Khái niệm ‘có’ và ‘không’ là hai phạm trù đối đãi hay đối lập của cuộc sống ở trên tất cả phương diện. Tư tưởng có-không là tiền đề cho sự hiện hữu trong hành động và trong tư duy của chúng ta. Chúng ta đang ‘sống’ đồng nghĩa với đang có, tuy nhiên, không hẳn là ‘có’ hoàn toàn; chúng ta ‘chết’, đồng nghĩa với ‘không’ mà thực sự có ‘không’ không?
Câu Tâm kinh Bát nhã mà chúng ta đọc hằng ngày: “sắc tức thị không, không tức thị sắc...” Chỉ một câu này thôi ai cũng nhớ, nhưng để liễu ngộ để đạt đến trí tuệ siêu việt thoát khỏi nỗi lo âu sợ hãi về cái sống và cái chết cơ hồ không phải dễ.
Sắc là hình thái vật chất mà mắt có thể thấy, tai có thể nghe…, sắc là biểu tượng của hợp thể 5 uẩn, khi nói rằng sắc là không, Tâm kinh muốn cho chúng ta thấy rõ thực tướng của sắc là duyên hợp, không có tự ngã duy nhất, nên ‘sắc là không’. Hiểu như thế, chúng ta có thể hiểu được rằng ‘không tức là sắc’, từ chân không mới phát sinh hình tướng cụ thể.
Theo pháp biện chứng, ‘không tức là sắc’: là phủ định ‘không’ đối với ‘sắc’; ’sắc tức thị không’ là phủ định ‘sắc đối với ‘không’, nó như là một biểu thuật của một công thức với phương pháp thông qua phủ định để đạt đến khẳng định, đây cũng là nguyên tắc nhận thức đặc tính của ‘đạo’. Đạo không phải là nhận thức đối tượng (老子《道德经》第一章: 道可道, 非常道) khả năng ở trong kinh nghiệm để đạt đến nhận thức ‘thường đạo’ hay tâm đạo . Hoặc có thể nói chúng ta không thể dùng phương pháp bề mặt để nhận thức thể tính của pháp đối với sự vật hữu vi, hữu danh, hữu hình. Vậy đối với ‘không’ thì như thế nào? Thấy có cái ‘không’ cũng là đối tượng của nhận thức, nhận thức mang tính quy ước, mà thể của ‘đạo’ vốn không có tính quy định. Vì vậy, không thể nói theo kinh nghiệm nó là gì, chỉ có thể nói rằng ‘tâm’ thì không là gì cả. Do đó, Lão Tử nghĩ rằng kiến thức và kinh nghiệm chung phải được loại bỏ trước tiên, và những điều thực nghiệm hữu danh hữu hình còn tồn tại trong tư tưởng cũng phải loại bỏ. Đạt đến điểm này thì mới có thể hội được yếu nghĩa của tâm không, và cái ‘không’ này mớ có thể ‘tùy sở trụ’ hay ‘vô vi nhi vô bất vi’ vậy. Khi thấy ‘tâm’ không là gì cả chúng ta mới có thể hiểu được ‘tâm’. Bổn thể vũ trụ gọi là ‘tâm’, bản thể tạo tác thế giới không thể gọi là gì, nó không có danh xưng, tạm xưng là ‘tâm’ vì biện pháp vô biện pháp, chỉ là sự miễn cưỡng đối với danh xưng. Ở đây không thể xác định, ngay cả việc xử dụng hình dung từ để miêu tả nó.
Có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm của phép biện chứng của hữu và không, âm và dương, sáng và tối đối nhau, chúng được kết nối với nhau và có thể biến đổi lẫn nhau. Nhưng một trong hai điều tương ứng luôn nằm ở một trong hai cực. Tuy là đối ứng tướng nhưng cùng hỗ tương và dung nhiếp nhau, và là hai mặt của một thực tại. Sự chú ý là tìm một tính tướng đối của cực này trong một cực kia ở phương diện tốt và xấu v.v…Về sự vật có hai hai cực đối lập như “quá” và “bất “cập”, giữa hai cực cũng có sự liên hệ, cũng có thể là hỗ tương chuyển hóa cho nhau. Hiểu thế, chúng ta có thể tìm ra khoảng giữa của chúng, đó là “trung cấp”, đây là điều mà Lão Tử gọi là “Trung dung chi đạo” (中庸之道). Trung dung cũng có nghĩa là thấy tướng đối lập của một mặt, thấy tướng dương trong âm, hay ngược lại. Cũng bao hàm nhận thức ý nghĩa phủ định trong nhận thức khẳng định.
Phương pháp luận chứng của tính ‘không’ có thể gọi là phương pháp phủ định, hoặc gọi là phương pháp ‘thông qua phủ định để đạt đến khẳng định’, cũng là luận chứng triết học để đạt đến cảnh giới tự do. Trong sắc nói là không, trong không nói là sắc; Ở trong Đệ nhất nghĩa đế nói là không, trong thế tục đế bàn về hữu, người nào đã xả được nhị biên luận gọi là hành Trung đạo (《成实论》卷10《身见品》:若第一义谛故说无,世谛故说有,名舍二边行于中道).
Người mê vật thường chấp vào ‘có’ người mê tâm thường chấp vào ‘không’. Để giúp hành giả không bị lạc vào kiến chấp có và không, kinh luận thường dùng Thế tục đế nói ‘có’với người chấp ‘không’, nói ‘không’ với người chấp ‘có’, như có cái này, đạt cái kia… nhằm giúp người không rơi vào đoạn diệt, hoặc ‘vô ngã’ (anattā/anātman) để không rơi vào thường kiến (《大智度论》卷31《序品》: 以世俗谛故有,第一义故破。以俗谛有故,不堕断灭中,第一义破故,不堕常中…). Tuy nhiên, ngoài phương tiện thiện xảo thì ba pháp ấn căn bản của Phật giáo đối với sự vật và tư duy khách quan mà người học Phật đều phải nhận diện như thực, đó là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Thấy sắc là vô thường, đang thay đổi không ngừng, thấy sắc là khổ, thấy sắc là vô ngã (không), và ‘không’ được hiểu như sắc, là ‘duyên khởi tánh không’. Đức Phật dạy rằng cái thấy chúng ta là vô thường. Những gì vô thường đều là khổ, và đau khổ đều không có tự ngã, và không có tự ngã nên cần phải liễu tri: ‘Cái này không phải của tôi, tôi không phải là cái này, đây không phải là tự ngã của tôi.’ Thanh, hương, vị, xúc và tư tưởng là vô thường, vô thường là khổ, khổ là vô ngã, và chúng là vô ngã nên cần liễu tri: ‘Cái này không phải của tôi, tôi không phải là cái này, đây không phải là tự ngã của tôi.’ (Bāhirāniccasutta: “Rūpā, bhikkhave, aniccā. Yadaniccaṃ taṃ dukkhaṃ; yaṃ dukkhaṃ tadanattā. Yadanattā taṃ ‘netaṃ mama, nesohamasmi, na meso attā’ti evametaṃ yathābhūtaṃ sammappaññāya daṭṭhabbaṃ.Saddā …gandhā …rasā …phoṭṭhabbā …dhammā aniccā. Yadaniccaṃ taṃ dukkhaṃ; yaṃ dukkhaṃ tadanattā. Yadanattā taṃ ‘netaṃ mama, nesohamasmi, na meso attā’ti evametaṃ yathābhūtaṃ sammappaññāya daṭṭhabbaṃ.) Và khi đã thấy được tất cả không phải là tự ngã của tôi, đó là khi tuệ tri được ‘Nhân-pháp câu không' và trong tự tánh (svabhāva) ‘không’ này hành giả mới ‘minh’ được cái ‘vô minh’ từ trước của mình.
“…Thử xem bóng nguyệt lòng sông, ai hay không có có không làm gì?”
Thấy các pháp như thấy bóng trăng in dưới nước là cái thấy từ chối thực hữu của người chấp sắc và không, và từ chối chấp trước vào thân và tâm của chúng ta. Sư từ chối các khái niệm ‘có’ và ‘không’ có khả năng đánh thức tự tánh thường minh đối với sự vật và ngôn ngữ mà phương pháp huyền học đề xuất là ‘được ý quên lời (“得意忘言”). Ngôn ngữ diễn đạt chỉ là một công cụ, bản thân nó không phải là thứ đó, hoặc ngôn ngữ đó chỉ là một công cụ để diễn đạt ý nghĩa (ý nghĩa tư tưởng). Quên ngôn ngữ như quên phượng tiện để nhận ra "ý nghĩa" (bản chất bên trong của sự vật). Nói cách khác, chỉ thông qua biểu đạt để có thể hiểu được bản chất tự tánh (svabhāva) của sự vật, hoặc căn cứ sự tồn tại và nguyên nhân tồn tại. Như thế, chỉ thông qua hiện tượng mới có thể đạt được bản chất, nhưng nắm bắt hiện tượng mà không buông làm sao đạt được bản chất.
Do đó, kinh nói ‘sắc là không’ thì ta phải hiểu là kinh muốn phủ định đối với sắc; nói ‘không là sắc’ thì là phủ định không; thọ, tưởng, hành, thức là không, năm uẩn là không, và không cũng là năm uẩn. Khi sắc… và không đều bị phủ định thì đâu là sự thực? Sự thực được gọi là ‘ngôn ngoại chi ý’, trong âm nhạc gọi là ‘tiếng ở ngoài dây (“弦外之音”) , trong hội hoại gọi là ‘cảnh ngoài bức tranh’ (“画外之景”). Phương pháp tư duy này ảnh hưởng sâu sắc đến các lý thuyết ngôn ngữ. Kinh điển giúp ta tháo gỡ vướng mắc, đau khổ và sợ hãi do tư duy sai lầm đối với tâm và pháp. Tháo gỡ được vướng mắc tư tưởng hay nhận thức vô minh thì chúng ta hết đau khổ và sợ hãi, như sợ hãi chết là không, sợ hãi chết là còn…Ở trong tự tánh Không thì không có gì là còn hay mất, chỉ là sự chuyển đổi, hiểu được ý kinh đó là giải thoát, là tự do là ‘thành Phật’ chứ không phải cứ ngồi hoài, lạy hoài, niệm hoài, chấp hoài mới có thể thoát ly sinh tử và chứng đắc giải thoát.
Khi chúng ta không còn bị ‘sắc’ trói buộc, không còn bị ‘không’ ám ảnh, tư tưởng không còn sinh diệt phập phồng, tất cả nỗi lo sợ đều tan hoang bên kia bờ đau khổ, chỉ với tâm an nhiên siêu thái, đạt giả ‘hành nhi vô hành’ trên những bước chân nhẹ như nắng chiều phơi phới.
TNTQ
No comments:
Post a Comment