh và lão (jati-sinh, tái sinh; jara-tuổi già); upehisi: sẽ tiếp cận, đi qua
 
349) Vitakkamathitassa jantuno, tibbarāgassa subhānupassino;
Bhiyyo taṇhā pavaḍḍhati, esa kho daḷhaṃ karoti bandhanaṃ.
349) Người tâm tư loạn tưởng,
Dục mạnh, đắm lạc thú,
Ái dục cứ tăng trưởng,
Tự tạo dây trói chặt.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
vitakkamathitassa: tư tưởng hỗn loạn (vitakka-N: tư tưởng, suy nghĩ; pamathita-Adj: tâm ý phiền loạn, mất cân bằng, bồn chồn); jantuno: một người, hiện hữu; tibbarāgassa: dục vọng mạnh mẽ (tibbarāga-Adj: đam mê mạnh mẽ/tibba-Adj: sắc bén, mạnh mẽ, mãnh liệt; raga-N: sự phấn khích, ham muốn); subhānupassino: người đắm tưởng niềm vui, lạc thú (subha-Adj: khoái lạc, dễ chịu; anupassin-Adj: đắm tưởng, chiêm nghiệm, quan sát); bhiyyo: nhiều, càng nhiều; taṇhā: ái dục; pavaḍḍhati: tăng trưởng, gia tăng; esa: điều này; kho: quả thực như thế; karoti: tạo thành; daḷhaṃ: rắn chắc; bandhanaṃ: dây ràng buộc, trói buộc
 
350) Vitakkūpasame ca yo rato, asubhaṃ bhāvayate sadā sato;
Esa kho byantikāhiti, esa checchati mārabandhanaṃ.
350) Người chuyên tâm tĩnh lặng,
Quán bất tịnh, thường niệm,
Sẽ trừ được ái dục,
Cắt dây trói của Ma.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
vitakkūpasame: tư tưởng tĩnh lặng (vitakkupasama-tư tưởng bình tĩnh; vitakka-N: suy nghĩ, tư tưởng; upasama-N: tĩnh lặng, bình tĩnh, yên tĩnh); ca: và; yo: người ấy; rato: người chuyên chú, người chuyên tâm (rata-Adj: chuyên chú); asubhaṃ: bất tịnh, bất hảo; bhāvayate: quán tưởng; sadā: thường, luôn luôn; sato: chánh niệm, tỉnh giác; esa: người này, điều này; kho: quả thực; byantikāhiti: sẽ từ bỏ, tiêu diệt (byanta-Adj: từ bỏ, di dời, hoàn thành; kahiti-V: sẽ làm được); esa: người này; checchati: sẽ cắt đứt, loại bỏ; mārabandhanaṃ: dây trói của ma (mara-ma quỷ, kẻ ác, cái chết; bandhana-ràng buộc, trói buộc
 
351) Niṭṭhaṅgato asantāsī, vītataṇho anaṅgaṇo;
Acchindi bhavasallāni, antimoyaṃ samussayo.
351) Bậc cứu cánh, vô úy,
Bậc ly ái, vô cấu,
Đoạn mũi tên hiện hữu,
Đây là thân cuối cùng.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
niṭṭhaṅgato: người đắc cứu cánh, giải thoát rốt ráo (nittha-N: kết luận, sự hoàn hảo, đỉnh cao, mục tiêu; gata-Adj: đã đến); asantāsī: người vô úy (santasa-N: sợ hãi, run rẩy); vītataṇho: người ly ái dục (vita-Adj: tiêu mất; tanha-N: khát khao, ham muốn); anaṅgaṇo: người vô cấu uế, không tỳ vết (avgana-N: tàn nhang, lốm đốm); acchindi: đã cắt đứt, đọan trừ; bhavasallāni: hữu tiễn, mũi tên hiện hữu (bhavasalla-N: mũi tên của Hiện hữu/bhava N: trở thành, tồn tại; salla-N: mũi tên); antimoyaṃ: tối hậu, cuối cùng (antima-tối hậu+ayaṃ: cái này); samussayo: thân thể (samussaya-N: sanh mạng, cơ thể, sự tích lũy, tổ hợp)
 
352) Vītataṇho anādāno, niruttipadakovido;
Akkharānaṃ sannipātaṃ, jaññā pubbāparāni ca;
Sa ve ‘antimasārīro, mahāpañño mahāpuriso’ti vuccati.
352) Không ái, không chấp trước,
Người tinh thông ngôn ngữ,
Biết từ, pháp trình tự,
Người với thân cuối cùng,
Thực sự được gọi là:
Bậc đại trí, ưu việt.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
vītataṇho: người không ái dục (vita-Adj: tiêu mất; taha-N: khát khao, ham muốn); anādāno: người không chấp trước, không ràng buộc (anadana-Adj: không có chấp trước/adana-N: gắn bó, chấp trước); niruttipadakovido: người thông hiểu văn pháp-cú nghĩa (niruttipadakovida-Adj: tinh thông ngôn ngữ kinh văn/nirutti-N: văn pháp, cách phát âm; pada-N: tục ngữ, từ, thi cú; kovida-Adj: biết, sở hữu "tri thức"); akkharānaṃ: từ vựng (akkhara-N: âm thanh, ngữ điệu, từ ngữ); sannipātaṃ: ngữ pháp, kết cấu; jaññā: biết, hiểu biết; pubbāparāni: theo trình tự, thứ tự trước sau (pubba-phần trước, trước đó; apara-theo sau, tiếp theo, cái khác); ca: và; sa: người ấy; ve: quả thực; ‘antimasārīro: người với thân cuối cùng (antima-Adj: tối hậu, cuối cùng; sarira-N: sanh mạng, thân thể); mahāpañño: bậc đại trí tuệ (mahant-Adj: lớn, vĩ đại; pañña-N: đại trí tuệ); mahāpuriso’: người ưu việt, xuất sắc (mahant-Adj: lớn, vĩ đại; purisa-N: người ); ti: “…”câu dẫn trong ngoặc; vuccati: được gọi là
 
353) Sabbābhibhū sabbavidūhamasmi,
sabbesu dhammesu anūpalitto;
Sabbañjaho taṇhakkhaye vimutto,
sayaṃ abhiññāya kamuddiseyyaṃ.
353) Ta chiến thắng tất cả,
Ta biết rõ tất cả.
Nơi Pháp, ta vô nhiễm,
Ta buông bỏ hết thảy,
Diệt ái dục, giải thoát,
Tự thông suốt hoàn toàn,
Ai được gọi thầy ta?
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
sabbābhibhū: người chiến thắng tất cả (sabbābhibhū-Adj: Chinh phục tất cả, chiến thắng mọi thứ/sabba-Adj: toàn bộ, tất cả; abhibhu-Ad: vượt qua, chinh phục); sabbavidū: người biết rõ tất cả (Bậc Nhất thiết trí, Toàn tri)/sabba-Adj: toàn bộ, tất cả; vidū-Adj: thông minh, trí sáng, hiểu biết, biết rõ); aham: ta; asmi-V: (ta) là; sabbesu: nơi tất cả; dhammesu: pháp, ở trong hiện tượng (dhamma-N: trạng thái, sự vật); anūpalitto: người vô nhiễm (upalitta-Adj: bị vấy bẩn, bị ô nhiễm); sabbañjaho: người buông bỏ hết thảy (sabba-Ad: nt; jaha-Adj: buông bỏ, bỏ cuộc, rời khỏi); taṇhakkhaye: tiêu diệt ái dục (tanha-N: khao khát, ham muốn; khaya-N: sự hủy diệt, tan rã, kết thúc); vimutto: người giải thoát (vimutta-Adj: giải phóng, tự do, thoát khỏi); sayaṃ: tự mình; abhiññāya: toàn tri, thông hiểu hoàn toàn; kam: ai; uddiseyyaṃ: được xưng (ta chỉ ra ai là thầy đây)
 
354) Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti, sabbarasaṃ dhammaraso jināti;
Sabbaratiṃ dhammarati jināti, taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti.
354) Pháp thí thắng các thí,
Pháp vị thắng các vị,
Pháp lạc thắng các lạc,
Ái diệt, thắng các khổ.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
sabbadānaṃ: tất cả sự bố thí (sabba-Adj: toàn bộ, tất cả; dana-N: cho, tặng (từ thiện); dhammadānaṃ: pháp thí (dhamma-N: pháp luật, lời dạy của phật, chánh nghĩa; dana-N: nt); jināti: thắng hơn, chinh phục; sabbarasaṃ: tất cả các vị (sabbarasa-N: tất cả khẩu vị/sabba-Adj: tất cả; rasa-N: nước trái cây, đạo vị, hương vị); dhammaraso: pháp vị  (dhammarasa-đạo vị của phật pháp); jināti: thắng hơn, chinh phục; sabbaratiṃ: tất cả các lạc (sabba-Adj: toàn bộ; rati-N: vui sướng, hạnh phúc, hỷ lạc); dhammarati: pháp lạc; jināti: nt; taṇhakkhayo: người diệt hết ái (tanha-N: khao khát, ham muốn; khaya-N: sự hủy diệt, tan rã, kết thúc); sabbadukkhaṃ: tất cả khổ (sabba-Adj: tất cả; dukkha-N: nỗi thống khổ); jināti: thắng hơn, chinh phục
 
355) Hananti bhogā dummedhaṃ, no ca pāragavesino;
Bhogataṇhāya dummedho, hanti aññeva attanaṃ.
355) Giàu có hại người ngu,
Nhưng không hại những người,
Đang cầu đến bờ kia.
Người ngu ham của cải,
Tự hại mình và người.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
hananti: làm hại, sát hại; bhogā: sự giàu có; dummedhaṃ: người ngu (dummedha-Adj: ngu si); no: không; ca: và; pāragavesino: người cầu đến bờ kia (para-N: bờ đối diện, bờ bên kia; gavesin-Adj: nỗ lực theo đuổi, tìm kiếm); bhogataṇhāya: do tham ái của cải (bhoga-N: sở hữu, sự giàu có; tanha-N: khát ái); dummedho: người ngu; hanti: làm hại, sát hại; aññeeva: (và) giống như người khác; attanaṃ: tự mình
 
356) Tiṇadosāni khettāni, rāgadosā ayaṃ pajā;
Tasmā hi vītarāgesu, dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.
356) Cỏ dại hại ruộng vườn,
Tham dục hại con người.
Bố thí người lìa tham,
Do đây được quả lớn.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
tiṇadosāni: bị cỏ dại làm hại (tina-N: cỏ, cỏ dại; dosa-N: mục nát, hư hỏng, hư hại, lỗi); khettāni: cánh đồng, ruộng, vườn; rāgadosā: bị tham dục (sắc dục) làm hại (raga-N: sự tham muốn, sắc dục, dục vọng; dosa-N: nt); ayaṃ pajā: những người này; tasmā: do đây; hi: quả thực; vītarāgesu: với người lìa tham (vita-Adj: ly, tiêu mất; raga-N: sự tham muốn, dục vọng); dinnaṃ: bố thí, cấp cho; hoti: là; mahapphalaṃ: quả báo lớn (mahant-Adj: lớn, vĩ đại, rất nhiều; phala-N: quả, nước trái cây)
 
357) Tiṇadosāni khettāni, dosadosā ayaṃ pajā;
Tasmā hi vītadosesu, dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.
357) Cỏ dại hại ruộng vườn,
Sân hận hại con người.
Bố thí người lìa sân,
Do đây được quả lớn.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
tiṇadosāni: bị cỏ dại làm hại (tina-N: cỏ, cỏ dại; dosa-N: mục nát, hư hỏng, hư hại, lỗi); khettāni: cánh đồng, ruộng, vườn; dosadosā: bị sân hận làm hại (dosa có 2 nghĩa in pali: a) dosa-N: sân hận, ác ý, hận thù, giận dữ; b) dosa-N: suy đồi, tổn hại, lỗi lầm); ayaṃ pajā: những người này; tasmā: do đây; hi: quả thực; vītadosesu: với người lìa sân (vita-Adj: lìa, tiêu mất; dosa-N: sân hận, ác ý, hận thù); dinnaṃ: bố thí, cấp cho; hoti: là; mahapphalaṃ: quả báo lớn
 
358) Tiṇadosāni khettāni, mohadosā ayaṃ pajā;
Tasmā hi vītamohesu, dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.
358) Cỏ dại hại ruộng vườn,
Si mê hại con người.
Bố thí người lìa si,
Do đây được quả lớn.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
tiṇadosāni: bị cỏ dại làm hại (tina-N: cỏ, cỏ dại; dosa-N: mục nát, hư hỏng, hư hại, lỗi); khettāni: cánh đồng, ruộng, vườn; mohadosā: bị ngu si (ảo tưởng) làm hại (moha-N: ảo tưởng, mê hoặc; dosa-N: suy đồi, tổn hại, lỗi lầm); ayaṃ pajā: những người này; tasmā: do đây; hi: quả thực; vītamohesu: với người lìa si mê (vita-Adj: ly, tiêu mất; moha-N: vọng tưởng, mê hoặc, nhầm lẫn); dinnaṃ: bố thí, cấp cho; hoti: là; mahapphalaṃ: quả báo lớn (mahant-Adj: lớn, vĩ đại, rất nhiều; phala-N: quả, nước trái cây)
 
359) Tiṇadosāni khettāni, taṇhādosā ayaṃ pajā;
Tasmā hi vītataṇhesu, dinnaṃ hoti mahapphalaṃ.
359) Cỏ dại hại ruộng vườn,
Ái dục hại con người.
Bố thí người lìa dục,
Do đây được quả lớn.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
tiṇadosāni: bị cỏ dại làm hại (tina-N: cỏ, cỏ dại; dosa-N: mục nát, hư hỏng, hư hại, lỗi); khettāni: cánh đồng, ruộng, vườn; taṇhādosā: bị ái dục làm hại (iccha-N: dục vọng, khao khát; dosa-N: dosa-N: suy đồi, tổn hại, lỗi lầm); ayaṃ pajā: những người này; tasmā: do đây; hi: quả thực; vītataṇhesu: với người lìa dục (vigata-Adj: ly, tiêu mất; iccha-N: dục vọng, khát vọng); dinnaṃ: bố thí, cấp cho; hoti: là; mahapphalaṃ: quả báo lớn)



No comments:

Post a Comment

New York - Buddhism News

Buddhism Lion's Roar

Buddhism | The Guardian

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States