Thursday, December 5, 2024

Kinh Pháp Cú-Phẩm Tỷ Kheo (25)

Ni Sư Tịnh Quang dịch Việt

360) Cakkhunā saṃvaro sādhu, sādhu sotena saṃvaro;
Ghānena saṃvaro sādhu, sādhu jivhāya saṃvaro.
360) Lành thay, nhiếp hộ mắt.
Lành thay, nhiếp hộ tai.
Lành thay, nhiếp hộ mũi.
Lành thay, nhiếp hộ lưỡi.

Đối chiếu Pāli-Việt:
cakkhunā: đối với mắt (cakkhu-N: mắt, nhãn căn); saṃvaro: nhiếp hộ, kiềm chế, thâu nhiếp; sādhu: lành thay, tốt, có phẩm đức; sotena: đối với lỗ tai (sota-N: nhĩ căn); saṃvaro: nt; ghānena: đối với mũi (ghana-N: tỷ căn); saṃvaro: nt; sādhu: lành thay; jivhāya: đối với lưỡi (jivha-N: thiệt căn); saṃvaro: nt
 
361) Kāyena saṃvaro sādhu, sādhu vācāya saṃvaro;
Manasā saṃvaro sādhu, sādhu sabbattha saṃvaro;
Sabbattha saṃvuto bhikkhu, sabbadukkhā pamuccati.
361) Lành thay, nhiếp hộ thân.
Lành thay, nhiếp hộ lời.
Lành thay, nhiếp hộ ý.
Lành thay, nhiếp hết thảy,
Tỷ kheo nhiếp tất cả,
Sẽ thoát mọi khổ đau.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
kāyena: đối với thân (kaya-N: thân thể); saṃvaro: nhiếp hộ, kiềm chế, thâu nhiếp; sādhu: lành thay, tốt, có phẩm đức; vācāya: đối với lời (vaca-N: ngôn ngữ, thanh âm); saṃvaro: nt; manasā: đối với ý (manas-N: ý, đầu não); saṃvaro: nhiếp hộ, kiềm chế, thâu nhiếp; sādhu: lành thay; sabbattha: hết thảy chỗ, tất cả nơi; saṃvaro: nt; sabbattha: nt; saṃvaro: nt; bhikkhu: Tỷ kheo, Tăng lữ; sabbadukkhā: từ tất cả khổ (sabba-Adj: toàn bộ, tất cả; dukkha-N: phiền muộn, đau khổ, khổ nạn); pamuccati: được giải thoát
 
362) Hatthasaṃyato pādasaṃyato, vācāsaṃyato saṃyatuttamo;
Ajjhattarato samāhito, eko santusito tamāhu bhikkhuṃ.
362) Người kiềm chế tay, chân,
Kiềm chế được lời nói;
Kiềm chế được hoàn toàn,
Nội tâm vui, kiên định,
Đơn độc và tri túc,
Được gọi là Tỷ kheo.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
hatthasaṃyato: người kiềm chế (điều ngự) tay (hattha-N: tay; sajyata-Adj: kiềm chế, kiểm soát); pādasaṃyato: người kiềm chế (điều ngự) chân (pada-N: chân, bàn chân; sajyata-Adj: nt); vācāsaṃyato: người kiềm chế (điều ngự) lời nói (vaca-N: ngôn ngữ; sajyata-Adj: nt); saṃyatuttamo: người kiềm chế (điều ngự) hoàn toàn (sajyata-Adj: kiềm chế, kiểm soát; uttama-Adj: cao nhất, hoàn chỉnh); ajjhattarato: người mà nội tâm vui vẻ (ajjhatta-Adj: hướng nội, từ bên trong rata-Adj: khiến người vui vẻ, dễ chịu); samāhito: sự kiến lập định, kiên định (samahita-Adj: vững chắc, kiên định, kiến lập); eko: đơn độc, một mình (eka: một); santusito: tri túc (santusita-Adj: thỏa mãn, đầy đủ, vui mừng); tam: người ấy; āhu: nói, công bố (tamāhu: người được gọi); bhikkhuṃ: Tỷ kheo, Tăng lữ
 
363) Yo mukhasaṃyato bhikkhu, mantabhāṇī anuddhato;
Atthaṃ dhammañca dīpeti, madhuraṃ tassa bhāsitaṃ.
363) Tỷ kheo kiềm chế miệng,
Thuyết giảng không tự cao,
Giải thích Pháp và nghĩa,
Lời vị ấy ngọt ngào.

Đối chiếu Pāli-Việt:
yo: người ấy; mukhasaṃyato: tự kiềm chế (điều ngự) miệng (mukha-N: miệng); bhikkhu: Tỷ kheo; mantabhāṇī: thuyết giảng kinh văn (manta-N: văn bản tôn giáo, thánh bản, kinh văn, kinh điển; bhanin-Adj: lời nói); anuddhato: không tự cao, không kiêu mạn; atthaṃ: ý nghĩa, giá trị, nghĩa; dhammañ: pháp, giáo pháp, lời dạy của Phật; ca: và; dīpeti: giải thích, thuyết minh; madhuraṃ: sự ngọt nào; tassa: vị ấy, người đó; bhāsitaṃ: ngôn ngữ, lời nói
 
364) Dhammārāmo dhammarato, dhammaṃ anuvicintayaṃ;
Dhammaṃ anussaraṃ bhikkhu, saddhammā na parihāyati.
364) Vui, trú tâm trong Pháp,
Tư duy về Giáo pháp,
Tỷ kheo luôn niệm Pháp,
Sẽ không rời Chánh pháp.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
dhammārāmo: vui trong pháp (dhamma-N: pháp, lời dạy của Đức Phật; arama-N: niềm vui, hạnh phúc); dhammarato: trú tâm trong pháp, chí thành trong pháp (dhammarata-Adj: chí tâm ở nơi Pháp/dhamma-N: nt; rata-Adj: tập trung, chuyên tâm, cống hiến); dhammaṃ: giáo pháp, pháp; anuvicintayaṃ: tư duy, suy nghĩ, trầm tư; dhammaṃ: nt; anussaraṃ: ghi nhớ, ức niệm; bhikkhu: Tỷ kheo; saddhammā: từ chánh pháp; na parihāyati: không thối lui, không rời xa
 
365) Salābhaṃ nātimaññeyya, nāññesaṃ pihayaṃ care;
Aññesaṃ pihayaṃ bhikkhu, samādhiṃ nādhigacchati.
365) Không coi thường lợi mình,
Không ganh với người khác.
Tỷ kheo ganh tỵ người,
Sẽ không đắc được định.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
salābhaṃ: lợi ích của mình (sa-Adj: sở hữu, chính mình; labha-N: lợi ích, lợi nhuận; na atimaññeyya: không (nên) coi thường, không bỏ qua; na: không; aññesaṃ: người khác; pihayaṃ: ganh tị (pihayant-Adj: ghen tị, thèm muốn); care: theo, thể hiện/car-đi bộ, hành động); aññesaṃ: nt; pihayaṃ: ganh tị; bhikkhu: Tỷ kheo; samādhiṃ: định, tam-ma-địa (samadhi-N: chuyên chú, tâm kiên định); na: không; adhigacchati: đắc được, đạt đến, tìm được
 
366) Appalābhopi ce bhikkhu, salābhaṃ nātimaññati;
Taṃ ve devā pasaṃsanti, suddhājīviṃ atanditaṃ.
366) Tỷ kheo tuy nhận ít,
Không bỏ quên lợi mình.
Chư Thiên khen vị ấy,
Sống thanh tịnh, nỗ lực.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
appalābho: nhận được rất ít, có được rất ít (appa-Adj: ít, rất ít; labha-N: có được, đạt được, tích lũy); pi: cũng, thậm chí; ce: nếu như; bhikkhu: Tỷ kheo; salābhaṃ: lợi ích chính mình (labha-N: lợi ích, tăng ích, lợi nhuận/lābhaṃ: những gì nhận được, được lợi); na atimaññati: không bỏ qua, không bỏ quên; taṃ: người ấy; ve: quả thực; devā: chư thiên, thần; pasaṃsanti: khen ngợi, tán dương (sams-tuyên bố, chỉ ra); suddhājīviṃ: sống thanh tịnh (suddha-Adj: sạch sẽ, tinh khiết; ajivin-N: dẫn đầu cuộc sống); atanditaṃ: nỗ lực, không biếng nhác (atandita-Adj: tích cực, khắc ý)
 
367) Sabbaso nāmarūpasmiṃ, yassa natthi mamāyitaṃ;
Asatā ca na socati, sa ve ‘bhikkhū’ti vuccati.
367) Vị ấy với danh, sắc,
Hoàn toàn không ngã chấp.
Vô hữu và vô ưu,
Thực được gọi “Tỷ kheo”.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
sabbaso: một cách triệt để, hoàn toàn (sabba-Adj: toàn bộ); nāmarūpasmiṃ: với danh và sắc (namarupa-N: thân và tâm/nama-N: tâm; rupa-N: sắc, thân thể, yếu tố vật chất); yassa: vị ấy, người ấy; natthi: không có, không phải; mamāyitaṃ: ngã chấp, ngã ái (mamayati: hỷ ái, gắn chặt; mama: tôi, bản ngã); asatā: vô hữu, không có tồn tại (asant-không chân thật); ca: và; na socati: vô ưu, không lo buồn; sa: vị ấy; ve: quả thực; ‘bhikkhū’ti: “Tỷ kheo”; vuccati: được gọi là
 
368) Mettāvihārī yo bhikkhu, pasanno buddhasāsane;
Adhigacche padaṃ santaṃ, saṅkhārūpasamaṃ sukhaṃ.
368) Tỷ kheo trú tâm từ,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Sẽ đạt tịch tĩnh xứ,
Dứt tạo tác, an lạc.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
mettāvihārī: người trú ở tâm từ (metta-N: yêu thương, từ ái, thân thiện; viharin-Adj: trú, cư trú); yo: người ấy, người như vậy; bhikkhu: Tỷ kheo; pasanno: người có lòng tin, tịnh tín, hỷ tín (pasanna-Adj: tin tưởng, lòng tốt, vui vẻ, tươi sáng); buddhasāsane: đối với giáo pháp Phật (buddha-Adj: giác ngộ/N: người thức tỉnh, người giác ngộ; sāsana-N: giảng dạy, tin tức, Phật đạo-hướng dẫn Phật pháp); adhigacche: sẽ phát hiện, sẽ đạt được; padaṃ: xứ, cảnh giới; santaṃ: tịch tĩnh, yên lặng; saṅkhārūpasamaṃ: chấm dứt sự tạo tác, giải thoát pháp hữu vi (saṅkhārūpasama-N: chư hành tịch tĩnh, nhất thiết hữu vi pháp tịch diệt-Nirvana/saṅkhāra-N: hữu vi pháp, hiện tượng thế gian; upasama-N: bình tĩnh, yên tĩnh, tịch tĩnh); sukhaṃ: an vui, an lạc, hạnh phúc
 
369) Siñca bhikkhu imaṃ nāvaṃ, sittā te lahumessati;
Chetvā rāgañca dosañca, tato nibbānamehisi.
369) Hãy trống rỗng thuyền này,
Nó sẽ đi nhanh chóng.
Tỷ kheo đoạn tham, sân,
Sẽ đến được Niết bàn.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
siñca: hãy làm trống rỗng, “không”; Bhikkhu: Tỷ kheo; imaṃ: này; nāvaṃ: thuyền, ghe; sittā: đã trống không; te: đối với ngươi; lahum: một cách nhanh chóng, một cách nhẹ nhàng (lahu-Adj: nhẹ, nhanh); essati: sẽ đi được (thuyền sẽ chạy); chetvā: cắt đứt, đoạn diệt; rāgañ/rāgaṃ: tham dục, ham muốn; ca: và; dosañ/dosaṃ: sân nhuế, thù hận; ca: nt; tato: do đó; nibbānam: niết bàn; ehisi: sẽ đến được, tiếp cận
 
370) Pañca chinde pañca jahe, pañca cuttari bhāvaye;
Pañca saṅgātigo bhikkhu, ‘oghatiṇṇo’ti vuccati.
370) Nên đoạn năm (1), bỏ năm (2),
Và tu tập thêm năm (3),
Vượt năm chấp (4), Tỷ kheo,
Là: “Người vượt bộc lưu”(5).
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
pañca: năm; chinde: (nên) đoạn, cắt đứt; pañca: nt; jahe: (nên) bỏ, vứt, buông; pañca: năm; cuttari: tiến thêm một bước, thêm nữa (uttara-Adj: cao hơn/ca+uttari=cuttari); bhāvaye: (nên) tu tập, phát triển, bồi dưỡng; pañca: năm; saṅgātigo: người vượt năm chấp trước (saṅgā-N: dính mắc, chấp trước, kết hợp; atiga-Adj: vượt qua, khắc phục/pañcasaṅgātigo: người đã vượt qua được năm dính mắc); bhikkhu: Tỷ kheo; ‘oghatiṇṇo’ti: chính là “người vượt bộc lưu” (oghatinna-Adj: vượt qua nước lũ/ogha-N: nước lũ, nước lớn; tinna-Adj: khắc phục, vượt qua); vuccati: được xưng là
Chú thích:
1.Ngũ hạ phần kiết sử (là 5 loại phiền não của Dục giới): Dục giới Tham (kama-raga), Sân (vyapada), Thân kiến (sakkaya-ditthi), Giới thủ kiến (silabbata-paramasa), Nghi (vicikiccha),
2.Ngũ thượng phần kiết sử (phiền não của Sắc giới và Vô sắc giới): Sắc giới Tham (rupa-raga), Vô sắc giới Tham (arupa-raga), Trạo cử (uddhacca), Mạn (mana),  Vô minh (avijja).
3.Ngũ căn (nên tu tập): Tín (saddha), Tấn (viriya), Niệm (sati), Định (samadhi), Tuệ (pabba).
4.Ngũ trước (phiền não chấp trước): Tham (raga), Sân (dosa), Si (moha), Mạn (mana), (tà) Kiến (ditthi).
5.Bộc lưu: dòng nuớc lũ, nước lớn
 
371) Jhāya bhikkhu mā pamādo, mā te kāmaguṇe bhamassu cittaṃ;
Mā lohaguḷaṃ gilī pamatto, mā kandi ‘dukkhamida’nti ḍayhamāno.
371) Tỷ kheo nên thiền định,
Và chớ có buông lung.
Tâm đừng xoay theo dục,
Bất cẩn, nuốt hòn sắt,
Bị đốt, than: “khổ quá”!
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
jhāya: cần nên thiền định; bhikkhu: Tỷ kheo; mā: không, chớ nên; pamādo: buông lung, phóng dật; mā: nt; te: ngươi, bạn; kāmaguṇe: nơi (ngũ) dục (kamaguna-N: tính chất dục lạc/kama-N: niềm vui, sự thích thú, ham muốn nhục dục; guna-N: chất lượng, sự cấu thành, tính năng); bhamassu: xoay vòng, đi lang thang; cittaṃ: tâm; mā: không nên; lohaguḷaṃ: hòn sắt, quả cầu bằng sắt; gilī: nuốt, nhai nghiến; pamatto: bất cẩn (pamatta-Adj: lơ là, bất cẩn); mā: nt; kandi: than thở, khóc lóc; ‘dukkhamida’nti=dukkham idaṃ’ti: “khổ quá đây” (dukkha-N: khổ; idaṃ-đây, này); ḍayhamāno: bị thiêu cháy
 
372) Natthi jhānaṃ apaññassa, paññā natthi ajhāyato;
Yamhi jhānañca paññā ca, sa ve nibbānasantike.
372) Không định, không trí tuệ,
Không trí tuệ, không định.
Ai có định và tuệ,
Người ấy gần Niết-bàn.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
natthi: không có; jhānaṃ: thiền định; apaññassa: không có trí tuệ; paññā: trí tuệ; natthi: không có; ajhāyato: người không có thiền định; yamhi: người đó; jhānañca: thiền định và (ca: và); paññā: trí tuệ; ca: và; sa: người ấy; ve: quả thực; nibbānasantike: ở gần niết bàn, tiếp cận niết bàn, có niết bàn (nibbana-N: niết bàn; santika-N: tồn tại, hiện hữu, gần kề)
 
373) Suññāgāraṃ paviṭṭhassa, santacittassa bhikkhuno;
Amānusī rati hoti, sammā dhammaṃ vipassato.
373) Bước vào nơi trống vắng,
Tỷ kheo tâm tĩnh lặng.
Thọ hỷ lạc siêu phàm,
Với tuệ quán chánh pháp.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
suññāgāraṃ: nơi trống vắng, ngôi nhà trống rỗng (subba-Adj: không, vô hiệu; agara-N: nhà, địa phương, địa điểm); paviṭṭhassa: bước vào, tiến nhập; santacittassa: người tâm tĩnh lặng (santa-Adj: an lạc, yên tĩnh; citta-N: tâm, tâm trí); bhikkhuno: vị Tỷ kheo; amānusī: siêu phàm, khác với người thường; rati: hỷ duyệt, khoái lạc; hoti: là; sammā: chánh xác, chơn chánh, đúng như thế; dhammaṃ: pháp, giáo pháp Phật; vipassato: tuệ quán, thẩm quán (vipassant-Adj: thấy được rõ ràng, năng lực quán sát)
 
374) Yato yato sammasati, khandhānaṃ udayabbayaṃ;
Labhatī pītipāmojjaṃ, amataṃ taṃ vijānataṃ.
374) Khi nào thấu hiểu được,
Sự sinh diệt các uẩn*,
Vị ấy đạt hỷ, lạc,
Người biết rõ, bất tử.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yato yato: bất kỳ lúc nào (yato: từ khi, từ đâu, từ lúc nào); sammasati: nắm bắt, thấu hiểu được; khandhānaṃ: các uẩn/năm uẩn (khandha-N: tụ hợp, nhóm); udayabbayaṃ: sự sinh và diệt (udayabbaya-lên và xuống, tăng và giảm, sanh và diệt/udaya: tăng lên, tăng trưởng, sinh ra; bbaya: chết, tổn thất, suy tàn, giảm sút, chết); labhatī: đạt được; pītipāmojjaṃ: hỷ và lạc, hân hoan và khoái lạc (piti-N: khoái lạc, vui vẻ; pamojja-N: hỷ duyệt, hạnh phúc); amataṃ: bất tử (mata-Adj: tử); taṃ: người ấy; vijānataṃ: người hiểu biết, biết rõ (vijanant-Adj: biết, hiểu biết)
*Năm uẩn (khandha): rupa (sắc), vedana (thọ), sabba (tưởng), samkhara (hành) và vibbana (thức).
 
375) Tatrāyamādi bhavati, idha paññassa bhikkhuno;
Indriyagutti santuṭṭhi, pātimokkhe ca saṃvaro.
375) Đây là điều căn bản,
Của Tỷ kheo trí tuệ:
Nhiếp căn và tri túc,
Phòng hộ với giới luật.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
tatrāyam: này, đây (tatrā: nơi đây, ở đó + ayaṃ: cái này=tatrāyam); ādi: điều căn bản, khởi điểm; bhavati: là; idha: đây; paññassa: trí tuệ (pañña-Adj: trí sáng, đầy đủ trí tuệ); bhikkhuno: Tỷ kheo; indriyagutti: thâu nhiếp các căn (indriya-N: cảm giác, căn; gutti-N: nhiếp, bảo hộ, cảnh giác, đề phòng); santuṭṭhi: hài lòng, tri túc; pātimokkhe: giới, luật nghi (patimokkha-N: Tỷ kheo thọ cụ túc giới); ca: và; saṃvaro: phòng hộ, hộ trì
 
376) Mitte bhajassu kalyāṇe, suddhājīve atandite;
Paṭisanthāravuttyassa, ācārakusalo siyā;
Tato pāmojjabahulo, dukkhassantaṃ karissati.
376) Kết bạn có đức hạnh,
Sống trong sạch, siêng năng,
Tử tế, cử chỉ tốt;
Như thế, đủ niềm vui,
Sẽ chấm dứt đau khổ.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
mitte: bạn bè; bhajassu: nên kết giao; kalyāṇe: người có đức hạnh (kalyana-Adj: lương thiện, có đức hạnh); suddhājīve: sống trong sạch (suddha-Adj: sạch sẽ, thuần khiết; ajiva-N: sinh kế, lối sống); atandite: năng động, siêng năng (atandita-Adj: tích cực, nhạy bén, tập trung); paṭisanthāravutti: tử tế với người, biểu hiện thân thiết/patisanthara-N: thiện chí, danh dự, tình bạn; vutti-N: hành vi, hành động, sinh kế); assa: nên là (Paṭisanthāravutti+assa=Paṭisanthāravuttyassa); ācārakusalo: cử chỉ tốt, thiện hành (acara-N: hành động; kusala-Adj: thiện, tốt); siyā: sẽ, nên; tato: như thế; pāmojjabahulo: người đầy đủ niềm vui (pamojjabahula-Adj: sung mãn hỷ lạc/pamojja-N: hỷ duyệt, niềm vui, hạnh phúc bahula-Adj: đầy đủ, rất nhiều, dồi dào); dukkhassantaṃ: sự chấm dứt các khổ, kết thúc đau khổ (dukkhassa: đau khổ; antam=anta-N: kết thúc/dukkhassa+antam= dukkhassantam); karissati: sẽ làm, tạo nên, tác động
 
377) Vassikā viya pupphāni, maddavāni pamuñcati;
Evaṃ rāgañca dosañca, vippamuñcetha bhikkhavo.
377) Như hoa Vassikā*,
Rũ bỏ bông héo tàn.
Cũng thế, với tham, sân,
Tỷ kheo nên buông xả!
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
vassikā: hoa mạt lợi, hoa lài; viya: giống như; pupphāni: hoa, bông; maddavāni: khô héo, rụng tàn (pupphāni maddavāni: nụ hoa khô héo); pamuñcati: xả bỏ; evaṃ: như thế; rāgañca dosañca: tham và sân (rāgañ: tham lam, đam mê, ham muốn; ca: với; dosañ: sân hận, ác ý, giận dữ); vippamuñcetha: nên rũ bỏ, buông thả; bhikkhavo: các Tỷ kheo
 
378) Santakāyo santavāco, santavā susamāhito;
Vantalokāmiso bhikkhu, ‘upasanto’ti vuccati.
378) Thân tĩnh, lời nói tĩnh,
An tĩnh và kiên định,
Tỷ kheo xả trần tục,
Được gọi: “người tĩnh lặng”.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
santakāyo: thân tĩnh lặng (santa-Adj: bình tĩnh, yên bình, yên tĩnh kaya-N: thân thể); santavāco: lời nói tĩnh lặng (santa-Adj: nt; vaca-N: lời nói); santavā: an tĩnh, tĩnh lặng; susamāhito: kiên định, người trú định; vantalokāmiso: xả bỏ trần tục (vanta-Adj: vứt bỏ, xả bỏ; loka-N: thế gian, thế giới; amisa-N: tăng ích, lợi ích); bhikkhu: Tỷ kheo; ‘upasanto’ti: ‘người trầm tĩnh, người tĩnh lặng’; vuccati: được gọi là
 
379) Attanā codayattānaṃ, paṭimaṃsetha attanā;
So attagutto satimā, sukhaṃ bhikkhu vihāhisi.
379) Tự răn nhắc chính mình,
Tự kiểm soát chính mình.
Tự phòng hộ, chánh niệm,
Tỷ kheo sống an lạc.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
attanā: tự mình; codaya: nên thúc dục, răn nhắc; attānaṃ: chính mình; paṭimaṃsetha: nên kiểm soát, chế phục; attanā: nt; so: người ấy; attagutto: tự phòng hộ, tự điều phục; satimā: cụ niệm, chánh niệm; sukhaṃ: an lạc, hạnh phúc; bhikkhu: tỷ kheo; vihāhisi: sống, trú, nghỉ ngơi
 
380) Attā hi attano nātho, attā hi attano gati;
Tasmā saṃyamamattānaṃ, assaṃ bhadraṃva vāṇijo.
380) Tự mình bảo hộ mình,
Tự mình nương tựa mình,
Vậy nên tự điều ngự,
Như thương gia, ngựa tốt.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
attā: tự mình; hi: quả thực; attano: chính mình; nātho: chủ nhân, người bảo hộ (attano nātho: người tự bảo hộ mình); attā: nt; hi: nt; attano: nt; gati: nơi đi đến, nơi nương tựa, phương hướng; tasmā: như vậy; saṃyama: điều ngự, kiểm soát; attānaṃ: tự mình; assaṃ: ngựa; bhadraṃ: tốt; va: như; vāṇijo: thương gia, thương nhân
 
381) Pāmojjabahulo bhikkhu, pasanno buddhasāsane;
Adhigacche padaṃ santaṃ, saṅkhārūpasamaṃ sukhaṃ.
381) Tỷ kheo đầy niềm vui,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Đạt trạng thái tĩnh lặng,
Dừng các hành, an lạc.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
pāmojjabahulo: đầy đủ niềm vui (pamojja-N: hỷ duyệt, niềm vui, hạnh phúc; bahula-Adj: đầy đủ, rất nhiều, dồi dào); bhikkhu: Tỳ kheo; pasanno: tịnh tín, tin tưởng; buddhasāsane: nơi giáo pháp Phật (buddha-Adj: tỉnh thức; sasana-N: sự giảng dạy, thông tin); adhigacche: sẽ đạt được, phát hiện; padaṃ: cảnh giới, địa điểm, trạng thái; santaṃ: tĩnh lặng, an hòa; saṅkhārūpasamaṃ: dừng sự tạo tác (hữu vi pháp), giải thoát các hành nghiệp (saṅkhara-N: pháp hữu vi, thế giới hiện tượng; ūpasama-N: yên tĩnh, tĩnh lặng, yên tĩnh); sukhaṃ: hỷ lạc, an vui
 
382) Yo have daharo bhikkhu, yuñjati buddhasāsane;
Somaṃ lokaṃ pabhāseti, abbhā muttova candimā.
382) Tỷ kheo dù trẻ tuổi,
Chuyên tu lời Phật dạy,
Chiếu sáng thế gian này,
Như vầng trăng thoát mây.
 
Đối chiếu Pāli-Việt:
yo: người ấy; have: quả thực, chân thật; daharo: người trẻ tuổi; bhikkhu: Tỷ kheo (daharo bhikkhu: Tỷ kheo trẻ); yuñjati: cần tu, chuyên tu, nỗ lực; buddhasāsane: với lời Phật dạy; so: người; imaṃ: này; lokaṃ: thế gian, thế giới (imaṃ lokaṃ: thế giới này); pabhāseti: làm sáng, chiếu sáng; abbhā: mây; mutto: ra khỏi, thoát khỏi (mutta-Adj: được thả ra, thoát ra); va: giống như; candimā: mặt trăng





No comments:

Post a Comment

New York - Buddhism News

Buddhism Lion's Roar

Buddhism | The Guardian

--------------TRUYỆN NGẮN NỬA HỒN XUÂN

My photo
Garden Grove, CA, United States